“United 93” - Chuyến bay 11/9 còn mãi ở thì hiện tại

12/09/2021 - 10:41

PNO - United Flight 93 là máy bay duy nhất bị bẻ gãy mục tiêu ngoài dự kiến của những kẻ khủng bố, trong sự kiện 11/9 đầy bi thảm ở nước Mỹ.

Khi câu chuyện thảm nạn được tái hiện bằng thời gian thực trên phim

Bộ phim United 93 của đạo diễn tài danh Paul Greengrass người Anh đã chọn lối kể chuyện gần như bám sát thời gian thực (real-time) của sự kiện lịch sử, không hẳn chỉ vì ông chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình khi có anh trai là một nhà sử học nổi tiếng, hay vì có cha là một phi công chuyên lái thủy phi cơ. Bởi lẽ United 93 vốn dĩ là một phần tất yếu của lịch sử bi tráng trong ngành hàng không thế giới đầu thế kỷ 21, khi đã phải là chứng nhân bất đắc dĩ của vấn nạn khủng bố quốc tế.

Trong 4 chiếc máy bay thương mại bị không tặc tấn công trong vụ khủng bố kinh hoàng vào ngày 11/9/2001, chuyến bay mang số hiệu UE93 Boeing 757 không đến được đích, theo như kế hoạch khủng bố liên hoàn vào nước Mỹ của lực lượng khủng bố quốc tế Al-Qaeda có đại bản doanh tại Afghanistan vào thời điểm ấy. Và cũng hẳn nhiên là ngoài mong muốn từ thủ lĩnh Osama bin Laden. 10 năm sau vụ khủng bố chấn động thế giới, Osama bin Laden mới chính thức bị tình báo Mỹ tiêu diệt tại Pakistan vào năm 2011.

Trailer phim United 93:

 

 

Tuy thế, United 93 hầu như không trực tiếp đả động gì đến Al-Qaeda lẫn Osama bin Laden, ngoài việc mở đầu phim bằng màn-hình-đen rồi được tiếp nối “khai cuộc” với hình ảnh 4 tên khủng bố đọc kinh Koran của đạo Hồi, tại nơi tạm trú trong một khách sạn ở Newark (New Jersey) trước khi ra phi trường quốc tế Newark để cùng bước lên chuyến bay định mệnh United 93, do cơ trưởng Jason Dahl và sĩ quan thứ nhất LeRoy Homer Jr. điều khiển.

Với thời lượng 1 giờ 51 phút (toàn bộ 2 tòa tháp đôi 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới - World Trade Center tại New York sụp đổ trong 1 giờ 42 phút), đạo diễn Paul Greengrass đã khắc họa nên một chuyến-bay-ngược đáng sợ bởi luôn diễn ra trong thì hiện tại với người xem, cho dẫu bộ phim này đã được thực hiện và ra mắt công chúng toàn thế giới vào năm 2006.

Và 20 năm sau, nếu chọn xem lại United 93 thì ắt hẳn khán giả toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục cảm nhận được sức nóng tàn khốc đã từng hủy diệt không thương tiếc những thân phận người vô tội trên chuyến bay không có vé khứ hồi, năm ấy.

Chuyến bay lẽ ra sẽ đến San Francisco, từ Newark (bang New Jersey) buộc phải đổi hướng về Washington D.C. (các nhà điều tra đoán định là chuyến bay này được nhóm khủng bố lên kế hoạch công kích theo kiểu “cảm tử quân” vào thủ đô nước Mỹ, bao gồm Điện Capitol hoặc Nhà Trắng) nhưng cuối cùng lại rơi xuống tan tành thành từng mảnh vụn ở một cánh đồng gần Shanksville (bang Pennsylvania), cùng với 40 hành khách và phi hành đoàn.

Hình ảnh trên phim United 93.
Hình ảnh trong phim United 93

Độ chân thực trong United 93 chính là việc miêu tả khá cụ thể các tình tiết liên quan, như thể một hình thức lưu trữ mọi thông tin vào “hộp đen” của người làm phim, theo quy chuẩn “hộp đen” nhất thiết phải có của ngành hàng không thế giới. Từ chuyện bơm xăng máy bay cho đến việc tiếp viên của phi hành đoàn đóng cửa ngay khi vị khách cuối cùng lên máy bay... Đồng thời các cảnh trên máy bay được xen kẽ với các cảnh bên trong Trung tâm Kiểm soát Không lưu Quốc gia, các tháp sân bay, các trạm không lưu khu vực và một phòng chỉ huy quân sự thuộc Khu căn cứ Không quân Langley tại Virginia.

Đặc biệt, phần lớn các cảnh hành động (action) trên máy bay đều được quay bằng máy quay cầm tay (handheld), vì tính linh hoạt của chúng trên các bối cảnh cận cảnh và cũng để tạo cảm giác tức thì. Có thể thấy rõ, người làm phim chỉ muốn chú tâm vào những gì hiện diễn ra trên chuyến bay chứng nhân của lịch sử này, trước mắt người xem, theo kiểu phim tài liệu có thật được quay trong khung thời gian thực hết mức có thể của ngôn ngữ điện ảnh.

Quá trình quay phim diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2005, trên chiếc Boeing 757 của hãng MyTravel Airways, tại Pinewood Studios gần London. Địa điểm này được chọn ghi hình làm phim, một phần vì các ưu đãi tài chính về chính sách thuế tại địa phương dành cho ngành công nghiệp điện ảnh, phần khác cũng là để bảo vệ các diễn viên trong dự án thoát khỏi sự giám sát không mong muốn từ công chúng Mỹ - nếu dự án “nhạy cảm” này được quay tại Mỹ vào lúc nỗi buồn đau vẫn còn âm ỉ không nguôi.

Tất nhiên, vẫn có một vài cảnh được quay ở Washington, D.C. và Boston. Cảnh bên ngoài sân bay được quay tại phi trường quốc tế Newark Liberty, trong khi bên trong được quay ở Anh, tại phi trường London Stansted. Ngoài ra, một phân cảnh mở đầu lấy bối cảnh ở Afghanistan được quay ở Maroc, nhưng nó đã bị cắt khỏi phim trước khi phát hành.

Khi diễn viên là người thật, việc thật trong sự kiện lịch sử

Là bộ phim đầu tiên của Hollywood có nội dung tường thuật trực tiếp từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ, United 93 đã được thực hiện với sự hợp tác của một số gia đình hành khách trong chuyến bay lịch sử năm ấy. Đội bay của United 93 được “hóa thân” từ các phi công và tiếp viên hàng không thật ở ngoài đời, một số người trong số họ làm việc cho hãng United Airlines.

Các hành khách trong phim là các diễn viên chuyên nghiệp ít tên tuổi. Ngoài ra, một số người tự đóng vai chính mình trong sự kiện lịch sử đã từng, trên phim. Trong đó, đáng chú ý là “vai” Giám đốc điều hành Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA), ông Ben Sliney - người thật, việc thật.

Gia đình của các nạn nhân sự kiện khủng bố 11/9 đã khen ngợi bộ phim United 93, trong chương trình truyền hình nổi tiếng Larry King Live phát sóng trực tiếp trên CNN ngày 28/4/2006 (2 ngày sau khi United 93 chính thức công chiếu). Trong đó có Sandy Dahl, vợ của cơ trưởng Jason Dahl - phi công của chuyến bay United Flight 93 (số hiệu UE93 Boeing 757). Sau sự kiện bi kịch, cô vẫn tiếp tục theo nghề tiếp viên hàng không và làm việc tại hãng United Airlines.

Trong quá trình sản xuất, các diễn viên đóng vai phi hành đoàn và hành khách của chuyến bay được đưa vào khách sạn riêng, tách biệt với các diễn viên đóng vai không tặc, thậm chí ăn riêng phần ăn, để tạo ra tâm lý cùng không khí đối kháng trong phim giữa hai nhóm chính diện và phản diện. Đồng thời, trong quá trình quay phim, nhiều diễn viên thực sự bị thương, và máu lộ ra trên mặt của họ trong cảnh nổi dậy phản kháng với khủng bố là hình ảnh chân thực mà không phải giả trang!

United 93 nhận được lời ngợi khen từ giới chuyên môn.
United 93 nhận được lời ngợi khen từ giới chuyên môn

Các cuộc đối thoại trên phim, chủ yếu là ngẫu hứng từ các buổi diễn tập mà đạo diễn Paul Greengrass từng tổ chức thực hành tới lui với dàn diễn viên, vốn dĩ dựa trên các cuộc phỏng vấn trực tiếp giữa các diễn viên và người thân của những người mà họ thể hiện. Hầu như không có hành khách nào trong phim được nhắc tên. Danh tính của họ vẫn được giấu, chỉ để nhấn mạnh sự hợp tác cùng tinh thần đoàn kết quả cảm giữa các hành khách có mặt trên chuyến bay bị khủng bố. Bởi lẽ trong thực tế, những người lạ đi cùng chuyến bay không hề biết tên nhau.

Những người làm phim United 93 còn lưu ý trên danh đề cuối phim (credits) rằng, "bộ phim này không được tài trợ hoặc theo bất kỳ cách thức gắn kết nào với hãng United Airlines", như một ý thức gìn giữ vị thế độc lập và khách quan trong quan điểm làm phim lịch sử.

Dù thừa nhận United 93 có thể là một bộ phim khó xem vì có “màu tím” (màu tang, theo phong tục của nhiều nước phương Tây và Mỹ), nhiều gia đình nạn nhân trong chuyến bay định mệnh này vẫn hy vọng chọn xem phim để được dịp đối mặt nỗi đau lần nữa, và chữa lành vết thương tinh thần.

Rất nhiều người trong gia đình các nạn nhân của chuyến bay năm ấy chia sẻ trong chương trình Larry King Live ngày ấy, rằng họ muốn một đôi lần tìm đến cánh đồng vùng Shanksville (bang Pennsylvania), nơi máy bay rơi chỉ để hy vọng trong đêm tối sẽ lại thấy một ngôi sao vụt sáng, nhìn ngắm trăng tròn đã mọc...

United 93 được công chiếu lần đầu vào ngày 26/4/2006 tại Liên hoan phim Tribeca (Liên hoan được thành lập để kỷ niệm thành phố New York là một trung tâm làm phim lớn) ở thành phố New York. Một số thành viên gia đình của các hành khách trên chuyến bay lịch sử đã tham dự buổi ra mắt phim để thể hiện sự ủng hộ của họ.

10% tổng doanh thu phòng vé từ 3 ngày đầu tiên công chiếu của phim United 93 được hãng phim và những người làm phim dành hoàn toàn cho việc quyên góp để tạo Đài tưởng niệm các nạn nhân trong chuyến bay.

United 93 được giới phê bình phim quốc tế nhìn nhận là một trong những bộ phim hay nhất năm 2006. Phim nhận được 2 đề cử Oscar năm 2007, cho 2 hạng mục Đạo diễn xuất sắc và Dựng phim xuất sắc.

Phước Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI