Buôn bán khó khăn, doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu

23/08/2020 - 11:16

PNO - Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu trong phát hành trái phiếu với 41,8% tổng lượng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Trái phiếu bất động sản vượt mặt ngân hàng

Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm 2020, tổng lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tăng 61,3% so với cùng kỳ (đạt 171.500 tỷ đồng). Nhóm bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành.

Trong đó, tổng giá trị phát hành của ngân hàng đạt 47.300 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2% so với cùng kỳ). 

Dù tăng trưởng mạnh, nhưng năm nay nhóm ngành ngân hàng đã bị bất động sản vượt mặt khi tổng giá trị phát hành của doanh nghiệp bất động sản lên đến 71.600 tỷ đồng (chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2019). Như vậy, đây là năm đầu tiên nhóm ngành ngân hàng rớt xuống vị trí thứ 2 trong phát hành trái phiếu.

D
Không huy động vốn từ buôn bán nhà đất được, doanh nghiệp bất động sản chuyển sang huy động vốn từ trái phiếu?

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành mạnh nhất gồm: Vinhomes phát hành 12.000 tỷ đồng với lãi suất 9,65%; TNR Holdings phát hành 8.321 tỷ đồng với lãi suất 10,9%; Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long phát hành 3.500 tỷ đồng với lãi suất 8,64%; Công ty TNHH Saigon Glory phát hành 3.000 tỷ đồng với lãi suất 11%; Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova phát hành 2.537 tỷ đồng với lãi suất 10,6%, Công ty CP Kita Invest phát hành 2.100 tỷ đồng với lãi suất 11,5%...

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành lớn thứ 2, điển hình như: Công ty CP đầu tư kinh doanh BĐS Hà An, Công ty địa ốc Phú Long, Công ty CP đầu tư BĐS Đông Dương… với giá trị phát hành từ 1.000 – 1.500 tỷ đồng, lãi suất 11%-12%. 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện có lãi suất phát hành khá cao. Các doanh nghiệp đang dẫn đầu về lãi suất huy động có: Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Lộc Phát phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất lên đến 12%/năm; Công ty cổ phần BCG Land huy động 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm. Mức lãi suất cao nhất thị trường sơ cấp trong 6 tháng vừa qua là 13,3%/năm thuộc về 1.598 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 - 30 tháng của Công ty CP City Garde.

Như vậy, có thể thấy rõ, lãi suất huy động của trái phiếu bất động sản hiện nay khá cao, vượt mặt cả ngân hàng. Đây cũng là lý do trái phiếu bất động sản thu hút nhiều nhà đầu tư và đạt được lượng phát hành "khủng" giữa đại dịch COVID-19. 

Nhà đầu tư nên thận trọng

Theo Công ty chứng khoán SSI, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng nóng trong quý III/2020, nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý IV/2020 do nhiều nguyên nhân, trong đó sự gia tăng phát hành hiện nay có thể do các doanh nghiệp đang chạy đua trước khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.

Dự kiến từ thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Trước những khó khăn của thị trường trái phiếu, SSI nhận định, mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giãn rộng để thu hút nhà đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng, khi thị trường bất động sản khó khăn, giao dịch giảm, nhưng trái phiếu doanh nghiệp lại phát hành tăng là điều nghịch lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong thời gian sắp tới, dự kiến làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 sẽ khiến thị trường bất động sản càng khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản bởi dự án gián đoạn. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cho trái chủ khi đến hạn. Có thể xảy ra tình trạng huy động trái phiếu nhằm “đảo nợ” khi không thể thanh khoản cho trái chủ. Hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nhà đầu tư nên thận trọng và cơ quan chức năng nên có động thái ngăn chặn tình trạng phát hành trái phiếu ồ ạt hiện nay.

Ngày 1/9/2020, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12 /2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành và bắt đầu có hiệu lực.

Nghị định 81 đưa ra một số điều kiện phát hành trái phiếu và việc công bố thông tin phát hành như dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất; các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; cập nhật thông tin và kiểm soát chặt chẽ hơn cả thị trường sơ cấp và thứ cấp…

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI