Bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng ở TPHCM

24/05/2024 - 17:13

PNO - Trong những tuần qua, số ca bệnh tay chân miệng ở TPHCM bắt đầu có xu hướng gia tăng. Số ca bệnh nặng là 40 ca, không có ca tử vong.

Trong 20 tuần đầu năm 2024, TPHCM có 4.471 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Số ca bệnh nặng từ độ 2b trở lên là 40 ca, không có ca tử vong.

Biểu đồ diễn tiến bệnh tay chân miêng hàng tuần tại TPHCM tính đến tuần 20
Biểu đồ diễn tiến bệnh tay chân miệng hàng tuần tại TPHCM tính đến tuần 20 - Nguồn: Sở Y tế TPHCM

Về diễn tiến, trong 2 tuần qua (tuần 19 và tuần 20) số ca bệnh hàng tuần có dấu hiệu tăng nhanh hơn những tuần trước đó, không ghi nhận ca bệnh nặng trong thời gian này.

Các ca tay chân miệng do nhóm virus đường ruột Enterovius gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM về tình hình chung bệnh tay chân miệng của 20 tỉnh phía Nam, tổng số ca mắc trong 19 tuần đầu năm 2024 là 13.495 ca, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc những tuần gần đây của khu vực cũng đang gia tăng so với những tuần trước đó; đã có 1 ca tử vong.

Cho đến hiện nay hệ thống giám sát tác nhân gây dịch của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM chưa phát hiện virus Enterovirus 71 – tác nhân thường gây ra những vụ dịch lớn với nhiều ca bệnh nặng.

Hiện tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy, để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện 3 sạch như ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.

Cả người lớn, trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi chăm sóc trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Phạm An

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe