Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng

16/05/2025 - 08:00

PNO - Số lượng trẻ mắc tay chân miệng (TCM) nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện cao gấp 2-3 lần so với 3 tuần trước.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết bệnh tay chân miệng thường xuất hiện từ khoảng tháng Tư, Năm hằng năm, có thể kéo dài đến khoảng tháng Sáu, Bảy. Hiện, bệnh đang có xu hướng tăng nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui khám cho trẻ mắc tay chân miệng
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui khám cho trẻ mắc tay chân miệng

Số lượng trẻ mắc tay chân miệng (TCM) nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện cao gấp 2-3 lần so với 3 tuần trước. Bệnh nhi điều trị ngoại trú cũng tăng. Một số trẻ có bệnh nền kèm theo đã phải nhập viện.

Bé T.H.N. - 4 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - mắc TCM trên nền thừa cân, béo phì. Bé mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn… nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, có nhiều bóng nước trong khoang miệng. Mẹ của bé kể: “Ban đầu, tôi đưa con đi khám ở phòng mạch tư. Bác sĩ nói bé bị viêm họng, sốt do siêu vi. Tuy nhiên, bé chỉ giảm sốt sau khi uống thuốc, vài tiếng sau đã nóng đến hơn 380C. Gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám mới biết bé bị TCM”.

Cách nhập viện 5 ngày, bé gái B.T.N. - 3 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai - bị nổi các nốt bóng nước, gia đình nghĩ viêm da nên cho bé bôi thuốc. 2 ngày sau, thấy bé N. hay bị giật mình, không hết sốt nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ chẩn đoán bé bị TCM có dấu hiệu nặng, khả năng biến chứng thần kinh cao. Theo chị Nguyễn Thị Uyên Phương - mẹ của bé - xung quanh nhà chị không có ai mắc TCM. Vợ chồng chị thường đưa con đi công viên, khu vui chơi cho mát mẻ, có thể bé bị lây bệnh từ những nơi này.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho hay, trẻ mắc TCM mà có kèm theo bệnh nền như thừa cân, béo phì, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn… cần được cha mẹ đưa đi khám sớm. Bởi bé có thể đã sử dụng rất nhiều thuốc để điều trị bệnh nền. Vì vậy rất khó để bác sĩ theo dõi sức khỏe và xử trí kịp thời nếu bệnh nhi ở nhà. Bác sĩ cũng lo lắng: “TPHCM đang lưu hành cùng lúc 3 loại bệnh: sởi chưa dứt điểm, sốt xuất huyết đang rục rịch tăng theo mùa mưa, TCM cũng có xu hướng tăng. Nếu cả 3 bệnh này chồng lên cùng lúc sẽ là gánh nặng về y tế”.

TCM chưa có vắc xin ngừa bệnh, cha mẹ nên phòng ngừa cho trẻ bằng cách hạn chế trẻ tiếp xúc với các trẻ mắc bệnh khác. Nếu trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên báo cho nhà trường, cho trẻ nghỉ học nhằm hạn chế lây lan. Cha mẹ cần lưu ý, trẻ mắc TCM tuy được điều trị khỏi bệnh, vẫn có thể bị lây nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây.

“Trong quá trình quan sát bệnh, tôi nhận thấy giáo viên ở các trường mẫu giáo có biện pháp rất tốt. Mỗi buổi sáng, giáo viên đứng trước cổng trường kiểm tra sức khỏe của học sinh. Khi phát hiện trẻ bị nổi hồng ban, loét miệng thì lập tức cho trẻ ra về, sau đó vệ sinh lớp của học sinh mắc bệnh. Điều này giúp ích rất nhiều trong phòng ngừa bệnh” - bác sĩ Nguyễn Đình Qui chia sẻ.

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ bị TCM, phụ huynh không nên quá lo lắng mà hãy theo dõi biểu hiện bệnh của con. Nếu bé sốt từ 2-3 ngày, nhất là sốt cao liên tục, nên cho trẻ đến cơ sở y tế khám. Trường hợp trẻ có hồng ban nhưng xác định không phải là sởi thì phải nghĩ ngay đến TCM. Khi trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao kéo dài, giật mình lúc ngủ, li bì, biếng ăn, ói nhiều… hãy đưa bé đến bệnh viện ngay để điều trị, phòng ngừa biến chứng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính từ ngày 5/5 đến 11/5, TPHCM ghi nhận 652 trường hợp mắc TCM, tăng 9,5% so với trung bình 4 tuần trước. So với tháng trước, sốt xuất huyết giảm 5,4%, sởi cũng giảm gần 40%. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan với bệnh, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế. Riêng với sởi, phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng ngừa để tạo miễn dịch cho trẻ, tránh trẻ cùng lúc mắc TCM, sởi, hoặc sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI