Cá chết, lộ 'tử huyệt' trong cuộc chiến chống ô nhiễm ở Sài Gòn

19/04/2019 - 06:26

PNO - Cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) lại chết lềnh bềnh do nguồn nước ô nhiễm chỉ sau một cơn mưa trái mùa. Từ đây “truy” ngược lại hệ thống thu gom nước thải và nước mưa ở địa bàn TP.HCM...

Cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) lại chết lềnh bềnh do nguồn nước ô nhiễm chỉ sau một cơn mưa trái mùa. Từ đây “truy” ngược lại hệ thống thu gom nước thải và nước mưa ở địa bàn TP.HCM sẽ thấy chương trình cải thiện ô nhiễm nguồn nước còn rất mịt mờ.

Không ngăn ô nhiễm, cá sẽ tiếp tục chết 

Để ngăn chặn tình trạng cá chết tái diễn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong mùa mưa 2019, từ tháng Ba, Trung tâm Chống ngập TP.HCM đã có công văn đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ứng phó, trong đó có việc giảm số lượng đàn cá. Tuy vậy, việc giảm số lượng đàn cá dường như chỉ là giải pháp phụ họa vì hiện nay, nguồn nước trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn chưa hết ô nhiễm, nhất là đoạn kênh ở thượng nguồn.

Ca chet, lo 'tu huyet' trong  cuoc chien chong o nhiem o Sai Gon

Cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết la liệt do nguồn nước ô nhiễm sau mưa. Ảnh chụp sáng 18/4 - Ảnh: H.N.

Trên thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi sáng 18/4, khu vực cá chết nhiều tập trung ở đoạn kênh thượng nguồn - nơi mực nước thấp và nước có màu nâu đen. Đây là đoạn kênh thường bị ô nhiễm do ít được thau rửa từ nguồn nước sông Sài Gòn. Cụ thể, đoạn kênh từ cầu Lê Văn Sỹ đến điểm giáp với đường Út Tịch (Q.Tân Bình) do có độ dốc cao nên nước từ sông Sài Gòn dùng để thau rửa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khi chảy đến đây thì “kiệt sức”, khó có thể làm sạch được đoạn kênh này.

Như những năm trước, qua mùa nắng, khi bắt đầu có mưa, nước mưa cuốn hết các chất bẩn đổ vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm cho nguồn nước bị ô nhiễm trở lại. Ở đoạn kênh thượng nguồn, do nguồn nước vốn đã ô nhiễm, cộng thêm nước ô nhiễm sau mưa nên mức độ ô nhiễm càng tăng cao khiến cá ở khu vực này không thể sống được. 

Để hạn chế tình trạng cá chết, Trung tâm Chống ngập cho biết sẽ duy tu nạo vét hệ thống thoát nước dọc theo tuyến kênh, bên cạnh đó, sẽ tăng cường hoạt động hệ thống bơm nước thải (công suất 64.000m3/giờ) trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa để giảm hàm lượng các chất độc hại trong môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Song, trên thực tế, phải chờ đến khi nào xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải (ở Q.2), nguồn nước ô nhiễm trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được thu gom, xử lý.

Giống như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm dù đã hoàn thành nhiều năm nhưng đến nay nước ở dòng kênh này vẫn một màu đen sì. Giữa tháng 4/2019, khi công tác vớt rác trên kênh bị gián đoạn, mức độ ô nhiễm trên dòng kênh này chẳng khác mấy so với lúc chưa cải tạo. Để cải thiện chất lượng nước trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, TP.HCM cần phải xây hệ thống cống bao gom nước thải đưa ra về nhà máy xử lý. Hiện cả hai công trình lớn với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng này chưa biết khi nào thực hiện nên chuyện kênh Tân Hóa - Lò Gốm vẫn còn là tương lai rất xa vời.

Đủ nguồn ô nhiễm gây ám ảnh

Trong cái nắng gay gắt giữa tháng Tư Sài Gòn, nhiều công nhân thoát nước đang hối hả vét bùn đất khơi thông lòng cống để chuẩn bị đón mùa mưa phải khựng lại, sởn da gà khi gặp phải những hố ga ngập trong lớp chất thải nhầy nhụa, sặc mùi hôi. Đó là dầu mỡ bẩn - một trong những thứ chất thải ám ảnh nhất đối với công nhân thoát nước. Đây cũng là minh chứng cho sự quá tải về ô nhiễm trong lòng cống thoát nước do nước thải dùng chung.

Ca chet, lo 'tu huyet' trong  cuoc chien chong o nhiem o Sai Gon

Nhiều miệng cống ở TP.HCM ngập trong dầu mỡ bẩn vừa gây ô nhiễm và tắc nghẽn cống thoát nước - Ảnh: H.N.

“Đường nào có nhiều cơ sở sản xuất, nhà hàng - quán ăn là cống thoát nước ở đó bị ô nhiễm nặng. Sợ nhất là hóa chất từ các cơ sở sản xuất và dầu mỡ từ các hàng quán thải ra. Những tuyến đường có nhiều quán bán vịt quay dầu mỡ chảy ra cống liên tục, vớt hoài không hết. Có chỗ anh em phải vứt bỏ quần áo dính dầu mỡ vì không có cách gì giặt sạch nên hễ thấy chỗ nào có nhiều quán ăn là tự dưng bị ám ảnh…”, một công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM bộc bạch khi dùng chiếc xà beng dò độ sâu của lớp dầu mỡ trong một hố ga gần một quán vịt quay trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.5, TP.HCM). 

Ô nhiễm trong lòng cống, xử phạt không xuể

Trao đổi với chúng tôi, một vị nguyên lãnh đạo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, việc xử lý tình trạng cống thoát nước bị dầu mỡ lấp bít không dễ vì có quá nhiều nguồn xả thải. Vị này phân trần: “Cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt những nhà hàng, quán ăn lớn nơi có lượng dầu mỡ xả ra nhiều, còn những hàng quán nhỏ, rồi nhà dân xả rất nhiều nên xử lý không xuể. Dầu mỡ từ các hàng quán nhỏ, từ nhà dân mỗi nơi mỗi ít nhưng tích tụ lâu ngày cũng thành một lượng lớn gây ô nhiễm”.

Anh Huỳnh Văn Khanh, tổ trưởng một tổ duy tu nạo vét cống thoát nước của Xí nghiệp Thoát nước số 4 (thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM) cho biết, trên đường Bùi Hữu Nghĩa hầu như hố ga nào cũng bị dầu mỡ lấp bít với độ dày gần cả mét. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra ở đường Vĩnh Khánh (Q.4) với lượng dầu mỡ thu gom được trong một hố ga mỗi lần gần cả mét khối. “Mỗi khi gặp hố ga có dầu mỡ việc nạo vét rất cực nhọc, thường phải dùng các thiết bị hỗ trợ như máy bơm hút chuyên dụng mới dọn hết được lớp chất bẩn”, anh Khanh bày tỏ thêm.

Tại “khu đại gia Sài Gòn” (P.Thảo Điền, Q.2) một trong những điểm ngập nặng nhất TP.HCM hiện nay, công nhân thoát nước cũng liên tục phát hiện các hố ga trên đường Quốc Hương bị dầu mỡ thải ra gây tắc nghẽn. Vùng ngoại thành, những tuyến đường có nhiều hàng quán bán đồ ăn như đường Liên tỉnh 5 (Q.8), Quốc lộ 50 (H.Bình Chánh), Quốc lộ 22 (H.Hóc Môn)… nhiều hố ga cũng bị dầu mỡ xả ra gây tắc nghẽn và ô nhiễm.

Theo thống kê sơ bộ của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có gần 50 tuyến đường hệ thống cống thoát nước thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là tình trạng dầu mỡ thải ra gây tắc nghẽn. Tình trạng này xảy ra nhiều ở khu vực nội thành. Cụ thể, tại Q.1 có hơn 10 tuyến đường cống thoát nước thường xuyên bị dầu mỡ lấp bít như đường Đông Du, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai. Q.Bình Thạnh cũng có hơn 10 tuyến đường hệ thống cống thoát nước thường tắc nghẽn và ô nhiễm do chất thải dầu mỡ từ các hàng quán xả ra.

Khó khăn chồng chất, tưởng lời hóa… lỗ 

Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang có dấu hiệu mưa chuyển mùa, dự báo khoảng tháng Năm là vào mùa mưa. Do đó, công ty đang gấp rút thi công nạo vét những tuyến đường cống có nhiều dầu mỡ trước mùa mưa, nếu không khi mưa xuống sẽ xảy ra ngập, nghẹt và ô nhiễm môi trường.

Ca chet, lo 'tu huyet' trong  cuoc chien chong o nhiem o Sai Gon
Công nhân nạo vét các cống rãnh bị tắc 

Theo ông Trường, tình trạng cống thoát nước bị các nhà hàng, quán ăn xả dầu mỡ gây tắc nghẽn là vấn đề gây “đau đầu” chưa có hướng xử lý. “Công ty chỉ ghi nhận những khu vực cống thoát nước bị ảnh hưởng để tổ chức nạo vét thường xuyên chứ không có chức năng kiểm tra xử lý. Trong khi đó, dầu mỡ trong cống, trong hố ga cứ nạo vét được một thời gian ngắn thì tái diễn, khó có thể làm sạch lòng cống thường xuyên được”, ông Trường chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về lĩnh vực xử lý nước thải đô thị cho rằng, tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng như tình trạng cống đầy dầu mỡ là những minh chứng rõ nhất cho sự sai lầm khi thiết kế hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung. 

Ông phân tích: “Có thể dùng câu thành ngữ “một lần không tốn, bốn lần không đủ” để nói về vấn đề này. Do thành phố dùng chung một hệ thống cống để thoát nước mưa và nước thải nên chi phí xây dựng ban đầu tưởng thấp nhưng trên thực tế chi phí vận hành sau này sẽ rất cao; nước thải và nước mưa vừa dồn chung như thế nên khối lượng nước xử lý sẽ rất lớn và tốn kém, chưa kể nước thải dồn chung với nước mưa nên việc chống ngập cũng rất khó khăn, tiền nạo vét duy tu cống hàng năm cũng rất lớn…”. 

Phải xây nhiều nhà máy xử lý nước thải lớn

Hiện TP.HCM đang có nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Bình Hưng ở huyện Bình Chánh đang vận hành giai đoạn 1 với công suất 141.000m3/ngày đêm (giai đoạn 2 đang xây dựng); nhà máy Bình Hưng Hòa đang vận hành với công suất khoảng 30.000m3/ngày đêm và nhà máy XLNT Tham Lương ở Q.12 đã xây dựng xong đang vận hành tạm vì chưa có hệ thống cống thu gom nước thải.

Theo quy hoạch, TP.HCM cần đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy XLNT lớn với tổng mức đầu tư gần cả trăm ngàn tỷ đồng. Các nhà máy XLNT dự kiến sẽ xây dựng trong tương lai như nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ngày ở Q.Tân Phú có mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng…); nhà máy XLNT khu vực Bình Tân (công suất 180.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.800 tỷ đồng); nhà máy XLNT lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm (công suất 300.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.300 tỷ đồng); nhà máy XLNT lưu vực Bắc Sài Gòn 1 (công suất 170.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.500 tỷ đồng); nhà máy Bắc Sài Gòn 2 (công suất 130.000m3/ngày, tổng mức đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng); nhà máy Rạch Dừa Cầu (công suất 100.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng); nhà máy Tây Bắc (công suất 130.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng)…

Theo một số chuyên gia về XLNT đô thị, nếu có hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng, TP.HCM sẽ không cần đầu tư xây dựng những tuyến cống thu gom nước thải khổng lồ cũng như những nhà máy XLNT lớn mà chỉ cần xây dựng những trạm xử lý nhỏ cho từng khu dân cư, kinh phí đầu tư sẽ ít tốn kém hơn.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI