Bệnh đậu mùa khỉ khó thành dịch nhưng cần phòng ngừa

25/05/2022 - 06:41

PNO - Các cơ quan y tế thế giới, châu Âu, Mỹ và Úc đang điều tra sự bùng phát gần đây của hàng loạt ca nhiễm đậu mùa khỉ, một căn bệnh do virus hiếm gặp thường chỉ xuất hiện ở châu Phi.

Bệnh ít nghiêm trọng hơn đậu mùa 

Đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do virus cùng họ với bệnh đậu mùa gây ra, bệnh thường ít nghiêm trọng hơn đậu mùa. Bệnh đậu mùa khỉ thường xảy ra ở những vùng xa xôi của Trung và Tây Phi, nơi virus lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ nuôi nhốt vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970.

Bệnh đậu mùa khỉ bất ngờ xuất hiện tại nhiều quốc gia ngoài châu Phi trong tháng Năm khiến thế giới lo ngại - ẢNH: Getty Images
Bệnh đậu mùa khỉ bất ngờ xuất hiện tại nhiều quốc gia ngoài châu Phi trong tháng Năm khiến thế giới lo ngại - Ảnh: Getty Images

Kể từ đó đã có những trường hợp mắc bệnh lẻ tẻ được ghi nhận ở các quốc gia châu Phi. Số ca nhiễm bên ngoài châu Phi chỉ giới hạn ở một số ít người từng du lịch đến châu Phi hoặc tiếp xúc động vật nhập khẩu mang bệnh. 

Vì vậy, thế giới đang lo lắng khi chỉ trong một tuần giữa tháng Năm, số ca nhiễm ghi nhận tại châu Âu, Mỹ và Úc đã vượt qua con số được phát hiện bên ngoài lục địa kể từ năm 1970. Từ ngày 13 - 21/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận báo cáo về 92 trường hợp được xác nhận và 28 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, dù không có trường hợp nào tử vong. Trong đó, một số trường hợp có liên quan việc di chuyển đến châu Phi, phần còn lại được cho là đã lây lan trong cộng đồng, làm tăng nguy cơ bùng phát rộng hơn. 

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi ai đó tiếp xúc gần với người khác, động vật hoặc bề mặt nhiễm virus. Qua vết thương hở trên da, virus có thể xâm nhập vào cơ thể, hoặc qua đường hô hấp, mắt, mũi và miệng. Lây truyền từ người sang người thường xảy ra nhất qua chất dịch cơ thể, chẳng hạn như nước bọt do ho.

Không giống như SARS-CoV-2 lây lan qua các giọt li ti trong không khí gọi là aerosols, sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ thường cần tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Riêng sự lây truyền từ động vật sang người có thể xảy ra qua vết cắn hoặc vết xước. Bệnh đậu mùa khỉ thường không được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, mặc dù bệnh nhân có thể bị lây nhiễm khi quan hệ tình dục do tiếp xúc gần. 

Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng. Bệnh nhân thường phát ban từ 1 - 3 ngày sau khi xuất hiện sốt, bắt đầu ở mặt và lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như lòng bàn tay và lòng bàn chân. Phát ban, có thể gây ngứa dữ dội, sau đó trải qua một số giai đoạn trước khi đóng vảy và rụng. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 4 tuần và có thể tự khỏi.

Cần phân biệt đậu mùa khỉ và thủy đậu

Nhiều triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh thủy đậu (trái rạ). Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt chính giữa cả hai. Thứ nhất, mỗi bệnh do các loại virus khác nhau gây ra. Bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ một loại orthopoxvirus, trong khi bệnh thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra. Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa, nhưng bệnh đậu mùa đã được xóa sổ trên toàn thế giới vào năm 1980. Trong khi bệnh thủy đậu là một bệnh phổ biến, rất dễ lây lan, bệnh đậu mùa khỉ hiếm hơn và ít lây lan hơn.  

Mặt khác, không giống những người bị nhiễm thủy đậu, các hạch bạch huyết bị sưng là một đặc điểm khác biệt của bệnh đậu mùa khỉ. 

Giáo sư y học phân tử Martin Michaelis - Đại học Kent (Anh) - cho biết vắc xin đậu mùa được dự đoán là cũng có thể bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thế giới dự kiến sẽ còn ghi nhận nhiều trường hợp đậu mùa khỉ hơn, vì hiện ít người được bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa do nhiều chương trình tiêm phòng đã dừng lại sau khi thế giới tuyên bố loại trừ bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ có thể từ 7 - 14 ngày, trong khi các triệu chứng của bệnh thủy đậu có thể mất đến 16 ngày mới xuất hiện. Hơn nữa, phát ban thủy đậu hình thành theo một cách khác với bệnh đậu mùa khỉ. Trong phát ban thủy đậu, các đốm đỏ xuất hiện ở các thời điểm khác nhau theo từng vị trí. Ngược lại, các đốm phát ban do bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện và phát triển cùng một lúc. 

Hiện chưa có phương pháp điều trị an toàn và được chứng minh cho bệnh đậu mùa khỉ. Những người nghi nhiễm có thể cách ly trong phòng áp suất âm - không gian dùng để cách ly bệnh nhân - và được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe theo dõi bằng thiết bị bảo vệ cá nhân. Hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đều bệnh nhẹ, nhưng đôi khi có thể nghiêm trọng hơn, với một số trường hợp tử vong đã được báo cáo ở Tây Phi. 

Các cơ quan y tế nhấn mạnh rằng bệnh không có nguy cơ bùng phát nghiêm trọng và rủi ro đối với công chúng vẫn rất thấp. WHO bác bỏ phương án tiêm phòng hàng loạt vì các biện pháp như vệ sinh tốt và hành vi tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát sự lây lan. Thay vào đó, các nhân viên y tế có thể áp dụng một phương pháp gọi là “tiêm chủng khoanh vùng”. Theo đó, họ chỉ tiêm vắc xin cho những người tiếp xúc gần với những người đã nhiễm đậu mùa khỉ để cắt đứt bất kỳ đường lây truyền nào có thể diễn ra. 

Liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới, đại diện Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Ngọc Hạ

(theo WHO, National World, Nature, CNBC, Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI