Bán nhà nuôi 'con người ta'

12/05/2015 - 08:25

PNO - PN - Đó là con của những đồng đội từng chung vai sát cánh trong thời kỳ chống Mỹ bên ông Nguyễn Bá Hiều, 75 tuổi, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Trà Vinh, là con cháu xa gần mà ba mẹ chúng đã từng thay ông lo việc phụng dưỡng cha...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Hai Hiều đón tôi với nụ cười đôn hậu: “Tôi chỉ muốn trả ơn cho đời, trả ơn cho những đồng đội đã hy sinh, bị thương, bệnh tật; cảm ơn anh em đã cực nhọc làm lụng phụng dưỡng mẹ tôi trong thời gian tôi học hành ở miền Bắc. Việc này đâu có gì để ca ngợi”. Vừa nói chuyện, ông vừa thong thả dẫn tôi về căn nhà nhỏ của mình trên đường Phạm Ngũ Lão, P.2, TP.Trà Vinh. Bà Nguyễn Thị Bé, vợ ông có nụ cười phúc hậu hệt như chồng.

Bà nhớ lại: “Khi nghe chồng bàn việc bán căn nhà ở mặt tiền gần chợ Trà Vinh để mua hai căn nhà khác, một cho thuê, một ngăn phòng... để đón con cháu của đồng đội, em út tại H.Càng Long về lo ăn học, tôi mừng muốn khóc. Hơn bốn mươi năm trước, lúc con gái duy nhất của chúng tôi qua đời vì căn bệnh sốt xuất huyết, tôi đã thầm ước được gần gũi với trẻ nhỏ, mong đón mấy đứa nhỏ nào đó về chăm sóc cho cửa nhà bớt cô quạnh”.

Năm 2000, ông Hai Hiều - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về hưu. Lập tức, ông vận động thành lập Hội khuyến học tỉnh Trà Vinh. Nhờ sự trong sạch, liêm khiết suốt mấy mươi năm công tác nên ông có uy tín lớn, công tác khuyến học của tỉnh được nhiều người chung vai, góp sức.

Tuy công lao của ông Hai Hiều với chuyện khuyến học là rất lớn, nhưng việc ông bà bán nhà nuôi “con người ta” ăn học mới khiến mọi người quen biết vừa ngưỡng mộ vừa… giật mình! Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Tuấn, Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình tỉnh Trà Vinh, nói: “Nuôi chỉ một đứa thôi đã là công lao trời biển, đằng này, ông bà lại nhận nuôi đến gần chục học sinh thành cử nhân, kỹ sư”.

Ban nha nuoi 'con nguoi ta'

Ông bà Hai Hiều và Ngọc Hân

Hơn mười năm nuôi bầy con trẻ, ông bà Hai Hiều phải hai lần bán nhà, giúp được 14 em học hành đỗ đạt, nhiều em thành cử nhân, kỹ sư trở về làm việc ở quê hương. Hai em Nguyễn Thị Ngọc Hân - sinh viên Cao đẳng Y tế Trà Vinh và Nguyễn Thị Ngọc Duyên - sinh viên khoa Kinh tế-luật-ngoại ngữ trường ĐH Trà Vinh, được ông bà nuôi từ năm 13 và 15 tuổi, đang là người kề cận sớm hôm với bà Bé mỗi khi ông Hai Hiều rong ruổi lo chuyện xin học bổng, kiếm người ủng hộ xây trường, sửa lớp...

Ngọc Hân kể: “Đợt đầu, ông đón 10 anh chị về, em là nhóm trẻ đến nhà ông bà đợt sau. Mấy anh chị ở chung vui lắm, nhưng ông bà cũng cực khổ và… hao tiền lắm. Học phí chính khóa mỗi năm khoảng ba-bốn triệu đồng một đứa, không kể tiền tài liệu, sách vở, cho đến những môn học thêm theo năng khiếu, sở trường.

Đứa nào thích học gì, ông bà trang trải hết, miễn là chịu đi học. Đó là chưa kể những lần chúng em bệnh đau, bà phải thăm nuôi ở bệnh viện, chăm sóc thuốc thang. Có lần cả bốn đứa trong nhà bị sốt, bà thức suốt đêm lau mát. Tuy yêu thương nhưng ông bà vô cùng nghiêm khắc, ai học hành chểnh mảng, bị nhắc nhở ngay. Nếu vi phạm, bỏ học hay bị điểm kém quá ba lần, ông sẽ báo ba mẹ “bảo lãnh” về nhà luôn. Nhưng, suốt bảy năm ở với ông bà, em chưa thấy ai bị trả về cho cha mẹ khi chưa học hết phổ thông hay dở dang đại học. Ông răn đe, giáo huấn kỹ càng với một tình cảm rất thực lòng nên chúng em thương ông bà lắm”.

Tình yêu thương, kính trọng của các em dành cho ông bà Hai Hiều không chỉ bằng lời nói mà còn qua từng sự chăm sóc nhỏ nhặt. Nhờ có các em, nhà của ông bà luôn đầy ắp tiếng cười và mọi việc trong ngoài đều tươm tất. Ở tuổi “cổ lai hy”, ông bà Hai Hiều cũng không còn cần gì cho riêng mình.

Ông nói: “Chế độ lương hưu cũng đủ cho hai vợ chồng tôi sống tốt. Sức khỏe thì đã có bảo hiểm y tế. Mình nhín đi một phần tiêu xài, giúp cho sắp nhỏ cơ hội đi học, kiếm việc làm... Được vậy, vợ chồng tôi thấy vui rồi”. Đơn giản chỉ thấy vui, thấy ấm lòng mà ông bà cưu mang, bảo bọc, dìu dắt những đứa con của đồng đội, những đứa cháu của mình đến với bến bờ tri thức. Mẹ của Ngọc Duyên nghẹn ngào kể: “Không có ông bà, chắc con chúng tôi đã bỏ học từ lớp bốn, lớp năm, nói gì đến chuyện mơ vào đại học”.

Nghe chuyện đời cùng những tâm tình của ông bà, mới hiểu và thấm thía hết câu “Thi ân bất cầu báo” của người xưa.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI