Báo chí nước ngoài: Việt Nam dẻo dai như cây tre trước biến động của thế giới

28/04/2025 - 06:31

PNO - Khi căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành vấn đề toàn cầu, thế giới ngày càng chú ý nhiều hơn đến triết lý ngoại giao “cây tre” của Việt Nam.

Uốn mình vượt qua khủng hoảng

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump (2017-2021), một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra. Kết quả là nhiều công ty Mỹ, châu Âu… phải phân tán, di dời chuỗi sản xuất tập trung ở Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tờ Kompas (Indonesia) nhận định: Việt Nam đã thu hút hàng tỉ USD đầu tư từ các ngành sản xuất điện thoại di động cho đến giày dép, may mặc.

Hiện tại, hầu hết điện thoại của hãng Samsung (Hàn Quốc) đều được sản xuất tại Việt Nam. Hãng Apple (Mỹ) cũng chuyển hoạt động sản xuất iPad, MacBook, AirPods và Apple Watch sang Việt Nam, trong khi những tên tuổi lớn khác về công nghệ như Foxconn, Nintendo, Lenovo, Luxshare, Goertek và Pegatron đã mở các nhà máy mới.

Việt Nam và Mỹ đã khởi động đàm phán vấn đề kinh tế - thương mại giữa 2 nước. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) tại An Giang - ẢNH: MAI CA
Việt Nam và Mỹ đã khởi động đàm phán vấn đề kinh tế - thương mại giữa 2 nước. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) tại An Giang - Ảnh: Mai Ca

Vào ngày 2/4, khi Tổng thống Trump công bố áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Pete Navarro cáo buộc nhiều hàng hóa dán nhãn Việt Nam thực chất là hàng thành phẩm từ Trung Quốc và phía Mỹ cảm thấy bị lừa dối. Để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về thuế quan bắt đầu vào giữa tháng Tư, Việt Nam hứa sẽ điều tra và ngăn chặn tình trạng trên.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết trước chuyến thăm Việt Nam từ ngày 14 - 15/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông muốn tăng cường phối hợp và hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có củng cố chuỗi cung ứng các ngành mới và đang phát triển. Tân Hoa Xã trích dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt quá 2,5 tỉ USD vào năm 2024, duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ. Thương mại song phương vượt mốc 200 tỉ USD trong 4 năm liên tiếp, đạt 260,65 tỉ USD vào năm 2024, tăng 13,5% so với năm trước.

Chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam dựa trên “4 không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Theo Observer Research Foundation - tổ chức nghiên cứu độc lập toàn cầu có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ) - sự tinh tế và cân bằng của “ngoại giao cây tre” đã thể hiện qua mạng lưới Đối tác chiến lược toàn diện (CSP).

Tính đến tháng 3/2025, Việt Nam đã thiết lập CSP với 12 quốc gia. Bằng cách vun đắp quan hệ đối tác mạnh mẽ với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga, cũng như với các đối tác chủ chốt trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam đã tránh được sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào. Dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, nhưng các khoản đầu tư đa dạng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã góp phần thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, các sáng kiến ​​như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) giúp giảm 99% thuế quan của EU đối với hàng hóa Việt Nam, đã thúc đẩy tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu công nghệ cao.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ trong cuộc gặp với Tổng bí thư Tô Lâm tại Hà Nội vào ngày 24/4: Việt Nam là đối tác đáng tin cậy và được ưu tiên của Liên minh châu Âu tại châu Á - Thái Bình Dương. 2 bên hiện đang triển khai 4 thỏa thuận hợp tác và 8 cơ chế đối thoại, bao gồm nhiều lĩnh vực từ các vấn đề chính trị - ngoại giao và thương mại - đầu tư đến quốc phòng và an ninh.

Dự báo đầy hứa hẹn

Là một nền kinh tế định hướng thương mại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm gần 170% GDP, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi liên tục trong các chính sách thương mại toàn cầu. Theo Bản tin kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến ​​chỉ đạt 5,8% vào năm 2025, thấp hơn mức công bố 6,8%, do bất ổn thương mại gia tăng. Trước tình hình này, tối 23/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế - thương mại song phương giữa 2 nước. Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm thuế nhập khẩu vào Mỹ xuống còn 22 - 28%.

Andreas Kluth - một chuyên gia phân tích về ngoại giao, an ninh quốc gia và địa chính trị của Mỹ của hãng thông tấn Bloomberg - nhận định: “Lời khuyên của tôi sau khoảng 100 ngày trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump: hãy noi gương Việt Nam và áp dụng “ngoại giao cây tre”. Uốn cong theo những cơn gió địa chính trị để không bị gãy. Giữ khoảng cách với tất cả cường quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia. Giao dịch với tất cả những đối tác cởi mở và trong các thỏa thuận đa phương nếu có thể… Hãy làm bất cứ điều gì giúp đất nước duy trì được sự độc lập và chủ quyền”.

Linh La (theo Bloomberg, Kompas, ORF, Yahoo, Xinhua)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI