Bánh dày kẹp chả, sợ mập vẫn ăn

11/12/2020 - 06:18

PNO - Mỗi lần thấy tôi cầm chiếc bánh dày kẹp chả, đồng nghiệp lại hăm he chuyện tinh bột trắng sẽ khiến tăng ký ra sao, tôi mặc kệ.

Nói không phải khoe nhưng hơn 20 năm nay, tôi tuân thủ khá tốt nguyên tắc ăn uống được xem là lành mạnh của bản thân như không ăn no đến quá no ( chỉ ăn đến khi cảm thấy no khoảng 70% thì dừng); ăn nhiều thức ăn (hạn chế tối đa tinh bột); không uống các loại nước đóng chai, trừ nước lọc. Nhưng bù lại, tôi có đam mê bất tận với nếp và các món từ nếp như xôi, bánh tét, chè và bánh dày kẹp chả.

Chắc bạn biết chiếc bánh dày trong câu chuyện sự tích bánh chưng, bánh dày chứ? Đây là món bánh trắng, tròn, tượng trưng cho trời mà người con trai thứ 18 của Hùng Vương, hoàng tử Tiết Liêu (Lang Liêu) làm ra dưới sự mách bảo của thần linh, nhờ đó được vua cha truyền ngôi.

Tôi có thể dồn hết phần nhân bánh mì vào 1/2 ổ, ăn để giảm tinh bột.
Bình thường, tôi có thể dồn hết phần nhân bánh mì vào 1/2 ổ và chỉ ăn chừng ấy để giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể

Bánh dày được làm từ nếp cái hoa vàng vo sạch, ngâm với nước ấm khoảng 5 - 6 giờ, vớt ra thúng để ráo, rồi đồ thành xôi. Nếu muốn bánh trắng thì ngâm nếp với nước trong, nếu muốn tạo màu cho bánh có thể ngâm cùng các loại nước ấm đã được pha (tạo) màu tùy thích.

Khi xôi chín, ta chia thành nhiều phần nhỏ, đặt trên nền thớt có bao lót. Đặt mẻ nào thì giơ cao vồ, nện mẻ đó. Vừa nện vừa lật đến khi xôi nhuyễn thành khối dẻo mềm thì ngắt thành từng khối vừa, vê tròn rồi đặt trên lá chuối (giờ người ta thường đặt trên ni-lông hơn). Nếu các loại bánh khác được bán theo số lẻ thì bánh dày luôn được bán theo cặp.

Khi có khách mua, người bán sẽ tách hai miếng bánh dày trắng tròn, kẹp miếng chả ở giữa. Miếng chả này không cố định loại nào mà có thể là chả lụa, chả quế hay chả chiên, tùy người bán. Kích thước của miếng chả cũng vậy, tùy giá tiền mà người bán sẽ cắt lát chả tương ứng.

Bánh dày được làm từ bột nếp, không có gia vị nên vị ngon của món ăn sẽ đến từ miếng chả ấy. Thử hỏi, chả không ngon hay chả ngon mà cắt lát quá mỏng, chưa kịp nhai để cảm nhận cái mằn mặn thơm thơm đã hết thì thật chẳng còn gì thú vị.

Cùng có thể cắt bớt một chiếc bánh dày nhưng bảo tôi bỏ luôn món mình thích thì không thể.
Cực cùng thì tôi có thể cắt giảm bớt một chiếc bánh dày, nhưng bảo tôi phải bỏ món mình thích thì không thể

Khi ăn, đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo mềm của bánh, cái thơm ngọt của chả rồi đến cái thơm dẻo của miếng bánh thứ hai. Cứ thế, mặn lạt, dẻo sần sật hòa quyện vào nhau, khiến bạn cắn hết miếng này, lại đến miếng khác. Ăn hết cái vẫn còn thèm.

Ngày trẻ, khi cân nặng và tinh bột trắng chưa ám ánh, tôi có thể ăn liền hai cặp bánh dày kẹp chả như thế. Rồi lớn dần, sở hữu nhiều thứ, sợ nhiều thứ, tôi "giảm biên chế" từ hai thành một, rồi lại cắt bớt một trong hai chiếc bánh khi ăn. Dù vậy, tôi quyết không từ bỏ món ngon mình thích.

Tôi có thể ăn bánh dày kẹp chả vào mọi thời điểm trong ngày hoặc có thể mua vài cái để ăn đủ ba bữa. Những lúc như vậy, cô đồng nghiệp ngồi gần lại thở dài cùng bài ca: "Chị đang nạp quá nhiều tinh bột trắng". Thú thật, những lúc ấy, tôi cũng có chút chột dạ, tự nhủ "ăn lần cuối", nhưng vài ngày sau, khi đi ngang xe bánh mì Hà Nội nào đó, tôi lại tạt vào, "tậu" một ẻm bánh dày kẹp chả với tâm thế: "Còn ăn được là còn có phước".

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI