Bệnh nhân ung thư dễ tử vong vì biến cố tim mạch

21/12/2022 - 06:52

PNO - Các bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 lần so với bình thường. Các biến cố tim mạch này nếu không được phát hiện sớm, nhiều khả năng sẽ diễn tiến không hồi phục.

Tác dụng phụ khi điều trị ung thư

Thạc sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật - Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, các thống kê trên thế giới gần đây cho thấy bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 lần so bình thường. Nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch tăng cao nhất trong năm đầu từ sau khi chẩn đoán bệnh ung thư và vẫn còn là mối e ngại dù bệnh nhân điều trị ung thư thành công sau 10 năm. Với các tiến bộ trong điều trị các bệnh lý ung thư, biến cố tim mạch liên quan với tác dụng phụ của các phương thức điều trị ung thư (hóa trị, xạ trị, miễn dịch) được ghi nhận ngày càng nhiều, nhất là đối với nhóm bệnh nhân lớn tuổi có sẵn các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa. Các biến cố tim mạch này nếu không được phát hiện sớm, nhiều khả năng sẽ diễn tiến không hồi phục. 

Một bệnh nhân đang được can thiệp điều trị tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định  - ẢNH: THANH HUYỀN
Một bệnh nhân đang được can thiệp điều trị tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - Ảnh: Thanh Huyền 

Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã có những ghi nhận về tình trạng mắc thêm bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân đang điều trị ung thư. Gần đây nhất là trường hợp của bà T.T.P. (65 tuổi) có tiền sử bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. 6 tháng trước đây, bà P. được phát hiện bị ung thư vú và hóa trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định với phác đồ có Doxorubicin (một loại thuốc hóa trị ung thư vú có nguy cơ độc tính cơ tim).

Nhận định đây là bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị suy tim do thuốc hóa trị nên các bác sĩ tim mạch của bệnh viện đã có chiến lược theo dõi tim mạch định kỳ mỗi chu kỳ hóa trị, ổn định đường huyết và huyết áp để vừa đảm bảo an toàn tim mạch, vừa có thể hóa trị ung thư cho bệnh nhân với phác đồ hiệu quả nhất. Vừa kết thúc 4 chu kỳ hóa trị, bác sĩ tim mạch phát hiện chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân bắt đầu giảm, trong khi không có bất cứ dấu hiệu gì của suy tim. Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm loại trừ bệnh mạch vành và khởi động điều trị nội khoa suy tim. Sau 2 tháng điều trị, chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân trở về mức bình thường, và tình trạng ung thư vú cũng cải thiện đáng kể.

Một trường hợp khác là bà N.H.T. (68 tuổi) có bệnh lý đái tháo đường, được hóa trị ung thư vú tại một bệnh viện tỉnh cũng với phác đồ có Doxorubicin. Sau khi hoàn tất hóa trị và phẫu thuật đoạn nhũ 2 năm trước, bà T. yên tâm trở về với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên 6 tháng gần đây, bà cảm thấy mệt khi đi bộ dù chỉ với quãng đường khoảng 20m. Về đêm, bệnh nhân còn hay bị ngộp thở, phải nằm kê đầu cao mới dễ ngủ. Mới đây, bà T. đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiểm tra sức khỏe tổng quát. Các bác sĩ phát hiện tim của bệnh nhân giãn lớn, chức năng co bóp giảm nặng. Sau 3 tháng được điều trị nội khoa suy tim tích cực, bệnh nhân có giảm mệt và khó thở nhưng chức năng co bóp cơ tim không hồi phục. 

Chủ động theo dõi để đảm bảo mục tiêu kép

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - 4,7% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ kể từ khi được chẩn đoán ung thư sau 6 tháng. Bệnh nhân ung thư phổi bị tăng 30% nguy cơ tử vong do tim mạch nếu trường tia xạ hướng về tim (so với bệnh nhân có trường tia xạ hướng xa tim). 25,7% bệnh nhân sau 5-10 năm chẩn đoán bị ung thư nội mạc tử cung xuất hiện bệnh tim mạch. 87% bệnh nhân ung thư vú có từ 1 trở lên yếu tố nguy cơ tim mạch. 4,5% bệnh nhi ung thư có bệnh tim mạch trước năm 40 tuổi (mốc tuổi sớm hơn gần 8 năm so với dân số chung). Ở bệnh nhân ung thư, tỉ lệ bị tử vong do bệnh tim mạch cao gấp 2,24 lần so với thông thường.

Bác sĩ Giang Minh Nhật cho rằng, việc ghi nhận được các biến cố tim mạch trên những ca ung thư có ý nghĩa lớn lao. Nhờ đó, tùy theo từng bệnh nhân, các bác sĩ tim mạch có kinh nghiệm trong chuyên ngành tim mạch - ung thư sẽ có chiến lược theo dõi và điều trị khác nhau, nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa đẩy lui bệnh về mặt ung thư, vừa không mắc thêm hay làm nặng thêm bệnh lý tim mạch bệnh nhân đang có. Chiến lược theo dõi này cực kỳ quan trọng, bởi vì cùng một phác đồ hóa trị, cùng một bệnh tim mạch nền, nhưng bệnh nhân được chủ động theo dõi và chăm sóc tim mạch tốt hơn sẽ có kết quả điều trị tim mạch và ung thư tối ưu hơn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI