Cải lương tuồng cổ chuyển mình tươi mới

17/02/2023 - 19:25

PNO - Sân khấu cải lương đã có một mùa diễn tết rất thành công. Một lần nữa, cải lương tuồng cổ lại áp đảo, không chỉ về số lượng mà cả sự đầu tư.

Những luồng gió mới

Lâu nay, cải lương tuồng cổ (CLTC) là mảng hấp dẫn với âm nhạc bắt tai, vũ đạo lôi cuốn, phục trang đẹp mắt, cốt truyện kịch tính. Nhưng cũng có thời gian, CLTC mất dần sức hút vì quanh quẩn chỉ chừng ấy tuồng tích, có mới chăng chỉ là phục trang nghệ sĩ ngày càng lộng lẫy, phụ kiện thêm rườm rà mà quên chăm chút cho nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, đôi ba năm trở lại đây, tình hình đã chuyển biến tích cực. Nhiều nghệ sĩ có tư duy làm nghề đổi mới, táo bạo và định hướng lâu dài không chỉ “bán được vé” mà còn phải “giữ khán giả”. 

Vở Bạch xà đáo địa ngục môn của sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang mang phong cách “cải lương hành động” với nhiều màn vũ đạo, chiến đấu
Vở Bạch xà đáo địa ngục môn của sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang mang phong cách “cải lương hành động” với nhiều màn vũ đạo, chiến đấu

Minh Tơ và Huỳnh Long là 2 thương hiệu kỳ cựu đã thể hiện phong cách khác biệt từ thời hoàng kim. Nếu Minh Tơ được đánh giá cao nhờ sự bài bản, điêu luyện thì Huỳnh Long được yêu thích vì sự tươi mới, trẻ trung. Hiện tại, cả Minh Tơ và Huỳnh Long vẫn kế thừa và giữ gìn tinh hoa từ trước. 

Tuy nhiên, đoàn CLTC Minh Tơ chỉ mới trở lại từ tháng 5/2021, khi dịch bệnh hoành hành, vẫn chưa có tác phẩm đột phá. Trong khi đó, đoàn CLTC Huỳnh Long đã đi trước từ năm 2016. Ngoài phát huy sự hoạt náo, màu sắc giải trí đã định hình thì với sự góp sức của NSƯT Hữu Quốc, người xem đã thấy một Huỳnh Long mới lạ hơn trong những kịch bản rất quen thuộc như Mạnh Lệ Quân hay Xử án Phi Giao. NSƯT Hữu Quốc đã nhuận sắc kịch bản, đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ, nhất là khai thác thêm các lớp diễn nội tâm, để vở diễn thêm chiều sâu, phù hợp tâm lý khán giả hiện đại.

 Được chú ý từ danh hiệu quán quân Sao nối ngôi 2017, có thời gian Lê Nguyễn Trường Giang gây tranh cãi về những cách làm khác với truyền thống. Đến nay, dù có thành công hay không, Trường Giang cũng chứng tỏ được mình là một nghệ sĩ dám nghĩ, dám làm. Có khả năng tự sáng tác, Lê Nguyễn Trường Giang đã cụ thể hóa sự quan tâm và yêu thích lịch sử của mình qua 2 sản phẩm dưới hình thức “web drama
cải lương” là Cái chết của vua Cảnh Thịnh và Vận mệnh vương triều trên kênh YouTube riêng. Anh có hướng khai thác về những bi kịch, góc khuất lịch sử và những nhân vật ít người biết theo góc nhìn mà theo anh có thể lạ lẫm với người xem nhưng phải dựa trên sử liệu cụ thể. Lê Nguyễn Trường Giang cho biết, anh vẫn rất tâm huyết với những nhân vật anh hùng, nữ kiệt của Việt Nam và sẽ tiếp tục thực hiện các MV sử Việt trước khi đủ điều kiện để đưa lên sân khấu lớn.

 

Cả sân khấu Chí Linh - Vân Hà, Lê Nguyễn Trường Giang và sân khấu Hoàng Hải đều chủ trương khai thác kịch bản mới, đặt hàng sáng tác riêng. Với trụ cột là 2 nghệ sĩ gạo cội Chí Linh - Vân Hà, sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã chú trọng bồi dưỡng lứa nghệ sĩ CLTC mới. Trong đó, nghệ sĩ Hoàng Hải sau thời gian học hỏi, rèn nghề tại đây đã tự tin lập sân khấu, mạnh dạn thể hiện các ý tưởng của mình.

Chỉ mới ra mắt 2 tác phẩm là Lan Lăng vương nhập trận khúc (tác giả: Yến Ngân) và Loạn thế anh hùng (tác giả: Nguyệt Hà) nhưng sân khấu Hoàng Hải đã để lại ấn tượng đẹp vì sự chỉn chu, tươi mới. Hoàng Hải cho biết đã chủ động tìm nguồn kịch bản từ những tác giả trẻ - những người thường có nhiều ý tưởng rất mới. Vẫn còn quá sớm để nói về nội lực của một đơn vị biểu diễn chỉ qua 2 tác phẩm, nhưng Hoàng Hải đã định hướng các vở diễn chú trọng đào sâu, kết hợp chất tự sự trữ tình của cải lương truyền thống với tiết tấu nhanh gọn, hấp dẫn của tuồng cổ.

Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang được nghệ sĩ trẻ Lê Nguyễn Trường Giang bền bỉ gầy dựng từ 10 năm qua từ các chương trình nhỏ lẻ, chương trình mang tính giao lưu, học tập, dần tiến đến tác phẩm hoàn chỉnh. Hiện, với những Bạch xà đáo địa ngục môn, Yên Đan thất thủ Dịch Thủy giang, Máu loang Lộc Đài thành, sân khấu đã thể hiện một phong cách rất khác biệt.

Sức hút đến từ phần dàn dựng hiện đại tác động mạnh đến giác quan người xem, chủ đạo là những cảnh hành động công phu, những lớp vũ đạo khó và dày đặc. Với phong cách “cải lương hành động” này, sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả trẻ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ê kíp cần tiết chế vì quá tham vũ đạo khiến tác phẩm có phần lê thê và nghệ sĩ quá tốn sức, ảnh hưởng đến phần ca diễn.

Một điều rất đáng ghi nhận là các nghệ sĩ đều ý thức cách tân, đổi mới biểu diễn về nhiều mặt để thu hút khán giả. Mỗi lần tái diễn, đều cố gắng bổ sung mảng miếng dàn dựng để tạo cảm giác mới mẻ cho người xem. Thậm chí, sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang còn dựng mới cả vũ đạo. Tất cả đòi hỏi sự đầu tư sức lực lẫn chất xám rất lớn, thể hiện một tinh thần làm việc nghiêm túc lẫn tình yêu cháy bỏng của người làm nghề.

Vở cải lương Lan Lăng vương nhập trận khúc của Sân khấu Hoàng Hải có thể dung hòa được khán giả yêu thích CLTC với quần áo đẹp, nhiều vũ đạo lẫn khán giả của cải lương truyền thống thích nghe ca.
Vở cải lương Lan Lăng vương nhập trận khúc của Sân khấu Hoàng Hải có thể dung hòa được khán giả yêu thích CLTC với quần áo đẹp, nhiều vũ đạo lẫn khán giả của cải lương truyền thống 

Biết là khó nhưng vẫn phải làm 

Sân khấu Đại Việt của “ông bầu” Hoàng Song Việt rất “chịu chơi” khi 3/4 tác phẩm ra đời mang màu sắc văn hóa, lịch sử Việt và chưa tác phẩm nào ngừng… lỗ. Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, ông trân trọng từng khán giả đến với mình và sẽ không “thỏa hiệp” chỉ để “bán vé”, vẫn kiên định với những tác phẩm có chiều sâu văn hóa.

Mùa diễn tết vừa qua, Tô Hiến Thành xử án là vở CLTC đề tài lịch sử duy nhất lọt giữa loạt tuồng tích nước ngoài. Đây là tác phẩm nổi tiếng từng góp phần làm nên tên tuổi đoàn CLTC Minh Tơ, nay trở lại dưới bảng hiệu Minh Tơ. Dù có ê kíp nghệ sĩ mạnh bậc nhất mùa diễn (NSƯT Phượng Loan, NSƯT Tú Sương, các nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Hằng, Công Minh, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Minh Trường, Nhã Thi…) nhưng vé bán chậm hơn hẳn. Trong khi trước đó, những Lưu Bị cầu hôn giang tả hay Tờ huyết thệ (Mã Siêu báo phụ cừu) cũng từ thương hiệu Minh Tơ lại “cháy vé”.

Có người an ủi, đề tài lịch sử không phù hợp diễn tết. Nhưng thực tế, nhiều năm qua, các vở diễn lịch sử khá chật vật. Năm 2016, dự án “Tôi yêu cải lương” do “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF phối hợp Hội Sân khấu TPHCM đưa Trung thần đến với khán giả. Vở diễn lịch sử hội đủ các yếu tố hấp dẫn: cốt truyện kịch tính, vũ đạo đẹp mắt, nghệ sĩ ca hay diễn giỏi đã “khép lại” chỉ sau 2 suất.

Đầu năm 2023, ông Huỳnh Anh Tuấn lại liên kết với đạo diễn Nguyên Đạt khai trương chương trình “Sân khấu cải lương” của nhà hát Thanh Niên bằng vở Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên. Tác phẩm đạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu thủ đô 2022, khai thác câu chuyện lịch sử ít người biết cùng nhiều mảng dựng kịch tính được kỳ vọng sẽ thu hút khán giả. Nhưng tình hình vé bán không khả quan cùng nhiều lý do khách quan, chương trình phải tạm hoãn, chờ dịp khác.

Tô Hiến Thành xử án là vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử duy nhất của mùa diễn tết vừa qua
Tô Hiến Thành xử án là vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử duy nhất của mùa diễn tết vừa qua

Vì thế, dựng cải lương lịch sử vẫn là nỗi trăn trở của nhà quản lý lẫn người làm nghề nhiều năm qua. Nghệ sĩ Chí Linh cho biết, làm cải lương lịch sử phải đầu tư gấp nhiều lần, cả về tiền bạc lẫn tâm sức so với thực hiện một vở tuồng cổ thông thường. Anh vẫn đang tìm kịch bản hay và tích lũy nguồn lực để thực hiện trong dịp phù hợp là một kỳ liên hoan, hội diễn nào đó.

Nghệ sĩ Hoàng Hải cũng tìm kiếm những cây bút mới đồng hành cho nhiều dự án, trong đó có cải lương lịch sử. Nhưng cũng không dễ dàng khi người viết cải lương hiện nay đã hiếm. Một tác giả trẻ thẳng thắn bày tỏ: “Viết tuồng từ tích truyện nước ngoài chỉ cần tham khảo cốt truyện rồi phóng bút, hư cấu thế nào cũng được miễn hợp logic câu chuyện. Còn đề tài lịch sử, phải đọc rất nhiều sách, tìm hiểu đủ các tài liệu, viết cẩn thận từng câu từng chữ mà chưa chắc đã được khen, lại dễ bị bắt bẻ chi tiết này không có, nhân vật này không đúng”.

Thực tế, làm tuồng lịch sử vừa khó, lại dễ rủi ro, gần như không có khả năng hòa vốn. Đó là bài toán khó giải đối với các sân khấu xã hội hóa sống từ tiền bán vé. NSƯT Lê Nguyên Đạt - người đã tham gia làm 3 vở cải lương lịch sử là Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, Vương đạo - Vua thánh triều Lê Tô Hiến Thành xử án trong năm qua - chia sẻ:

“Biết là khó nhưng vẫn phải làm vì không thể để mảng đề tài lịch sử trên sân khấu cải lương ngày càng èo uột. Nếu một mình làm không nổi thì chúng ta có thể liên kết tạo sức mạnh chung để có thêm tác phẩm lịch sử phục vụ khán giả, nhất là người trẻ”. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI