'Bất kỳ ai có thông tin về hành vi, tội phạm xâm hại trẻ em cũng phải tố giác kịp thời'

19/11/2019 - 19:56

PNO - Đây là khẳng định của ông Đặng Hoa Nam - Cục Trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH trước phản ánh của báo chí về vụ việc xâm hại tình dục xảy ra ngay trong cơ sở có trách nhiệm bảo vệ trẻ em vừa xảy ra tại TP.HCM.

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã thông tin, tại cuộc họp báo về vụ nhiều bé gái bị xâm hại ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tiết lộ một thông tin khiến nhiều người phẫn nộ, đó là: Sở đã nhận được thông tin các bé gái bị xâm hại ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, do Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM cung cấp bằng văn bản, từ ngày 8/11.

Bà Phụng đã được giám đốc Sở “bút phê”, giao nhiệm vụ xác minh. Thế nhưng, đến ngày 17/11, khi báo chí vào cuộc đưa tin, công an vào cuộc điều tra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM mới đình chỉ ông Nguyễn Tiến Dũng.

Bà Nguyễn Thành Phụng giải thích, trong thời gian trên, bà đi công tác. Từ ngày 13 đến ngày 17/11, bà có đến Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM để thanh tra chuyên đề và thu thập thông tin theo báo cáo vụ việc xâm hại trẻ em.

Bà Phụng không làm việc chính thức với lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM mà chỉ “nghe dư luận của trung tâm” và xuống hiện trường để đối chiếu với báo cáo của Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM xem có khớp với mô tả hay không. 

PV Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH về vấn đề này...

Phóng viên: Thưa ông, theo cách trả lời của bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM với báo chí về việc xử lý thông tin vụ nhân viên Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm hỗ trợ xã hội có hành vi dâm ô các bé gái đã đúng quy trình chưa?

Ông Đặng Hoa Nam: Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại được quy định rõ, cụ thể trong Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

Theo luật, không chỉ riêng cán bộ làm công tác trẻ em, người có thẩm quyền về bảo vệ trẻ em mà bất kỳ ai khi có thông tin về hành vi, tội phạm xâm hại trẻ em cũng phải tố giác với cơ quan chức năng (cũng được quy định cụ thể trong hai văn bản nêu trên).

Việc tố giác này phải được thực hiện càng sớm càng tốt để bảo vệ kịp thời nạn nhân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy trách nhiệm để xảy ra sự việc ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM thuộc về ai?

Ông Đặng Hoa Nam: Đây là một vụ việc phản cảm và rất đau lòng. Việc nhân viên Nguyễn Tiến Dũng xâm hại trẻ ngay tại Trung tâm hỗ trợ xã hội là hành vi phạm tội của cá nhân và phải chịu trách nhiệm hình sự nếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Theo thông tin ban đầu thì chưa có đồng phạm. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của việc kiểm tra, giám sát môi trường an toàn của cơ sở có chăm sóc các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ở đây, trách nhiệm về quản lý trước hết thuộc về Trung tâm và sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan chủ quản. Công tác bảo vệ trẻ em không chỉ có điều kiện về cơ sở vật chất, mà còn cần phẩm chất, chất lượng nhân lực.

'Bat ky ai co thong tin ve hanh vi, toi pham xam hai tre em cung phai to giac kip thoi'
Ông Đặng Hoa Nam: "Việc tố giác tội phạm xâm hại trẻ em phải được thực hiện càng sớm càng tốt để bảo vệ kịp thời nạn nhân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật." 

Qua vụ việc, nhiều người dân quan ngại phải chăng các quy định pháp luật về việc những cơ sở bảo trợ xã hội còn chưa chặt chẽ trong khâu nhân sự?

Ông Đặng Hoa Nam: Luật trẻ em, Nghị định 56 hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, Nghị Định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội đều có các quy định rõ về điều kiện hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nói chung, các cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc trẻ em nói riêng. Trong các văn bản này, quy chuẩn về điều kiện hoạt động từ cơ sở vật chất đến nhân lực đã được quy định rõ ràng, cụ thể.

Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, về chăm sóc, quản lý trẻ ở các cơ sở bảo trợ xã hội theo tôi đã hoàn thiện, đầy đủ, không có khoảng trống.

Theo ông, có cần quy định giới tính của người chăm sóc, bảo vệ trẻ để phòng ngừa những hành vi tội phạm xảy ra không?Tại sao lại để nam nhân viên quản lý trẻ em gái ở các cơ sở này?Lẽ nào không có quy chuẩn về tiêu chí lựa chọn nhân sự cho việc chăm sóc trẻ ở các cơ sở xã hội?

Ông Đặng Hoa Nam: Về giới tính của những người trực tiếp làm việc với trẻ em trai hay gái thuộc lĩnh vực chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật. Việc này đã có nhiều hội thảo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng công tác xã hội bảo vệ trẻ em.

Pháp luật quy định những người chăm sóc trẻ em, trực tiếp làm việc với trẻ em phải bảo đảm các tiêu chuẩn về điều kiện sức khỏe, năng lực hành vi dân sự phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích (như quy định điều 25 Nghị định 103 về tiêu chuẩn chức danh nhân viên trợ giúp xã hội).

Một số quốc gia quy định trong pháp luật không tuyển dụng cho các vị trí giáo viên, huấn luyện viên, y bác sĩ, người chăm sóc trẻ… từng có án tích liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em, cho dù cũng có quy định về việc xóa án tích. Chúng ta cũng cần có quy định cụ thể như thế.

Nghi quyết 06/NQ-HĐTP-TANDTC của Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi hiện đã quy định hình phạt bổ sung cấm, hạn chế người phạm tội hành nghề liên quan đến trẻ…

Theo ông, trước mắt những giải pháp gì để ngăn chặn, phòng ngừa xâm hại trẻ em?

Ông Đặng Hoa Nam: Cần tập huấn từ quy định pháp luật, thông tin tình hình, thực trạng xâm hại trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phản ứng, phòng chống, cách thức tố giác tội phạm… trước các vụ xâm hại trẻ em cho nhiều đối tượng, tầng lớp nhân dân, trong đó có cả trẻ em.

Cần các chuyên đề chuyên sâu cho những người làm công tác liên quan đến trẻ em. Không dừng lại ở các buổi tuyên truyền kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần nhất nội dung sâu, sát thực tế và dễ áp dụng.

'Bat ky ai co thong tin ve hanh vi, toi pham xam hai tre em cung phai to giac kip thoi'
Đi đôi với công tác tổ chức quản lý, chăm sóc, giáo dục luôn cần các biện pháp kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, chặt chẽ, khoa học.

Trở lại vụ việc liên quan đến sự việc xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, Cục Trẻ em sẽ xử lý vụ việc ra sao?

Ông Đặng Hoa Nam: Ngay buổi sáng 17/11, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc. Hiện tại công an TP.HCM đã vào cuộc, nghi phạm đã bị khởi tố, tạm giam. Nguyên tắc không bao che, không lẩn tránh, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó. Bộ LĐTBXH sẽ chỉ đạo việc rà soát lại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để tăng cường phòng ngừa xâm hại trẻ em .

Xin cảm ơn ông!

Nghi Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI