Bệnh trĩ “hành hạ” dân văn phòng

24/05/2024 - 06:35

PNO - Ít vận động, ngồi làm việc nhiều, chế độ ăn uống không lành mạnh rất dễ làm cho dân văn phòng mắc bệnh trĩ. Thay vì đi khám bệnh, nhiều người ngại ngùng, tự chịu đựng, có người rơi vào căng thẳng, mệt mỏi.

Khổ sở vì bệnh khó nói

Mỗi lần vào công ty, anh P.V.K. (37 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) cố nén đau để làm việc. Thi thoảng, những cơn ngứa ngáy vì bệnh trĩ khiến anh khó xử, phải vào ra nhà vệ sinh liên tục. Ám ảnh nhất là mỗi lần đại tiện, anh phải ngồi trong nhà vệ sinh rất lâu, búi trĩ lòi ra, chảy máu nhiều càng làm anh sợ hãi. Anh K. kể: “Tôi bị trĩ hơn một năm nay. Thời gian trước, tôi chỉ hay bị táo bón, sau khi đi vệ sinh thì bị rách da vùng hậu môn, rỉ máu. Lúc đó, tôi rất ngại khi mua thuốc hay đi khám nên nghĩ chỉ cần hạn chế hút thuốc, đồ ăn chiên xào, uống nhiều nước sẽ khỏi. Tuy nhiên, khoảng một tháng nay, tôi rất lo lắng bởi búi trĩ lòi ra ngoài nhiều. Tôi mất tự tin”.

Người làm việc văn phòng ngồi nhiều, ít vận động, có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao - Nguồn ảnh: Shutterstock
Người làm việc văn phòng ngồi nhiều, ít vận động, có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao - Nguồn ảnh: Shutterstock

Dù vậy, anh K. vẫn cố gắng chịu đựng, chỉ mua thuốc bôi và uống thuốc giảm đau. Tình trạng kéo dài khiến anh rơi vào căng thẳng, thậm chí né tránh người thân, bạn bè, kể cả bạn gái. Anh chia sẻ: “Cách đây vài ngày, bạn gái đến phòng trọ tìm, gặng hỏi rồi yêu cầu tôi đi bệnh viện. Bác sĩ nói búi trĩ của tôi đã quá to, phải phẫu thuật”. Sau điều trị, sức khỏe anh K. dần hồi phục.

Tương tự, anh H.T.H. (28 tuổi, ở quận 3) cũng liên tục chịu đựng búi trĩ trong nhiều tháng. Gần đây, búi trĩ bị nhiễm trùng, sưng tấy. Tuần trước, anh tự nhận thấy cơ thể đã suy kiệt nên đến Bệnh viện Bình Dân khám. Bác sĩ chẩn đoán anh bị cả trĩ nội và trĩ ngoại, trước mắt điều trị bằng thuốc, nếu không tiến triển bác sĩ sẽ phẫu thuật.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Dương Văn Hải - Trưởng đơn vị Hậu môn trực tràng Bệnh viện Bình Dân - hiện bệnh trĩ chiếm khoảng 35% ca bệnh về đại trực tràng, gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Mặc dù bệnh này có thể điều trị triệt để nhưng đa số người bệnh, nhất là dân văn phòng thường có tâm lý ngại ngùng nên cố chịu đựng, cho đến khi búi trĩ to, gây ngứa rát, đau đớn vùng hậu môn, khó khăn khi đi tiêu ra máu… mới chịu đi điều trị.

Có thể điều trị dứt bệnh

Bác sĩ Dương Văn Hải nói thêm, sở dĩ, người làm việc văn phòng hay bị bệnh trĩ là do thường ngồi làm việc liên tục, có người trung bình ngồi từ 7-9 tiếng/ngày. Việc ngồi lâu một chỗ có thể làm giảm lưu thông máu ở hậu môn và khiến các tĩnh mạch bị ứ đọng. Có người quá say việc, cứ nín nhịn mỗi khi có nhu cầu đi đại tiện. Thêm phần thực đơn của người làm việc văn phòng không đa dạng, ít ăn canh, rau, trái cây. Để tiết kiệm thời gian, nhiều người hay ăn thức ăn nhanh, bánh mì, hủ tíu… vô tình bị táo bón. Lúc này, khi đi đại tiện sẽ rất khó khăn.

Khi bị táo bón, người bệnh phải rặn mạnh, ngồi bồn cầu lâu, có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn, dẫn đến giãn nở, trực tràng bị sưng và giãn ra, tạo nên các búi trĩ. Có 2 loại bệnh trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Một người có thể bị cả 2 loại trĩ này. Biểu hiện rõ nhất của bệnh trĩ là đi cầu ra máu. Người bệnh cũng có thể cảm nhận rất rõ búi trĩ lòi ra ở hậu môn, hay sa ra ngoài liên tục, ngứa ngáy, đau hậu môn…

Tùy theo tình trạng bệnh, có nhiều cách điều trị trĩ, có thể điều trị nội khoa như uống thuốc giảm đau, ngứa, làm co búi trĩ… Nặng hơn, bác sĩ sẽ phẫu thuật thắt hoặc cắt bỏ, hay tiêm thuốc thu nhỏ búi trĩ. Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng bệnh trĩ không được điều trị có thể dẫn đến ung thư trực tràng. Ngoài ra, bệnh kéo dài còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm. “Càng phát hiện sớm, việc điều trị, can thiệp càng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Vì vậy, người bệnh không nên e ngại, hãy đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, điều trị đúng cách” - bác sĩ Dương Văn Hải nhấn mạnh.

Để phòng ngừa bệnh, mọi người, nhất là dân văn phòng cần hạn chế ngồi lâu, khoảng 30-60 phút nên đứng dậy, đi lại, vận động nhẹ nhàng ít nhất 5 phút. Tập thể dục thường xuyên để tăng cường lưu thông máu. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, bữa ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Người đang điều trị hoặc có nguy cơ mắc bệnh trĩ nên hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn cay nóng, nước uống có gas… uống đủ nước lọc mỗi ngày.

Ngọc Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI