Bandu - một tambon hiền lành

12/02/2023 - 07:14

PNO - Có 4 thứ không cần phải lo lắng khi sống ở Bandu (Thái Lan): thư viện, tắm suối nước nóng, trả giá và mất đồ.

 

Con đường huyết mạch ở Bandu - ẢNH: Ulzii Kh Mongol
Con đường huyết mạch ở Bandu - Ảnh: Ulzii Kh Mongol

Bandu là một tambon - đơn vị hành chính cấp xã của Thái Lan - nằm rìa phía bắc thành phố Chiang Rai, tỉnh Chiang Rai. Bối cảnh ngoại ô hiện rõ hai bên đường Thanon Phahon Yothin - con đường chạy thẳng từ trung tâm tỉnh lên cuối miền Bắc Thái Lan (vùng Tam Giác Vàng, giáp Lào và Myanmar). Nơi đây một bên là cánh đồng lúa xanh rì, những ngôi chùa kiến trúc Phật giáo Nam Truyền lặng lẽ, một bên là các cửa hiệu, quán ăn, cửa hàng 7-Eleven liền nhau.

Những đàn chim bay trong ráng chiều 

Bandu là vùng đất của những đàn chim bay trong ráng chiều. Trên cánh đồng Bandu, những ngọn lúa cao dập dềnh trong gió như sóng. Nghe tiếng bước chân lạo xạo trên đường, những đàn chim đập cánh bay ra từ các gốc lúa, cánh liền cánh như một tấm vải thong dong bay về phía vầng mặt trời đang lặn dần phía rặng núi. 

Cứ độ chiều chạng vạng, trên con đường dẫn vào cổng chính Đại học Chiang Rai Rajabhat, trên những tán cây, những đàn chim bay, đậu, chao liệng rợp trời. Tiếng chim lấn át cả tiếng xe cộ, tiếng người nói cười lao xao và tiếng giã Som Tum (gỏi đu đủ Thái) nơi các quán ăn. Đi qua đoạn đường ngợp cánh chim bay trong phố ngỡ như bước dưới một tán rừng chiều vắng lặng. 

Chính con đường chim chao liệng cũng dẫn vào “khung hình” đẹp nhất của Bandu -  khu đại học Chiang Rai Rajabhat - với công viên và giảng đường thênh thang thơ mộng. Công viên Somdet Phra Srinagarindra là một tuyệt cảnh ở Chang Rai. Somdet Phra Srinagarindra là tên một hoàng hậu được người dân Thái Lan yêu quý. Giữa công viên có khoảng sân rộng, đặt bức tượng của bà. 

Nhìn từ bên kia hồ Nong Bua, công viên như một ngôi làng nhỏ trên đồi. Cây cỏ được cắt xén thẳng đều tựa một khung hình đồ họa với điểm nhấn độc đáo là những con sâu bằng cây lá xanh tươi uốn lượn dài ngoằng cạnh mép hồ. 

Sáng tĩnh lặng ở Nong Bua - Ảnh: Ulzii Kh Mongol
Sáng tĩnh lặng ở Nong Bua - Ảnh: Ulzii Kh Mongol

Có một con đường nhấp nhô trên đồi, nơi người dân Bandu rủ nhau chạy bộ. Những hàng cây cổ thụ lá xanh mướt như tán rừng che trên đầu. Rải rác trong công viên là những mái che kiến trúc Lanna -  bên mép mái gỗ là 2 thanh phù điêu đóng thành hình chữ V -  một biểu tượng sâu lắng của vương triều Lanna, trị vì lãnh thổ phía bắc Thái Lan trước ngày thống nhất vương quốc. Những kiến trúc mái Lanna hiện diện khắp nơi ở Bandu: trên mái cổng làng, mái nhà của các cửa hàng 7-Eleven, mái các Saalaa - nơi ngồi nghỉ chân công cộng…

Rìa công viên là con đường rợp bóng cây. Đi dưới hàng cây ấy, du khách như lọt vào một bối cảnh điện ảnh kinh điển. Công viên đẹp nhất vào mùa hoa. Vào đầu năm, hoa supanniga rụng vàng trong công viên khiến đất trời Bandu rợp vàng màu hoa. Trong cơn gió đầu xuân hiu hiu lạnh, những cánh hoa supanniga làm cho mảnh đất Bandu như hóa một câu thơ. Cây pradu daeng cao nghệu hoa nở đỏ cành như hoa gạo. Mùa hè, hoa anh đào hồng phấn hay hoa chùm ớt nở tuôn đổ trên các bờ rào. Đặc biệt, khi quốc hoa ratchaphruek (muồng bò cạp) nở bung vàng, là thời khắc báo hiệu tết Songkran đang đến… 

Miền đất vô ưu 

Kiến trúc rắn thần Naga ở chùa Bandu - ẢNH: Trần Minh Hợp
Kiến trúc rắn thần Naga ở chùa Bandu - Ảnh: Trần Minh Hợp

Bandu rất đa dạng về sắc tộc. Nơi đây, người Thái sống lẫn với người Karen, Akha (Hà Nhì) và cả người H’Mông. Đạo Phật là tôn giáo chính của người Thái ở Bandu, thế nên các ngày liên quan đến lịch sử Phật giáo như rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư… là những ngày nghỉ lễ toàn quốc. Các ngôi chùa ở Bandu mang trọn kiến trúc hoài cổ của Phật giáo Nam Truyền, óng ánh trong màu sơn vàng, chạm khắc hoa văn vùng Nam Á với những tháp mái nhọn và tượng rắn Naga (*) - con rắn có nhiều đầu. Âm nhạc là hình ảnh đặc trưng trong các ngày lễ Phật giáo ở Bandu. Rằm tháng Giêng, ở Bandu, phật tử trong váy áo sặc sỡ diễu hành và nhảy múa rộn ràng trước cổng chùa.  

Có 4 thứ không cần phải lo lắng khi sống ở Bandu: thư viện, tắm suối nước nóng, trả giá và mất đồ. Thư viện Đại học Chiang Rai Rajabhat mở cửa suốt tuần trở thành một nơi đọc sách công cộng. Bất kể ai cũng có thể đi khắp 4 tầng rộng mát của thư viện, kiếm một không gian riêng tư đọc sách, làm việc hay tranh thủ chợp mắt một giấc trưa. 

Người Bandu có văn hóa đi ngâm chân suối nước nóng, xem đó như một cách thư giãn và chăm sóc sức khỏe. Suối nước nóng Pong Phra Bat nằm ngay ngã ba đường rộng lớn mở cửa miễn phí. Các tượng khủng long, tê giác bằng xi măng làm cho không gian khuôn viên thêm trẻ trung, sống động. Bên trong những hồ nước nóng luôn đông đúc người. Làn hơi nóng tỏa ra biến nơi đây thành một không gian tươi lành. 

Đi chợ Bandu, du khách không cần trả giá vì từng con cá, dĩa rau… đều được gắn bảng giá như ở siêu thị.

Mỗi cái cân đều có hai mặt kim, một mặt cho người bán và một mặt cho người mua. 

Nếu đến Bandu vào thứ Sáu, bạn sẽ thấy rất nhiều vỏ chai nước có treo sẵn bịch tiền trước các cửa nhà. Người đổi nước lái xe đến từng nhà, tự tính tiền, bỏ lại tiền thối trong bịch. Người đổi nước không thối thiếu một baht (tiền Thái) nào, cũng không có cảnh “lỡ tay” lấy. Thứ Sáu ở Bandu làm ấm thêm lòng tin về sự trung thực của con người. Ở Bandu, nơi có những cánh cửa nhà không bao giờ khóa, người ta có thể thoải mái dựng xe máy dọc đường...

Tìm chút "thần thái" đất Thái 

Thế giới ẩm thực Thái Lan thu nhỏ ở chợ Bandu - Ảnh: Ulzii Kh Mongol
Thế giới ẩm thực Thái Lan thu nhỏ ở chợ Bandu - Ảnh: Ulzii Kh Mongol

Các trạm giặt công cộng, máy mua thẻ điện thoại, trạm đổ xăng tự động, cân công cộng… hiện diện khắp Bandu như một hình ảnh nhận diện đặc biệt bên cạnh những nét văn hóa hoài cổ. Chợ đêm dường như đã trở thành một nét văn hóa mới của Thái Lan. Bandu dẫu bé nhỏ vẫn có tới 3 ngôi chợ đêm: chợ tối thứ Hai họp dọc đường Thanon Phahon Yothin, chợ tối thứ Ba họp ở khu Bandu Mueang Mai và chợ đêm trong khuôn viên Trường Chiang Rai Rajabhat họp vào tối thứ Năm.    

Bandu có tất cả các món ăn nổi tiếng của Thái như Som Tam, Pad Thái, Rad Naa, thịt nướng xiên Moo Ping, Tom Yum hay các món thịt xào với quế Phat Krapao và nổi tiếng với món cá Pranin nướng muối. Những lò than hồng rực đỏ, bên trên là những con cá Pranin ngập sả và muối bao quanh vẩy làm cho khu Bandu Mueang Mai thêm nhộn nhịp và mang một mùi thơm lạ lùng, đầy quyến rũ đối với du khách 4 phương.

Bao năm vẫn vậy, Bandu vẫn là một tambon hiền lành. Nếu bạn muốn tìm đến một Thái Lan đích thực, nơi không quá ồn ào và sôi động như Bangkok, Pattaya… thì Bandu của Chiang Rai là chốn tinh thần, văn hóa của Thái Lan hội tụ chậm rãi và lắng đọng. 

Sân bay Mae Fah Luang - Chiang Rai nằm ngay Bandu nên rất thuận lợi cho việc di chuyển từ Việt Nam đến Bandu. Ngay chợ Bandu có trạm xe khách đi các tỉnh, nhất là tỉnh du lịch Chaing Mai. Bandu cũng nằm trên con đường huyết mạch để đến những điểm đến thi vị của miền bắc Thái Lan: Làng voi Ruam Mit, thắng cảnh đồi hoa Doi Tung, White Temple, Black House, Blue Temple, đồi trà Chui Phong… thậm chí là đến Tam Giác Vàng để chuyển tiếp hành trình sang Lào và Myanmar. 

(*): Một linh vật (rắn) bắt nguồn từ văn hóa Hin-du (Ấn Độ), văn hóa Phật giáo và lan rộng đến các nước Đông Nam Á.

Trần Minh Hợp

Từ khóa BanduThái Lan
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI