Bé 15 tháng tuổi bị rắn “nữ hoàng bóng đêm” cắn tử vong

06/04/2021 - 13:05

PNO - Đang chơi ở sân, bé gái 15 tháng tuổi bất ngờ bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn không cầm được máu khiến nạn nhân tử vong sau đó 2 ngày.

 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương
Bác sĩ Đinh Tấn Phương

Sáng 6/4, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - thông tin về một bé gái tử vong do bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn tử vong oan uổng.

Nạn nhân là bé Nguyễn Thị Ngọc T., 15 tháng tuổi, nhà ở tỉnh Tiền Giang. Khoảng 14g ngày 29/3, bé bị rắn cắn khi đang chơi ngoài sân. Người nhà cố gắng cầm máu nhưng không thành công. Bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tiền Giang cấp cứu.

Dù các bác sĩ chích 4 lọ kháng huyết thanh (rắn lục tre) và truyền huyết tương đông lạnh nhưng vết thương vẫn tiếp tục chảy rất nhiều máu, đồng thời nhiều nơi trên cơ thể xuất hiện tình trạng bầm da, đặc biệt là ở 2 chân và trán. Vì vậy, Bệnh viện đa khoa Tiền Giang tiếp tục chuyển bệnh nhi lên TPHCM lúc 13g30 cùng ngày.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết lúc nhập viện bé hoàn toàn tỉnh nhưng máu vẫn chảy ra ở vết rắn cắn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận ra đây không phải vết cắn của rắn lục tre. Qua đối chiếu hình ảnh với gia đình, đã xác định bé bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn. Loài rắn có kích thước nhỏ, thuộc họ rắn nước này còn được gọi là rắn hoa cổ đỏ, nhiều người còn gọi là rắn học trò, nữ hoàng bóng đêm... Tuy nhiên, điều nguy hiểm là Việt Nam chưa có kháng huyết thanh để chống lại độc tố của loại rắn này. 

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ với các nước nhưng vẫn không có kháng huyết thanh để hỗ trợ bệnh nhi. Riêng tại Nhật Bản, chế phẩm kháng huyết thanh vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể cung cấp sử dụng.

Cuối cùng, bệnh nhi được truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu, gần như đã thay toàn bộ máu, tuy nhiên diễn biến ngày càng nặng, xuất huyết không chỉ ở vết thương mà còn dưới da, chân răng, nghi ngờ xuất huyết não. Dù bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân đã suy hô hấp và tử vong sau 2 ngày điều trị.

Rắn hoa học trò còn được gọi là rắn cổ đỏ, nữ hoàng bóng đêm
Rắn hoa cỏ cổ đỏ
Rắn hoa cỏ cổ đỏ không tự sản xuất chất độc mà nọc độc từ thức ăn và "thu thập" từ con mồi như cóc, rết... Các bác sĩ lưu ý khi bệnh nhân bị rắn cắn, cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, không cần băng bó, chỉ cần rửa sạch vết cắn. Rắn cắn sẽ không gây tử vong ngay nhưng sẽ có giai đoạn rối loạn đông máu và tử vong do tình trạng xuất huyết não, xuất huyết toàn thân.

Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI