Cấm thi lớp 6 và những thông tin trái chiều: phụ huynh bấn loạn

21/03/2015 - 07:52

PNO - PN - Ngày 17/3, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh, thành thực hiện nghiêm việc không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Ngay hôm sau, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố phương án cho học sinh (HS) làm bài khảo sát năng lực thay...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thay “thi” bằng “khảo sát”!

Những ý kiến tỏ ra hoang mang, thậm chí phản đối việc cấm thi lớp 6 thuộc về giới PH có nguyện vọng cho con vào học lớp 6 trường chuyên, trường “điểm” như các trường Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), Hà Nội - Amsterdam và Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Chị Thúy P., một PH tại Q.5,TP.HCM, nói: “Con tôi đang học lớp 5. Từ năm lớp 2 tôi đã cho con theo học các lớp ôn thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Nếu cấm thi thì bốn năm ôn luyện của cháu trở thành vô nghĩa sao?”.

Chị Thanh H., nhà ở khu vực Bình Triệu (Q.Thủ Đức), đang cho con ôn luyện tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Thăng Tiến (Q.Tân Bình) với hy vọng con sẽ thi đậu vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa trong những năm tới, cũng tiếc rẻ: “Vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa rất khó nên tôi phải đầu tư cho con ôn luyện từ lớp 1. Bây giờ nếu không cho thi tuyển thì thật là uổng công tôi đưa đón, công cháu học hành suốt gần bốn năm qua”.

Không chỉ PH mà ban giám hiệu các trường chuyên cũng tỏ ra không đồng tình khi cho rằng nếu không tổ chức thi tuyển thì không có cách nào để sàng lọc, vì số HS có nguyện vọng vào học nhiều gấp chục lần so với chỉ tiêu tuyển.

Tại TP.HCM, Sở GD-ĐT trấn an dư luận bằng việc công bố phương án cho HS làm bài khảo sát năng lực thay cho thi tuyển. Người phát ngôn của Sở, ông Đỗ Minh Hoàng còn cho biết thêm: Bài kiểm tra năng lực này bằng tiếng Anh, những kiến thức các môn tự nhiên và xã hội sẽ được tích hợp vào. Như vậy, thay vì HS sẽ thi ba bài văn, toán, tiếng Anh như trước thì năm nay các em sẽ chỉ làm một bài khảo sát với ba môn văn, toán, tiếng Anh được tích hợp.

Nhưng thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra chẳng những không làm PH yên tâm mà còn khiến họ thêm hoang mang. Chị Thúy Hà, một PH băn khoăn: “Tôi hiểu tích hợp như Sở nói là HS sẽ phải làm toán, làm văn bằng tiếng Anh. Toán thì có thể, chứ văn thì làm sao các cháu có đủ trình độ để viết một bài văn hay, có ý tưởng, để nhà trường tuyển chọn đúng đối tượng”. Một PH khác cho rằng, việc ra đề như Sở dự tính là để tuyển HS chuyên Anh chứ không phải là chuyên văn hay toán như đã làm.

Cám thi lóp 6 và nhũng thong tin trái chièu: phụ huynh ban loan

Để tham gia vào kỳ thi vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa, các em đều phải đi học luyện thi từ rất sớm - Ảnh: Trần Huy

Sức khỏe của con em đang bị tàn phá

Bên cạnh những ý kiến băn khoăn từ PH và đặc biệt là các trường chuyên, trường “điểm” (tuyển sinh căn cứ vào kết quả thi lớp 5), hầu hết các trường tiểu học và THCS lại đồng tình với việc cấm tổ chức kỳ thi tuyển lớp 6. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng GD-ĐT Q.9 nói: “Quy định cấm thi là hợp lý. Vì nếu thực hiện triệt để thì sẽ hạn chế được dạy thêm-học thêm”.

Cô Nguyễn Thị Kim Ân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), nói: “Tôi ủng hộ quyết định này vì như thế giảm bớt áp lực cho HS. Những HS lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp luyện thi vào trường Trần Đại Nghĩa được dạy những thứ rất cao siêu nhưng nhiều em lại không nắm được những cái căn bản, trong khi học tiểu học là phải học cái căn bản”.

Lãnh đạo các trường THCS cũng đồng tình việc dẹp bỏ kỳ thi vào lớp 6, dẹp trường chuyên, thậm chí dẹp luôn việc ưu tiên xét điểm vào lớp 6 của một số trường “điểm” hiện nay, vì điều này đang gây bất công giữa các trường.

“Tại sao trường Trần Đại Nghĩa, trường Lê Quý Đôn hay trường Nguyễn Du lại được lựa chọn HS giỏi, còn các trường khác thì không? Thực trạng này sẽ dẫn đến, có trường toàn HS giỏi, có trường lại toàn HS trung bình, yếu kém; giáo viên mới ra trường cũng tìm cách chạy về trường điểm để dạy cho khỏe thân” - hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 phân tích.

Một hiệu trưởng khác thẳng thắn: “Tôi nghĩ, việc Sở GD-ĐT TP.HCM đẻ ra kỳ khảo sát là một cách né quyết định của Bộ, vì làm bài khảo sát thì cũng là thi. Rồi một vài trung tâm luyện thi lại tiếp tục đắc lợi”.

Bản chất của giáo dục, nhất là giáo dục công lập là không phân biệt giỏi-dở. Nhưng trên thực tế lâu nay người ta vẫn làm ngược khi căn cứ vào điểm số để tuyển sinh vào lớp 6. Đây là lý do khiến việc dạy thêm-học thêm, luyện thi đang diễn ra tràn lan và dường như không có điểm dừng. Ngoài giờ học theo quy định, hiện trường tiểu học nào cũng tổ chức dạy thêm thông qua tăng tiết ở buổi hai. Nhưng vẫn chưa đủ nên sau giờ tan học, PH và giáo viên lại đưa HS đến điểm học thêm buổi tối. Năm ngoái, nhiều nơi, PH còn tổ chức học thêm vào buổi sáng sớm.

Ở TP.HCM, dù không được thống kê, nhưng số HS theo học thêm và luyện thi với hy vọng đậu vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa và đủ điểm xét vào các trường “điểm” như THCS Lê Quý Đôn (Q.3), THCS Nguyễn Du (Q.1)… là không ít.

Tại các trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1), Nguyễn Thái Sơn (Q.3) đều có trung tâm văn hóa ngoài giờ, nhưng sau tiếng trống tan trường, PH vẫn hối hả chở con đến các lớp luyện đặc biệt với quyết tâm thi đậu vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa.

Cô Nguyễn Thị Kim Ân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), cho biết, số HS lớp 4, lớp 5 tham gia luyện thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa chiếm khoảng 15%. Trong kỳ thi vào lớp 6 năm 2014-2015, trường Trần Đại Nghĩa có hơn 3.800 HS dự thi để “tranh nhau” 360 chỗ học. Nhưng dường như càng khó thì PH lại càng “quyết tâm” đua tranh.

Cấm thi tuyển lớp 6 còn liên quan đến cách đánh giá ở bậc tiểu học hiện nay. Dù vẫn còn những khó khăn nhưng việc “thay đổi cách đánh giá” ở bậc tiểu học là rất tích cực, tiệm cận với những tiến bộ của những nền giáo dục phát triển trên thế giới. Thế nhưng sự đổi mới tích cực này (không đánh giá HS bằng điểm) sẽ bị “bóp chết” nếu việc tuyển sinh lớp 6 vẫn bằng điểm số và vẫn còn duy trì các trường THCS chuyên.

Cuối cùng là vấn đề sức khỏe của các em HS. Ai cũng thấy các em đang bị quá tải học hành. Có giáo viên thừa nhận: “Nếu bắt chúng tôi học với một thời khóa biểu như các em đang chịu đựng thì chúng tôi cũng không chịu nổi”.

Nhiều thầy cô giáo cũng than, do học thêm liên tu bất tận nên vào giờ học chính khóa, nhiều HS đã ngủ gục hoặc lờ đờ, không thể tiếp thu bài. Việc học như thế, chỉ là đối phó với lối thi cử vốn đã lạc hậu. Trong khi, tác hại của nó là vô cùng lớn: làm hao mòn, thậm chí tàn phá thể lực và trí lực của HS.

MINH NHẬT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI