“Cách làm của ta nửa vời, không chặt chẽ”

10/04/2023 - 06:24

PNO - Từng có 8 năm du học Nhật Bản và nghiên cứu về sách giáo khoa các nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, cách xã hội hóa sách giáo khoa ở Việt Nam vẫn còn đang nửa vời.

Phóng viên: Theo ông, vì sao đã khuyến khích nhiều thành phần tham gia khâu biên soạn, in ấn, phát hành mà giá sách giáo khoa (SGK) vẫn tăng, chất lượng vẫn có vấn đề?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến chất lượng SGK thấp, như chất lượng của chương trình tổng thể; trình độ, kinh nghiệm của người viết sách; trình độ của người thẩm định; việc thẩm định không kỹ, không đúng quy trình…

Đối với giá sách, lẽ ra, ngay từ đầu, Nhà nước phải có quy định giá tối đa đối với SGK. Các nhà xuất bản có thể làm SGK đẹp, tốt nhưng không được vượt ngưỡng giá nào đó. Chưa kể, việc tính toán giá thành SGK cũng có nhiều chuyện đáng để bàn. Mọi chi phí phát sinh, kể cả hoa hồng phát hành, đều được tính toán đưa vào giá sách và cuối cùng, gia đình học sinh gánh chịu. Khi đưa ra giá trần, nhà xuất bản buộc phải cân nhắc, tối ưu hóa chi phí bởi không đời nào họ chịu lỗ.

* Quy trình lựa chọn SGK hiện nay là, sau khi Bộ GD-ĐT phê duyệt các bộ sách đạt chuẩn, cấp tỉnh sẽ chọn một số bộ sách, sau đó trường chọn 1 bộ trong danh sách do UBND tỉnh duyệt. Theo ông, cách làm như vậy liệu đã hợp lý chưa?
- Cách làm như vậy là Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh đang làm thay việc của nhau. Nếu như bộ đã phê duyệt các SGK đạt chuẩn rồi thì các trường phải được tự chọn. Việc từng tỉnh phải duyệt lại rồi cho các trường chọn vừa không cần thiết, vừa giống như định hướng ngầm. Điều này rất dễ xảy ra những chuyện không hay khi các nhà xuất bản, các nhóm tác giả “vận động hành lang” cho bộ sách của mình. Muốn chọn được sách tốt, phải để từng trường với hội đồng bao gồm các giáo viên trực tiếp giảng dạy lựa chọn. 

* Cách làm SGK của Việt Nam hiện nay khá giống một số nước nhưng kết quả lại chưa tốt. Phải chăng đó là do việc thực hiện các khâu của chúng ta còn nặng hình thức?

- Nhìn bề ngoài thì tưởng là giống vì đều có nhiều bộ SGK, bản thảo đều do Bộ GD-ĐT phê duyệt. Nhưng trên thực tế, cách làm của ta là nửa vời và không chặt chẽ. 

Thứ nhất, ở ta, SGK chủ yếu do Nhà xuất bản Giáo Dục làm, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ để nhiều nhà xuất bản cùng làm SGK. Ở Nhật Bản, mỗi môn học, có 8-10 nhà xuất bản - đều là tư nhân - tham gia làm sách. 

Thứ hai, ở Việt Nam, hiện chưa có quy chế tách bạch rõ việc biên soạn chương trình, biên soạn SGK, xét duyệt SGK, lựa chọn SGK, dẫn tới việc người biên soạn chương trình vẫn có thể tham gia soạn SGK; chưa công bố thành viên, chủ tịch hội đồng xét duyệt ngay từ đầu để báo chí, giới chuyên môn và người dân theo dõi, giám sát. 

Thứ ba, ở Nhật Bản, SGK từ lớp Một đến lớp Chín do Nhà nước mua để phát miễn phí cho học sinh. Việc này giúp giảm gánh nặng tài chính đối với gia đình khó khăn và đảm bảo công bằng giáo dục. 

Thứ tư, chủ trương “1 chương trình, nhiều SGK” phải được thực hiện song song với việc thừa nhận và khuyến khích sự tự chủ của giáo viên trong việc chọn SGK, tự biên soạn nội dung giáo dục và lựa chọn phương pháp giáo dục. Ở ta, điều này còn hạn chế.

* Vậy, cần giải pháp gì để việc xã hội hóa SGK có được kết quả tốt đẹp, thưa ông?

- Quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng của toàn bộ quy trình thẩm định và lựa chọn SGK. Bộ GD-ĐT cần phải có quy chế chặt chẽ để đảm bảo không có những tiêu cực dưới dạng “ưu ái” hay “phân biệt đối xử” đối với các bản thảo đăng ký thẩm định. Các quy định này cần phải được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin để giới chuyên môn và nhân dân theo dõi, giám sát. Các nội dung thẩm định, yêu cầu sửa chữa, lý do “đánh trượt”…

cần phải được thông báo bằng văn bản đối với nhà xuất bản và tác giả. Các tác giả và nhà xuất bản có quyền phản biện, khiếu nại, bảo lưu ý kiến khi không đồng ý với quyết định của hội đồng thẩm định. Thành viên của hội đồng phải là những người có uy tín về mặt khoa học và đạo đức học thuật. Hội đồng phải được công luận giám sát chặt chẽ để tránh việc “đi đêm” giữa hội đồng với phía biên soạn SGK. 

Bên cạnh đó, cần xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm lựa chọn SGK. Cần phải có “hàng rào pháp lý” để ngăn chặn sự lựa chọn dựa trên lợi ích nhóm thay vì dựa trên chất lượng SGK và mục tiêu giáo dục. Cần cấm nhà xuất bản dùng những biện pháp “vận động hành lang” liên quan đến quà tặng vật chất để tiếp thị các sản phẩm của mình với các địa phương. Ở Nhật, đã từng xảy ra các vụ “tặng quà” để tiếp thị SGK và đã bị xử lý rất nghiêm.
* Xin cảm ơn ông. 

Phạm Luận (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI