Bao giờ hết rùng mình với nhà vệ sinh công cộng?

24/02/2023 - 06:18

PNO - Nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu, vừa bẩn, hư hỏng là thực trạng chung của nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Điều này gây bất tiện cho cư dân và du khách, ảnh hưởng xấu đến văn minh, mỹ quan đô thị.

 

Nhà vệ sinh công cộng đặt trên đường Hàm Nghi, quận 1 - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Nhà vệ sinh công cộng đặt trên đường Hàm Nghi, quận 1 - Ảnh: Nguyễn Văn

Đau bụng giữa đường, không biết “đi” đâu

Chiều cuối tuần, sau khi thả khách ở đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM), Phạm Minh Hưng - tài xế xe ôm công nghệ, ở quận Bình Tân, TPHCM - bất chợt bị đau bụng. Anh cố chạy xe đến công viên 23/9 gần đó để vào nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhưng đến nơi, mới biết nhà vệ sinh nam ở đây không thể đại tiện. Cũng may, một đồng nghiệp xe ôm đã chỉ anh vào một nhà hàng tiệc cưới gần đó. Sau khi đi vệ sinh, anh mua tặng bảo vệ 2 chai nước giải khát, xem như trả phí.

Trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TPHCM như Trần Hưng Đạo, Bùi Viện, Đề Thám, Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch… hầu như không có NVSCC. Theo thống kê của UBND quận 1 - nơi có mật độ dân cư đông đúc, thu hút lượng lớn du khách tản bộ, tham quan, mua sắm - toàn quận chỉ 7 trong tổng số 20 công viên có NVSCC. 

Không chỉ thiếu, các NVSCC hiện có của TPHCM còn bẩn, xuống cấp, như NVSCC ở công viên Lê Văn Tám, ở chợ Bình Tây, đường Tú Xương, đường Hùng Vương… Những nhà vệ sinh này vắng bóng người trông coi, dọn dẹp nên hoang phế và dơ bẩn, ít ai dám vào.

Ngược lại, những NVSCC có thuê người trông coi luôn sạch sẽ, gọn gàng. Bà Nguyên - trông coi NVSCC ở công viên Tao Đàn, quận 1 - cho biết, mỗi ngày, bà trông coi nhà vệ sinh từ 13g đến 21g, được trả công 3 triệu đồng/tháng. Trong khung thời gian này, có khoảng 100 lượt khách đi vệ sinh. Nhờ có người trông coi nên khách cũng có ý thức hơn. Thỉnh thoảng, bà vào lau dọn và xịt khử mùi bên trong.

Ông Nhật - có 20 năm trông coi ki ốt nhà vệ sinh ở giao lộ Nguyễn Trãi và Nguyễn Văn Cừ - cho biết, trong diện tích 13m2, cơ quan chức năng đặt 3 buồng vệ sinh, mở cửa từ 6g đến 22g hằng ngày. Khách phải trả phí từ 2.000-3.000 đồng/lần. Ông Nhật được thuê trông giữ theo hình thức nhận khoán. Ông nói: “Tôi có trách nhiệm lau, quét nhà vệ sinh cho sạch sẽ. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ bán báo, kiếm thêm thu nhập. Tôi thấy mô hình ki ốt nhà vệ sinh này là phù hợp, có thể nhân rộng”.

Nhà vệ sinh công cộng tại góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ
Nhà vệ sinh công cộng tại góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ

Nhà vệ sinh công cộng có cũng như không

Ở TP Cần Thơ, hầu hết các khu, điểm du lịch như công viên, khu vui chơi, khu mua sắm, chợ đêm… đều có NVSCC nhưng một số đã xuống cấp, xấu xí, dơ bẩn. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở bến tàu du lịch Ninh Kiều (quận Ninh Kiều) có 1 NVSCC, được chia ra 2 khu nam và nữ, nhưng khá nhỏ hẹp, phí đi vệ sinh 5.000 đồng/lượt. Ở đoạn cạnh bến phà qua Xóm Chài, có NVSCC được xây dựng kiên cố với 7 phòng. Anh Huỳnh Văn Tròn - nhân viên quản lý tại đây - nói: “Nhà vệ sinh này cũ rồi nên tụi tôi phải thường xuyên dội nước, khử mùi hôi. Hiện nay, khu này chủ yếu để có nơi cho du khách đi vệ sinh, chứ thật sự chưa đạt tiêu chuẩn. Về lâu dài, cần sửa chữa lại cho khang trang, sạch sẽ hơn”.

Bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ - cho hay, các quận Bình Thủy, Thốt Nốt, huyện Phong Điền đều có hệ thống NVSCC đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Quận Ninh Kiều cũng có NVSCC nhưng đã cũ. Do đó, khi thực hiện đề án phát triển phố đi bộ của quận Ninh Kiều, sở sẽ kêu gọi đầu tư xây mới hệ thống NVSCC khang trang, đạt tiêu chuẩn.

Ở TP Hà Nội, hầu hết vườn hoa, lề đường hay địa điểm công cộng đều có đặt NVSCC nhưng một số hầu như không dùng được. Chẳng hạn, các NVSCC trên vỉa hè phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) hay Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) bị bãi đậu xe ô tô che khuất, bít hết lối vào, còn những NVSCC ở vườn hoa trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm) lại không có chỗ để đậu xe. “Nếu muốn dừng lại đi vệ sinh, tôi sẽ phải để xe máy dưới lòng đường và đi bộ khá xa, mất xe như chơi. Thành thử, NVSCC này có cũng như không” - một người dân ở quận Hoàn Kiếm nói.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, công ty được giao quản lý 181 NVSCC. Những nhà vệ sinh này vẫn hoạt động đúng công năng nhưng hiệu quả chưa cao. Ngoài số NVSCC trên, còn có một số NVSCC do đơn vị khác quản lý.

Ông Lê Quý Hòa - Giám đốc Công ty Vinasing - cho biết, Vinasing đã giao quyền quản lý NVSCC cho Công ty URENCO và chỉ kiểm tra định kỳ hoặc sửa chữa lớn”. Theo kế hoạch ban đầu, Vinasing sẽ xây 1.000 NVSCC theo hình thức xã hội hóa nhưng đến nay, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã đồng ý cho chủ đầu tư rút xuống còn 300 NVSCC. Thêm nữa, do dịch COVID-19 bùng phát nên nhiều bản vẽ NVSCC mà công ty trình lên sở chưa được thông qua; nhiều khu vực có áp lực nước rất yếu nên không thể lắp đặt NVSCC. Do đó, sau 5 năm, công ty chỉ mới xây được 87 NVSCC. 

Biến nhà vệ sinh công cộng thành nơi thư giãn

Khi đến các công viên, viện bảo tàng, các tuyến đường ở nội đô TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), du khách dễ dàng tìm thấy NVSCC. Đây là thành quả của chương trình xã hội hóa NVSCC, được triển khai từ tháng 7/2016.

Nhờ xã hội hóa TP Huế đã xây dựng được rất nhiều nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí du khách (trong ảnh: nhà vệ sinh bằng gỗ sạch đẹp phục vụ khách tham quan Đại Nội  ảnh: Thuận Hóa
Nhờ xã hội hóa TP Huế đã xây dựng được rất nhiều nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí du khách (trong ảnh: nhà vệ sinh bằng gỗ sạch đẹp phục vụ khách tham quan Đại Nội - Ảnh: Thuận Hóa

Đến nay, có hơn 60 doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia chương trình này. Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy TP Huế, người được xem là “kiến trúc sư” của chương trình này - cho biết: “Việc xã hội hóa NVSCC không chỉ giúp du khách đi vệ sinh thuận tiện mà còn thể hiện sự hiếu khách của TP Huế”.

Mỗi ngày, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đón hàng ngàn lượt người đến tham quan. Hơn 6 năm nay, bảo tàng luôn mở cửa NVSCC, phục vụ miễn phí du khách. Đáng nói, chất lượng NVSCC ở đây không thua gì nhà vệ sinh của các khách sạn hạng sang. Bà Đinh Thị Hoài Trai - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế - nói: “Chúng tôi mở cửa từ 7g đến 17g và luôn có đội ngũ dọn dẹp để khách vào đó cảm thấy thoải mái. Nhà vệ sinh đẹp cũng là cách tạo hình ảnh đẹp với du khách”.

Ở các công viên dọc đôi bờ sông Hương, mỗi ngày, có hơn 5.000 người đến tham quan, tập thể dục. Tại đây, có 9 NVSCC phục vụ miễn phí 24/24 giờ. Thời gian gần đây, Trung tâm Công viên cây xanh Huế tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang hệ thống NVSCC dọc bờ sông Hương và trong Kinh thành Huế để phục vụ người dân và du khách tốt hơn.

Trung tâm này đang hướng tới việc thiết kế NVSCC đúng chuẩn, vừa là nơi để làm vệ sinh, vừa là điểm đọc sách, uống cà phê. Trung tâm này đang chỉnh trang NVSCC rộng hơn 100m2 ở công viên Ba Tháng Hai cạnh cầu Tràng Tiền, thiết kế thêm điểm trưng bày sách, không gian cà phê cả ngày lẫn đêm.  

Thuận Hóa

Bảo Khang - Huỳnh Lợi - Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI