Bé gái 7 tuổi tắc ruột do thói quen nuốt tóc

22/05/2021 - 11:50

PNO - Trẻ nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị theo cơn, nôn khan, không sốt, chướng bụng trên rốn.

 

Bác sĩ Nguyễn Đức Lân thăm khám lại cho bệnh nhi sau phẫu thuật - Ảnh: BVCC
Bác sĩ Nguyễn Đức Lân thăm khám lại cho bệnh nhi sau phẫu thuật - Ảnh: BVCC

Sáng 22/5, bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết vừa phẫu thuật lấy thành công một khối dị vật tóc có kích thước lớn trong bụng bé gái V.T.D. (7 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ).

Qua khai thác bệnh sử, trẻ có thói quen ăn tóc từ nhỏ (khoảng 2 tuổi). Mấy ngày nay trẻ đau bụng thượng vị, kèm theo nôn nhiều, nôn ra thức ăn. Gia đình đã đưa trẻ đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê nhưng tình trạng không cải thiện.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, sau khi chụp CT-scaner ổ bụng, các bác sĩ xác định trong dạ dày bệnh nhi có khối dị vật kích thước lớn (10x5cm).

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc dạ dày khiến trẻ đau bụng, nôn nhiều.

Sau phẫu thuật lấy khối tóc lớn, trẻ tỉnh, tình trạng sức khỏe ổn định và hiện được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại khoa.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Lân cho biết nuốt dị vật là vấn đề hay gặp ở trẻ. Các dị vật này có thể nằm lại trong đường tiêu hóa và gây biến chứng nặng nề như tắc, thủng ruột. Đặc biệt nguy hiểm là những dị vật mắc lại ở thanh quản, khí quản gây tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách, kịp thời.

Bệnh nhi D. là trường hợp khá may mắn khi bố mẹ đã kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị, do đó, tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Thời gian qua, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhi nhập viện do nuốt phải dị vật. Các loại dị vật này rất đa dạng như đồng xu, cúc áo, hòn bi, hoa tai, dây chuyền, đinh vít, kẹp ghim, bộ phận của đồ chơi...

Bác sĩ Lân khuyến cáo bố mẹ cần chú ý quan sát trẻ, để xa tầm với của các bé tất cả vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là những vật dụng tròn và trơn.

Bố mẹ cũng nên luyện cho trẻ thói quen không cho đồ vật vào miệng ngậm mút, tự trang bị kỹ năng xử lý cơ bản khi con bị hóc dị vật. Khi phát hiện trẻ đã nuốt phải dị vật, cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI