Bắt xu hướng để tồn tại

05/09/2020 - 07:32

PNO - Để tồn tại trong mùa dịch bệnh, doanh nghiệp tìm đủ cách vượt khó, từ việc cho ra sản phẩm khác biệt đến tìm mô hình kinh doanh mới.

Sáng tạo theo xu hướng

Dịch bệnh khiến nhiều người ít có cơ hội gặp gỡ nhưng họ vẫn có thể trao nhau những món quà mỗi ngày kèm lời động viên đầy ý nghĩa. Nắm bắt xu hướng này, Qualá - thương hiệu hoa tươi tại TPHCM đã có cách làm sáng tạo khi vừa có thể bán được hàng, vừa tạo món quà tặng mọi người bằng cách kết hợp hoa tươi và cà phê. 

Hoa tươi kết hợp cà phê trở thành quà tặng độc đáo giúp doanh nghiệp vượt khó mùa dịch
Hoa tươi kết hợp cà phê trở thành quà tặng độc đáo giúp doanh nghiệp vượt khó mùa dịch

Thời dịch bệnh, đa số mọi người chỉ mua sắm hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, việc bỏ một khoản tiền để mua hoa được xem là xa xỉ. Để bán được hoa, thương hiệu này đã kết hợp giữa hoa tươi và cà phê tạo thành loại thức uống mang tên “Hoa Coffee”, cạnh đó còn có những lời chúc ngộ nghĩnh cho ngày mới đầy năng lượng. Giờ đây, ly cà phê mang đi đã trở thành món quà tặng nhau chứ không chỉ là món thức uống đơn thuần. 

Anh Phan Nhật Minh - đại diện Qualá - chia sẻ: “Dịch bệnh đã làm giảm mạnh nhu cầu mua hoa trao tặng mỗi ngày. Do vậy, sản phẩm này ra đời với mong muốn những người ít có cơ hội gặp nhau vẫn có thể quan tâm và chia sẻ cảm xúc qua những ly cà phê hoa yêu thương”. Theo đó, Hoa coffee ra mắt nhằm 3 mục đích: giúp cửa hàng cân bằng doanh thu, hỗ trợ tốt cho nhân viên trong giai đoạn khó khăn; đưa thương hiệu tiếp cận tới nhiều khách hàng thông qua một sản phẩm độc đáo; thể hiện sự sáng tạo không ngừng của thương hiệu.

Sau thành công của giày cà phê, thương hiệu ShoeX tiếp tục mang đến một bất ngờ khi giới thiệu ra thị trường sản phẩm AirX có thể tái sử dụng - khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới, được làm hoàn toàn từ cà phê Việt Nam. Theo anh Lê Thanh, CEO Công ty cổ phần Veritas Shoes Việt Nam, theo dõi tin tức về dịch bệnh, anh nhận thấy thế giới đang vứt hàng triệu khẩu trang dùng một lần. Trong khi đó, khẩu trang sản xuất từ sợi cà phê đảm bảo tính kháng khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm cho người dùng và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường nhờ khả năng phân hủy sinh học. AirX không chỉ là một cố gắng để doanh nghiệp này ứng phó đại dịch COVID-19 mà còn là giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường.

Sau nhiều tháng ròng rã nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng chiếc khẩu trang từ bã cà phê ra đời. “Rất nhiều khó khăn để đứa con tinh thần chào đời trong lúc này, như tìm màng lọc có thể thay thế, nguyên vật liệu có khả năng phân hủy; nhân công sản xuất; gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm… Khẩu trang cà phê AirX vừa chống dịch, hợp thời trang, vừa thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Lê Thanh đã xuất khẩu sản phẩm này sang châu Âu, châu Mỹ.

“Tôi và các cộng sự sẽ không ngừng nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hữu ích. Tiếp sau AirX, chúng tôi sẽ ra mắt những công nghệ cải tiến hơn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dùng, kể cả trẻ em và người làm việc trong lĩnh vực y tế” - anh Lê Thanh nói.

Đồng cảnh ngộ “tứ bề khó” khi mở quán kinh doanh đúng lúc dịch bệnh, chị Trần Thị Kim Thoa, chủ quán trà sữa 1st Tea (Q.3, TP.HCM) sáng kiến bán trà sữa cho khách mua về tự chế biến. Từng set tương ứng 3-5 ly, nguyên liệu vừa đủ và công thức sẵn có được lòng thượng đế. Nhờ vậy quán vẫn có đồng ra đồng vào, cầm cự chờ qua mùa dịch.

Biến nguy thành cơ

Tất bật trả lời đối tác, giới thiệu dòng sản phẩm mới là cà phê đến người tiêu dùng, kiểm tra lô hàng chuẩn bị tung ra thị trường… ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - xoay như con thoi trong công việc.

“Dịch COVID-19 khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ do các đơn hàng xuất khẩu ngưng trệ. Nhưng ngồi than thở có ích gì vì ai cũng khó khăn. Thay vì vậy, chúng tôi tìm cách xoay chuyển, tìm cơ hội trong gian khó” - ông Thông nói.

Khẩu trang từ bã cà phê
Khẩu trang từ bã cà phê

Vốn được mệnh danh là “vua hồ tiêu Việt Nam”, sau thời gian dài chuyên xuất khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp này đã chủ động mở rộng sang chế biến sâu, tập trung phát triển sản phẩm mang thương hiệu công ty để xuất khẩu, đồng thời bán tại nội địa. Đặc biệt, trong mùa dịch COVID-19, Phúc Sinh đã tung ra hàng loạt sản phẩm mới như tiêu hồng sấy lạnh, tiêu xanh sấy lạnh, xốt tiêu xanh... nhằm mang lại sự trải nghiệm mới lạ cho người tiêu dùng.

Liên tiếp ra mắt những sản phẩm mới, “độc lạ” như tháng 4/2020, Phúc Sinh “chào sân” với trà được làm từ vỏ cà phê (vốn thường bị vứt đi sau khi lấy hạt). Cuối tháng Bảy vừa qua, đơn vị này tiếp tục tung ra sản phẩm cà phê được chăm chút từ chất lượng đến mẫu mã, trở thành món quà tặng sang trọng chứ không đơn thuần là bịch cà phê pha - uống. “Thay vì xuất khẩu, nay chúng tôi tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài chất lượng ngoại giá nội, chúng tôi còn tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã, bao bì; mình phải tạo ra sự hứng thú, thấy là muốn mua từ khách hàng” - ông Thông cho biết. Những đơn hàng tấp nập chính là minh chứng “trở mình thành công” trong mùa COVID-19 của đơn vị này.

Vừa khai trương mô hình mới là Điện máy Xanh supermini, Thế Giới Di Động cho thấy hướng đi mới của đại gia này là tấn công mọi hốc hẻm, đưa hàng về nông thôn để phục vụ người tiêu dùng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO của Thế Giới Di Động - chia sẻ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với mô hình mới, diện tích chỉ từ 120-150m2 lại đặt ở vùng sâu vùng xa nên mặt bằng có giá rất rẻ. Dù không tiết lộ giá thuê nhưng CEO này bỏ nhỏ “mặt bằng tại TPHCM ngày càng đắt đỏ, với giá thuê và diện tích tương tự như cửa hàng supermini thì không thể tìm thấy ở Sài Gòn”.

“Có thể là một nghịch lý khi trong tình hình hiện nay chúng tôi vẫn mở rộng mạnh mẽ và đặt mục tiêu tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, khi người khác nhìn thấy khó khăn, chúng tôi lại nhìn thấy cơ hội và tận dụng để tiến về phía trước” - ông Hiểu Em chia sẻ.

Dịch COVID-19 không chỉ tạo cơ hội cho startup sáng tạo lối đi riêng mà còn giúp nhiều ý tưởng Việt thành hiện thực. Doanh nhân Mã Thanh Danh, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư quốc tế CIB, đã đưa ý tưởng sàn thương mại điện tử (TMĐT) bình ổn giá chống hoảng loạn thành hiện thực.

“Ý tưởng ấp ủ khi tôi thấy nhiều người xếp hàng chờ mua khẩu trang, nước rửa tay hàng giờ đồng hồ mà không mua được. Nếu chúng ta mua dự trữ thì nhà máy sản xuất không thể nào đáp ứng đủ. Và tôi đã đưa ý tưởng thành hiện thực. Sàn TMĐT bình ổn giá ra đời vận hành trên cơ sở phân phối hàng hóa đúng cung cầu thực tế. Theo đó, mỗi người mua sẽ được cấp tài khoản từ số điện thoại, mua hàng trong giới hạn nhu cầu trong tuần/tháng và có thể đặt mua hàng cho tuần/tháng tiếp theo. Trường hợp khách hàng có nhu cầu tăng đột biến (đau ốm) hoặc với một số hàng hóa đặc biệt hơn như khẩu trang, nước rửa tay, thuốc... sẽ được xác thực nhu cầu và cho phép mua nhiều hơn” - ông Mã Thanh Danh cho biết.

Với lối rẽ khác biệt của mình, Hoa coffee không chỉ giúp Qualá duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn, mà còn trở thành điểm độc đáo để startup này đẩy mạnh sản phẩm sau dịch. “Dịch bệnh vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng tôi thay đổi bộ máy vận hành, thôi thúc doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn” - Phan Nhật Minh cởi mở.

Chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp Việt “vượt bão” COVID-19 - luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhìn nhận, doanh nghiệp phải chuyển đổi sản phẩm, tạo ra các sản phẩm theo trend (xu hướng), sáng tạo các sản phẩm phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay và khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ an toàn. 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI