"Bất an" chuyện dán nhãn phân loại phim

16/02/2017 - 09:21

PNO - Tiêu chí phân cấp phim mới những tưởng mang lại sự an toàn cho nhà sản xuất (thoải mái bứt phá sáng tạo) lẫn khán giả (dễ dàng chọn phim phù hợp độ tuổi) nhưng hóa ra không phải.

Các phim ra rạp tại VN kể từ ngày 1/1 được phân loại khán giả theo bốn cấp độ P, C13, C16 và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, 16, 18)

Những bức xúc về việc phân loại phim chiếu rạp đã rộ lên từ thời điểm tết khi bốn bộ phim Việt chiếu tết là và đều dán nhãn C13 hoặc C16 dù so với phim Trung Quốc dán nhãn P (dành cho mọi lứa tuổi), cả bốn phim nội không có gì đáng để hạn chế người xem.

Tuy nhiên phải đợi đến gần đây, khi hai bộ phim nước ngoài 50 sắc thái đen, Sát thủ John Wick 2 giờ chót được phép phát hành (cùng khởi chiếu từ chiều 10/2) và được dán nhãn ở mức cao nhất C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) nhưng bản phim trình chiếu vẫn bị cắt, thì một lần nữa, vấn đề nhãn phim lại tiếp tục làm dậy sóng dư luận.

Phim 50 sắc thái đen bị cắt nhiều cảnh nóng dù được phân loại C18

Sát thủ John Wick 2 bị cắt gần ba phút so với bản gốc ở những chi tiết đẫm bạo lực, chẳng hạn cảnh nhân vật chính dùng bút chì hạ sát đối thủ. 50 sắc thái đen tiếp tục gây thất vọng khi những cảnh nóng cao trào bị lược bỏ không thương tiếc.

Cụ thể trong 50 sắc thái đen - một phim về đề tài tình dục, cảnh nam chính - chàng tỷ phú bạo dâm - vừa chuẩn bị dụng cụ để cùm tay người yêu trước khi “vui vẻ” thì màn hình chuyển ngay sang cảnh hai người đang ăn tối. 

Mức độ can thiệp của khâu kiểm duyệt ở phần hai này dẫu không quá thô bạo (thời lượng chiếu ở VN là 110 phút so với độ dài 118 phút công bố trên trang IMDb) thì người xem vẫn cảm thấy bản phim C18 chiếu ở VN quá “hiền”.

Từ trước đến nay đối với những phim được cấp phép phát hành tại VN, các cảnh bạo lực, tình dục, hù dọa ghê rợn luôn được kiểm soát gắt gao. Hầu hết phim được nhập về nhưng không qua được cửa kiểm duyệt để ra rạp cũng đều do dính dáng đến các yếu tố này. Quy định mới về dán nhãn phim theo bốn mức đã góp phần giúp nhiều phim ngoại thoát án tử tại VN để ra rạp với đối tượng khán giả bị hạn chế thay vì bị cấm phát hành như lúc chưa có tiêu chí dán nhãn. Đây là mặt tác động tích cực được thấy rõ nhất.

Nhưng bên cạnh đó chuyện phân loại cũng đã gây ra nhiều bất an cho người làm phim lẫn người xem bởi cách làm khá “khó lường” của cơ quan kiểm duyệt. Những phim Việt như Chạy đi rồi tính, Nàng tiên có năm nhà cấm trẻ em dưới 16 tuổi, Rừng xanh kỳ lạ truyện, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu hạn chế trẻ dưới 13 tuổi dù những phim này hài hước là chính, không có những cảnh tình cảm vượt mức giới hạn hay đánh đấm nhiều máu me.

John Wick 2 bị cắt 3 phút so với bản gốc

Trong khi đó, phim tình cảm-hài VN Chờ em đến ngày mai có cảnh hôn hít và Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 đầy rẫy cảnh phô bày da thịt, cưỡng bức, gây cười thô tục nhưng lại được dán nhãn P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng).

Nếu như trước đây, việc gắn mác phim (C16) được xem là chiêu để câu khách vì càng cấm càng gây tò mò thì bây giờ, khi mức phân loại tăng lên, nhãn mác trở thành công cụ “cộng thêm” để các nhà sản xuất cạnh tranh về doanh thu, bên cạnh chất lượng phim. Do đó không ai dám chắc sẽ không có tiêu cực xảy ra trong quá trình kiểm duyệt. Vậy là thay vì tạo tâm lý an tâm cho nhà sản xuất khi được sáng tạo “đã tay” mà không lo phim bị cắt nát thì giờ các nhà làm phim càng cảm thấy bất an hơn.

Chị Uyên Phương, nhà sản xuất phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu, bày tỏ: “Phân loại phim là điều đúng đắn, hợp lý để tránh tình trạng phim bị cắt nhiều nhưng vấn đề là phải thực hiện việc dán nhãn cho đúng chuẩn để người làm phim không bị thiệt. Lâu nay nhà sản xuất đau đầu nhất là làm sao tìm được kịch bản tốt thì giờ thêm nỗi lo mới là chuyện nhãn mác vì ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu chiếu tết năm nay của chúng tôi đầu tư 20 tỷ đồng khó lấy lại vốn vì mác C13 dù khi duyệt phim không bị cắt cảnh nào”.

Tâm lý nhà sản xuất bất an, khán giả có lẽ cũng không hơn. Người lớn khi ra rạp, nhất là có dẫn theo con trẻ, nếu chỉ căn cứ vào nhãn dán mà không tìm hiểu trước về phim, dễ rơi vào tình trạng “bỏ của chạy lấy người” như trường hợp đã xảy ra với phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2. Ở thời điểm hệ thống phân loại phim mới tập tễnh vận hành trong thực tiễn, lời khuyên tốt nhất dành cho khán giả là tự tìm hiểu thông tin về phim trước khi mua vé, đặc biệt khi có ý định chọn phim coi cùng con, chứ đừng chỉ căn cứ vào “cái nhãn”.

Tây Du Ký: Mối tình ngoại truỵen 2 có nhiều cảnh hở hang nhưng được cấp nhãn P

Trong khi các nước khác đã áp dụng hệ thống phân loại phim khá lâu thì VN mới bắt đầu thực hiện từ đầu năm nay. Kiểm duyệt phim là việc cần làm, yêu cầu các đơn vị sản xuất hoặc nhập phim cắt bớt những cảnh không phù hợp trước khi phân loại là điều chấp nhận được.

Băn khoăn còn lại ở đây chỉ là việc bản phim cắt thế nào để phù hợp nhất với độ tuổi người xem, để người mua vé không bức xúc vì phim C18 mà như C13, C16. Muốn vậy, quy định phân loại cần có thêm những chỉ dẫn càng cụ thể, chi tiết càng tốt để nhà sản xuất không cảm thấy mơ hồ với nhãn dán của phim.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI