Các nước trên thế giới quy định như thế nào về việc vượt đèn vàng?

01/08/2016 - 14:35

PNO - Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ.

Hôm nay (ngày 1/8/2016), Theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Từ đó, người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng và đèn đỏ) bị phạt 1.200.000 - 2.000.000 đồng

Trong khi đó, Luật Giao thông Đường bộ quy định: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC67 - Công an Hà Nội), mức phạt mới theo Nghị định 46 cao gần gấp đôi mức cũ (hiện hành theo Nghị định 171 năm 2013).

Cac nuoc tren the gioi quy dinh nhu the nao ve viec vuot den vang?

Trước đây, nhiều người điều khiển phương tiện vẫn cho rằng vượt đèn vàng không bị xử phạt, tuy nhiên, hành vi này thuộc lỗi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".

Chia sẻ rõ hơn và tình trạng vượt đèn vàng trên đường, vị cán bộ này cho rằng, luật đưa ra với mong muốn người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành giao thông. "Khoảng cách giữa đèn vàng và đèn đỏ rất ngắn, nhất là vào mùa nắng nóng, vì vậy rất nhiều người đã cố vượt với tốc độ nhanh, điều này có thể gây nguy hiểm lớn cho người đi đường... Luật ban hành mong người dân sẽ có ý thức hơn và nghiêm túc thực hiện để đảm bảo an toàn cho mình và người đi đường" - vị cán bộ này nói.

Về quy định mới này, nhiều người cho rằng còn một số bất cập, anh Ngọc Minh (ngụ Q.5 - TP. HCM) nêu quan điểm: "Đèn vàng là cảnh báo, không phải cấm, không thể phạt".

Đồng quan điểm với anh Minh, bằng kinh nghiệm cá nhân, anh Hoàng Sơn phân tích: "Đèn vàng là đèn cảnh báo cho việc chuẩn bị dừng xe khi đèn đỏ xuất hiện. Tuy nhiên có 2 trường hợp xảy ra đó là: Thứ nhất, trường hợp có đủ thời gian và quãng đường để dừng lại trước vạch đèn đỏ.

Thứ hai, trường hợp không có đủ thời gian và quãng đường để dừng lại trước vạch đèn đỏ. Ở trường hợp này, phương tiện giao thông được phép chạy tiếp vì nếu dừng lại thì xe sẽ dừng trong ngã ba, ngã tư gây ra tắc đường và tai nạn giao thông... Vì vậy, người ta mới để khoảng 5 giây đến 10 giây chuyển giao giữa đèn đỏ sang đèn xanh để người và phương tiện giao thông có đủ thời gian thoát".

Còn anh Nguyễn Văn Nam (ngụ Q. 7 - TP. HCM) đặt ra câu hỏi: "Luật phạt đèn vàng thông qua ở Việt Nam, trên quốc tế có nước nào sử dụng luật này như nước Việt Nam không?".

Theo tìm hiểu của PV, tại Úc, đèn vàng có ý nghĩa tương đương đèn đỏ - tất cả các phương tiện phải dừng lại.

Luật của mỗi bang tại Mỹ cũng quy định khác nhau về ý nghĩa và hành vi vượt đèn vàng. Tại một số bang như Colorado và California, đèn vàng chỉ có ý nghĩa cảnh báo sắp tới đèn đỏ. Nếu phương tiện vào giao lộ trước khi đèn chuyển sang đỏ, phương tiện đó không phạm luật.

Đức và Singapore không có quy định xử phạt các trường hợp vượt đèn vàng. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng không khuyến khích hành vi này. Tại Đức, nếu có đèn vàng nhấp nháy ở ngã tư, các phương tiện phải dừng lại và chỉ được di chuyển cho đến khi thông thoáng.

Phạm Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI