Bảo vệ trẻ trước "hố đen" mạng xã hội

01/11/2016 - 12:45

PNO - Không ít em mong chờ sự đổi chác bằng tiền hoặc những món hàng xa xỉ, thậm chí các em còn có nhu cầu tìm hiểu về quan hệ tình dục, dẫn đến hàng loạt hành vi đi ngược giá trị đạo đức. 

Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) vừa công bố số liệu khiến phụ huynh và các cơ quan quản lý an ninh mạng giật mình: có 889 trẻ dưới 18 tuổi là nạn nhân của các hành vi bẩn trên mạng trong sáu tháng đầu năm. Đây là con số cao nhất tính theo thống kê mỗi sáu tháng từ năm 2008 đến nay.

Cụ thể, trong số đó có 348 trẻ (40%) trở thành con mồi của nạn tấn công tình dục, 268 trẻ là nạn nhân của nạn phát tán hình ảnh khiêu dâm, 225 trẻ rơi vào vòng xoáy mại dâm, còn lại là nạn nhân của thói bắt nạt hội đồng trên mạng. Trong số gần 900 nạn nhân này có 702 em đã gặp tận mặt những kẻ xấu ngoài đời và thiết lập mối quan hệ mà các em không lường được mức độ nguy hiểm.

Không ít em mong chờ sự đổi chác bằng tiền hoặc những món hàng xa xỉ cho mối quan hệ tạm bợ đó, thậm chí các em còn có nhu cầu tìm hiểu về quan hệ tình dục, dẫn đến hàng loạt hành vi đi ngược giá trị đạo đức. Đáng sợ hơn, có nạn nhân chín tuổi bị dụ dỗ và cho đăng ảnh không mảnh vải che thân lên mạng, có em 11 tuổi bị kẻ lạ thuyết phục gặp mặt rồi cưỡng hiếp...

Bao ve tre truoc
Trẻ em phải được bảo vệ, tránh khỏi “hố đen” ảo - Ảnh: Alamy

Hiện ở Nhật Bản có nhiều trang mạng xã hội như Twitter, Gyaruru, Line, Friends Talk… Theo NPA, dù các mạng xã hội đều quy định giới hạn độ tuổi sử dụng nhưng việc giám sát rất lỏng lẻo. Vì thế, NPA cùng các cơ quan liên quan ở Nhật kêu gọi ban quản trị các ứng dụng mạng xã hội phải hợp tác hơn nữa trong việc này.

Tổ chức Social Age sau khi thực hiện khảo sát ở Anh về độ tuổi của trẻ tiếp cận với mạng xã hội đã nhận được kết quả: một nửa số trẻ đã bỏ qua quy định về độ tuổi tiếp cận mạng xã hội. 43% trẻ cho biết từng nhận tin nhắn từ người lạ. theo các chuyên gia tâm lý, trẻ dưới 18 tuổi có nhu cầu khám phá thế giới, thiết lập các mối quan hệ nhưng lại thiếu kỹ năng tự bảo vệ; trong khi thực tế có quá nhiều thông tin không thể ngờ và không thể kiểm soát được.

Vì thế, việc xây dựng quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn rủi ro với trẻ vị thành niên trên mạng xã hội đang trở nên vô cùng cấp bách. Bên cạnh việc giáo dục trẻ còn cần phải có cơ chế quản lý, trừng phạt cụ thể với những đối tượng lợi dụng lỗ hổng trực tuyến, mới hy vọng ngăn chặn được những hành vi xấu.

Những năm cuối thập niên 1990, internet phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ. Lúc đó, chính quyền Mỹ đã kịp thời xây dựng và hoàn thiện dần Đạo luật Bảo vệ trẻ em trên mạng (COPPA, có hiệu lực từ năm 2000). Điểm quan trọng nhất của đạo luật này là cấm mọi hình thức tiếp cận trẻ dưới 13 tuổi với mục đích quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hoặc khai thác thông tin cá nhân của trẻ. Tất cả thông tin liên quan đến trẻ phải có sự giám sát của bố mẹ, người đại diện.

Năm 2006, trang web Xanga đã bị phạt 1 triệu USD vì cho phép trẻ dưới 13 tuổi thoải mái đăng ký truy cập mà không cần hỏi ý bố mẹ các em. Tuy nhiên, khi facebook xuất hiện, đã tạo nên vô vàn mối quan hệ mà COPPA không thể điều chỉnh. Dù vẫn quy định trẻ em từ 13 tuổi trở lên mới được dùng facebook nhưng nhà quản lý trang mạng này không có cơ sở để kiểm tra việc đăng ký tuổi là đúng hay sai. Hàng triệu em dưới 13 tuổi ở Mỹ vẫn dễ dàng sử dụng mạng xã hội này.

Năm 2013, COPPA được bổ sung chi tiết quan trọng: tăng tính gắn kết ba bên gồm nhà cung cấp dịch vụ trên mạng, trẻ em và phụ huynh/người đại diện. Đây là điều chưa từng có. Theo đó, trẻ muốn tham gia bất kỳ một ứng dụng, làm thành viên của một trang mạng nào đều phải có sự đồng ý của phụ huynh.

Đơn vị cung cấp dịch vụ phải gửi thư xin phép cha mẹ của trẻ. Đồng thời, phụ huynh có quyền can thiệp đến việc hình ảnh của con xuất hiện trên các trang mạng; là người đầu tiên được cập nhật hoạt động của con trên các ứng dụng, bảo đảm con mình không “lạc lối”.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang bàn thảo về khả năng cấm trẻ dưới 16 tuổi tiếp cận các mạng xã hội như Facebook, Snapchat, Instagram, thậm chí cả email (thư điện tử), nghĩa là nâng độ tuổi an toàn từ 13 lên 16 tuổi. Tuy nhiên, việc hạn chế độ tuổi tiếp cận nhằm giảm tội phạm mạng không phải là biện pháp rốt ráo duy nhất.

Ở Australia, 78% trẻ từ 8-9 tuổi đã có quyền sử dụng mạng xã hội. Với trẻ tuổi teen, tỷ lệ này cao hơn vì các em có nhu cầu lớn hơn - 92% các em 16, 17 tuổi có tài khoản cá nhân và phân nửa cho biết là đã truy cập mạng xã hội hàng ngày. Hầu hết phụ huynh ở Australia cũng đồng tình là sự cấm đoán không giải quyết được vấn đề, vì trên mạng xã hội con em họ tiếp cận có những thông tin mang tính giáo dục và phục vụ đời sống tinh thần cho trẻ.

Truyền thông và nhà trường ở Australia khuyến khích cha mẹ đồng hành cùng con, giúp con biết cách tạo “vòng tròn” an toàn khi tương tác trên mạng. Văn phòng Ủy ban An toàn trên mạng cũng liên tục cung cấp tờ rơi, hướng dẫn phụ huynh và học sinh cùng thực hành. Phụ huynh là bạn đồng hành, chia sẻ những tình huống thực tế nhưng không kiểm soát quá gắt gao “nhất cử, nhất động” của con.

Nhằm ngăn chặn việc phát tán hình ảnh nhạy cảm của trẻ, Facebook và Google đã bắt tay với Microsoft sử dụng tính năng PhotoDNA, kiểm duyệt hình ảnh do người sử dụng đăng nhằm loại bỏ ảnh vi phạm. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận, là bước khởi đầu để các trang mạng xã hội mở rộng bảo vệ việc đăng tải, trao đổi hình ảnh của trẻ trên mạng. Tuy nhiên, việc xác định đầy đủ trách nhiệm của các bên và luật hóa các quy định phải là đích đến cuối cùng của nỗ lực bảo vệ trẻ em trước những “hố đen” ảo nhưng gây họa thật.

Thiên Như (Theo Japan Times, Telegraph, Stuff , NBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI