'Bóng hồng' sửa xe

28/06/2015 - 17:51

PNO - PN - Nghề sửa chữa xe đạp, xe gắn máy vốn là việc của đàn ông bởi rất cực nhọc và đòi hỏi người làm nghề phải có sức mạnh cơ bắp.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thế nhưng suốt 22 năm nay, chị Nguyễn Thị Loan (48 tuổi) ở số nhà 272, Quốc lộ 9, P.3, TP. Đông Hà (Quảng Trị) vẫn gắn với nghề sửa xe máy. Mặc dù rất vất vả, nhưng chị Loan vẫn bám trụ để mưu sinh, nuôi con cái ăn học.

"Cơ duyên" với nghề

Trong một lần tình cờ, xe bị hỏng, dắt tạm vào tiệm sửa xe ven đường, tôi biết đến chị Loan với nghề sửa xe máy. Dắt xe tôi vào, chị lặng lẽ đi vào nhà. Tôi cứ nghĩ chị vào gọi chồng ra sửa xe. Thế nhưng trước mắt tôi lại là một người phụ nữ hoàn toàn khác - chị khoác lên người chiếc áo lao động chuyên dùng lấm lem dầu nhớt, trên tay xách bộ dụng cụ sửa xe khá nặng nhọc.

'Bong hong' sua xe

Kiểm tra xe tôi xong, chị quay sang bảo: “Xe chú cháy IC rồi nên không nổ, thay luôn nhé”. Tôi gật đầu. Vừa sửa xe, chị vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với "nghề" này.

Chị sinh ra và lớn lên ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong) nhưng mối lương duyên lại gắn kết chị với anh Nguyễn Đông Hải (ở P.3, TP. Đông Hà). Năm 1990, chị theo chồng đến Đông Hà lập nghiệp. Ban đầu, chị chủ yếu lo việc nội trợ, chăm con nhưng dần về sau không có việc gì làm nên chị lặng lẽ học nghề sửa xe máy, xe đạp của chồng.

Thấy vợ thích, anh Hải bắt đầu chỉ bảo cho chị những điều cơ bản nhất. Chỉ sau một thời gian ngắn chị đã có thể sửa được những hư hỏng thông thường. Ngày ấy, anh Hải vừa sửa xe vừa làm xe ôm nên nhiều lúc khách vào sửa xe phải chờ hoặc đi sửa nơi khác. Sợ mất khách quen, chị đã bắt tay vào sửa xe thay chồng.

"Ngày mới vào nghề, tôi sửa xe đạp rất rành nhưng xe máy thì còn hơi lúng túng. Nhiều khách lạ thấy tôi là phụ nữ lại làm nghề này nên họ cũng lo lo. Tôi chỉ làm hơi chậm chứ tay nghề cơ bản vẫn ngon lành nên hầu hết khách cũng hài lòng" - lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Loan kể lại.

Lúc ấy chị Loan chỉ sửa chữa xe đạp là chủ yếu và sửa xe máy cũng chỉ dừng lại ở những thứ cơ bản như: vá xăm, thay lốp, tăng xích... nhưng rồi vì yêu cầu của khách nên chị lại quyết học thêm. Trước sự quyết tâm của vợ, anh Hải cũng lo vì sợ chị khổ cực. "Việc học sửa máy mất khá nhiều thời gian, lại cực. Thú thật ban đầu tôi cũng khuyên ngăn nhưng thấy vợ quá quyết tâm nên tôi đành dạy nghề vậy" - anh Hải nhớ lại.

'Bong hong' sua xe

Học xong nghề, chị mạnh dạn nhận sửa toàn bộ xe máy trước sự ngỡ ngàng của chồng và nhiều thợ lành nghề trong vùng. Từ pha chế sơn làm mới dàn đồng cho đến tháo lắp máy chị đều làm thuần thục. Khi công việc sửa xe đạp, xe máy của chị ổn định, chị động viên chồng mở xưởng doa tiện kim loại để làm thêm.

Thế là từ đó, chồng làm nghề doa tiện, vợ sửa chữa xe đạp, xe máy. Mỗi người mỗi việc khác "chuyên môn" nên cả anh và chị đều tự lo cho công việc của mình. Để chị Loan bớt đi vất vả, anh Hải sắm mới máy bơm hơi, dụng cụ vặn vít bằng hơi để giải phóng sức tay.

Năm 27 tuổi, chị bắt đầu đầu tư cho tiệm sửa xe của mình và quyết chọn nghề này mưu sinh như bao thợ sửa xe khác. Chị chấp nhận sự nặng nhọc của nghề, bỏ qua những nhu cầu làm đẹp của bản thân để chuyên tâm làm việc.

"Hồi còn nhỏ nhà nghèo lại đông anh em nên tôi phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ làm nông. Đến khi lớn lên lập gia đình chẳng có nghề nào mưu sinh nên theo chồng làm nghề sửa xe máy, xe đạp. Có nghề để mưu sinh là ước mơ của nhiều người và tôi nghĩ nghề nào cũng cao quý, miễn sao mình lương thiện", chị Loan chia sẻ.

Sống bền với nghề

Đã hơn 20 năm nay chị Loan chọn lấy dầu nhớt, cờ-lê, ốc vít để gắn bó. "Làm nghề này vất vả, bụi bẩn, nặng nhọc, có khi phải nằm lết giữa nền để tháo từng con vít. Thế nhưng nếu yêu nghề, quyết tâm bám nghề thì vẫn có cuộc sống khá đầy đủ" - chị Loan tự tin tiết lộ. Hàng ngày, tiệm của chị mở cửa từ 6 giờ sáng đến 8, 9 giờ tối mới nghỉ.

'Bong hong' sua xe

Chị cho biết: “Tôi con nhà nông nên quen với việc thức khuya dậy sớm rồi với lại sáng sớm nhiều người đi làm cần bơm lốp, vá xe nên cũng kiếm được chút ít. Tầm 5 giờ chiều là các tiệm sửa xe gần đây đều đóng cửa, còn mình lấy công làm lời nên phải cố gắng làm thêm, có khi gần 10 giờ đêm còn có khách đi đường ghé đến".

Sửa xe máy khổ hơn xe đạp, nhất là làm máy. Để làm máy, người thợ phải rã hàng chục bộ phận của máy rồi đến cưa, đục, đẻo, lau chùi, lắp ráp, thay thế. Thông thường một máy xe nặng khoảng 20 đến 25 kg nên bưng một mình cũng đã nặng nề. “Sửa xe, nam giới cực một thì phụ nữ cực tới hai. Nhiều lúc chồng con khuyên tôi nghỉ, kiếm việc nhẹ hơn mà làm nhưng tôi quen rồi; với lại làm nghề khác phải mất thời gian học, thích nghi” - chị Loan nói về chuyện chuyển nghề.

Sau hơn 20 năm, chị như già đi trước tuổi và có lẽ cũng ngần ấy năm rồi chị chẳng mấy lúc dùng đến phấn son hay đi làm đẹp. Đôi bàn tay chai sạn vẫn miệt mài thương khó. Nhằm mở rộng kinh doanh, cũng để tiện cho khách hàng khi cần thay thế phụ tùng, chị mở thêm một gian hàng phụ tùng nhỏ. Hiện mỗi tháng chị Loan kiếm được 3,5 đến 4 triệu đồng. Số tiền đó, chị dành dụm để phụ thêm cùng chồng gửi nuôi hai con đang học đại học ở TP.HCM.

Bài, ảnh: DŨNG HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI