Bé 6 tuổi bị đột quỵ

07/01/2020 - 14:23

PNO - Bé Qu. nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, tay chân trái khó khăn trong cử động.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết đã tiếp nhận chăm sóc và điều trị thành công cho bệnh nhi Hồng Qu. (6 tuổi) bị đột quỵ.

Bé Qu. nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, tay chân trái cử động khó khăn, cơ lực tay và chân ở mức 1/5 (tay và chân chỉ nhúc nhích, không thể giơ lên so với mặt sàn).

May mắn, sau 2 tháng điều trị, cơ lực tay và chân của bệnh nhi đạt mức 4/5; bé có thể giơ tay, chân lên cao ngang mặt và cử động, cầm nắm tốt. Các bác sĩ cho rằng đây là trường hợp hiếm gặp khi sức khỏe bệnh nhi nhanh chóng hồi phục. Dù đi lại chưa hoàn toàn bình thường nhưng mọi cử động của bé Qu. dần nhanh nhẹn, linh hoạt.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, chia sẻ: Với những vận động đơn giản thường ngày như khi vui chơi trên giường hoặc ngồi thực hiện các hoạt động, nếu không để ý kỹ sẽ thấy cử động của Qu. gần như không có gì bất thường.

Đến nay, tình hình tiến triển tốt, bệnh nhi khỏe mạnh, tăng 4kg so với thời gian đầu vào viện. Qu. được ra viện sớm về với gia đình và tiếp tục việc học còn dang dở.

Bác sĩ tập các bài phục hồi chức năng cho cháu bé. Ảnh: Nguyễn Tuyết
Bác sĩ tập các bài phục hồi chức năng cho bé Qu. - Ảnh: Nguyễn Tuyết

Bác sĩ Nguyễn Anh Đức khuyến cáo, để phục hồi hiệu quả, bệnh viện cần sự hợp tác tốt từ bệnh nhi và người nhà. Điều quan trọng nhất sau khi vượt qua giai đoạn cấp là bệnh nhi cần sử dụng thêm các thuốc Tây y để tái tạo tế bào não; kết hợp sử dụng thêm các biện pháp đông y như: châm cứu, thủy châm, đặc biệt quan trọng là tập phục hồi chức năng. Đột quỵ hoàn toàn có khả năng bị lại. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc thường xuyên nhằm dự phòng bệnh tái phát.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đàm Thành Long, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đột quỵ là tình trạng xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bỗng nhiên gián đoạn do mạch máu não bị tắc (đột quỵ nhồi máu não) hoặc vỡ (đột quỵ xuất huyết não). Khi một phần não không nhận được oxy và các chất dinh dưỡng từ máu, những tế bào não sẽ dần hoại tử gây mất chức năng não bộ.

Do đó, đối với các trường hợp đột quỵ, sau quá trình cấp cứu, người bệnh nhất thiết phải được tập phục hồi chức năng để có thể thực hiện được các hoạt động thể chất bình thường. Đối với trẻ em, khả năng phục hồi cao nhất là trong vòng 6 tháng đầu và rất có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong khoảng 2-3 năm sau. Vì vậy, sau xuất viện, người nhà vẫn cần đồng hành cùng người bệnh để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau này.

Bác sĩ Thành Long khuyến cáo, người dân cần nhận biết được những dấu hiệu sớm của đột quỵ để có biện pháp xử lý kịp thời như: Mặt có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch; Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ (dấu hiệu này thường biểu hiện không rõ rệt nên rất khó nhận biết); Tê mỏi chân tay, cử động khó, tê liệt một bên cơ thể; Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ; Khó phát âm, nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng; Đau đầu dữ dội, cơn đau đến nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI