Bài ca Pò Hèn - Sống và kể lại

17/02/2020 - 09:15

PNO - Không rõ ông Hoàng Như Lý - người sống sót trong trận chiến 17 tháng 2 trên đỉnh Pò Hèn - đã thuật lại chi tiết của cuộc chiến này bao nhiêu lần trong suốt 40 năm qua. Chỉ biết rằng với ông, đó là nỗi đau tuổi thanh niên của một trinh sát viên biên phòng đeo đẳng mãi suốt chừng ấy năm, giờ được ông viết ra một cuốn sách, tựa là “Hiên ngang Pò Hèn - kí ức còn mãi”.

40 năm, kể từ ngày 32 chiến sĩ biên phòng Đồn 209 Pò Hèn hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979, di tích Pò Hèn không khi nào ngớt khói nhang. Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn nằm ngay trên ngọn đồi trước đây là doanh trại Đồn 209 - Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) gần sát đường biên giới. Xã Pò Hèn lúc đó là xã biên giới chỉ độ hơn 1 ngàn người dân cư trú, thêm một lâm trường, vài cửa hàng thương nghiệp. Vì vậy, Hoàng Thị Hồng Chiêm, liệt nữ, nhân viên thương nghiệp mới có mặt trong trận chiến lịch sử này. Đồn 209 Pò Hèn vào những năm 1977 - 1979 là đơn vị dẫn đầu thành tích lao động sản xuất lương thực, thực phẩm, mỗi vụ thu hoạch hàng tấn thóc, rau xanh.

Ông Hoàng Như Lý, nhân chứng lịch sử trận chiến Pò Hèn
Ông Hoàng Như Lý - nhân chứng lịch sử trận chiến Pò Hèn - kể lại trận chiến bi tráng ngày 17/2/1979

Con đường từ Hải Ninh (nay là Móng Cái) lên Pò Hèn đi dọc sông Ka Long là đường huyết mạch lên Pò Hèn. Năm 1978, tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng. Có lần đoàn xe chở lương thực thực phẩm từ tỉnh Quảng Ninh ra Pò Hèn bị phục kích ở đoạn đường gần đồi Quế. Đại đội cơ động và chiến sĩ Đồn Pò Hèn triển khai đội hình hỏa lực mạnh, bắn thẳng vào đội hình địch, mở thông lại tuyến đường. Toàn tuyến biên giới Quảng Ninh có 6 đồn biên phòng, 5 trạm cửa khẩu và 5 trạm lẻ đã phải bố trí thêm nhiều chốt, cụm chiến đấu kèm với phương án phòng thủ riêng.

Đồn 209 Pò Hèn vào thời điểm lịch sử là đội quân tinh nhuệ, trang bị đủ vũ khí phòng vệ, được huấn luyện và kiên định một ý chí. Đầu tháng 2 năm 1979, kẻ địch triển khai lực lượng và vũ khí tập kết sát biên giới, hướng thẳng vị trí Đồn Pò Hèn của ta. Ngày 13/2/1979, nhận lệnh báo động cấp một, Ban Chỉ huy CANDVT Quảng Ninh và các tỉnh trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung được truyền đạt mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu. Pò Hèn cùng với toàn bộ các đồn biên phòng từ Móng Cái tới Điện Biên là những chốt chặn biên cương, không bất ngờ bị tấn công mà trên thực tế đã kiên cường bám trụ vị trí, sẵn sàng đáp trả hỏa lực mạnh của địch, một tấc không lui, một ly không rời.

Tượng đài vòng tay đồng đội trên đỉnh Pò Hèn
Tượng đài "Vòng tay đồng đội" trên đỉnh Pò Hèn

Trên đỉnh đồi Quế, cuộc chiến phòng vệ của Đồn Pò Hèn và 3 điểm chốt chống đỡ lớp lớp quân địch ào lên đã trở thành khúc bi tráng nhất trong bài ca bảo vệ cương thổ quốc gia của lịch sử. Ông Hoàng Như Lý, lúc đó là trinh sát viên của đồn, cùng với đồng đội liên tục nã đại liên và B40 xuống ngăn quân địch tràn lên. Các chiến sĩ biên phòng bình tĩnh, quyết đoán, chờ quân địch tiến sát hàng rào dây thép gai của đồn mới nổ súng. 4 lần địch dàn hàng ngay xông lên, 4 lần đều bị đánh hất xuống. Một toán địch cùng với chó chiến đấu mở đường máu xông vào cổng đồn thì bị quân ta đánh bọc sườn. Lịch sử Quảng Ninh ghi lại, binh nhì Nguyễn Mạnh Hà - xạ thủ đại liên - 3 lần địch ồ ạt xông lên chốt đều bị anh kìm lại bằng hỏa lực, tiêu diệt hơn 40 tên. Khi bị địch dùng B41 đánh văng khẩu đại liên, Hà nhảy lên khỏi mặt hào, kéo khẩu đại liên trở lại vị trí cũ và tiếp tục chiến đấu cho đến khi hy sinh.

Cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra ác liệt trên Đồi Quế, chiến sĩ ta dũng mãnh dùng lưỡi lê, báng súng lăn xả vào quần nhau với địch trong các giao thông hào. Nhiều đồng chí dùng cả vũ thuật tay không đánh địch, lăn xả vào cướp vũ khí. Sau gần 5 giờ, trong tình thế không cân sức, đạn hết, quân số thương vong lớn, đến 11 giờ 30 phút, địch chiếm được Đồn Pò Hèn, bắt giữ 2 chiến sĩ đã kiệt sức về bên kia biên giới. Vài tháng sau, các tù binh cuộc chiến được trao trả qua đường biên giới Lạng Sơn. Một người trong số đó chính là ông Hoàng Như Lý - người 40 năm sau mới có thể đau đớn kể lại rành rẽ cuộc chiến đấu trong một cuốn sách kí ức. Sự thật càng sáng tỏ rằng các chiến sĩ công an vũ trang đã chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng, không phải địch ập vào bất ngờ đánh úp đồn và nhanh chóng giết người chiếm doanh trại như đã từng hiểu lầm.

Di tích lịch sử Đài liệt sĩ Pò Hèn.
Di tích lịch sử Đài liệt sĩ Pò Hèn

Sau này, ông Lý và các cựu chiến binh mới biết rằng, địch phải mất 2 ngày để khiêng xác 280 tên lính về bên kia biên giới từ đỉnh Pò Hèn. Trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt, Đoàn Tiến Phúc - nhân viên cơ yếu của Đồn Pò Hèn - đã dũng cảm vừa tham gia chiến đấu cùng đơn vị, vừa bảo vệ an toàn tài liệu mật mã, vừa đảm bảo giữ vững liên lạc. Người chiến sĩ ấy cho tài liệu cần thiết vào túi xắc-cốt mang theo bên mình, hủy hết số còn lại. Khi bị thương nặng, anh vẫn cố giữ chặt túi tài liệu. Trước lúc hy sinh, anh nằm đè lên túi tài liệu nên địch không phát hiện được. Phúc đã giữ được nguyên vẹn tài liệu cơ mật. Khi đơn vị đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, túi tài liệu mật còn bê bết máu của người chiến sĩ cơ yếu.

Trong một canh giờ, một ngày của mùa xuân đất trời, linh hồn các chiến sĩ ta mãi mãi nằm lại ở Pò Hèn. Họ mãi được bên nhau trong khí xuân biên ải. Cô gái thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm - người yêu của một chiến sĩ biên phòng Đồn 209 khoác súng trường trên trận địa Pò Hèn năm ấy - cũng trở thành biểu tượng anh hùng. Ông Hoàng Như Lý kể, chính ông nhìn thấy Chiêm xách khẩu súng trường men theo đường mòn sau đồn xé rào chạy vào. Súng của cô bị hóc đạn, cô cầm một khẩu súng khác để chiến đấu tiếp. Người con gái ấy quyết không lui một bước nào trong suốt buổi sáng 17/2. Cô băng bó vết thương cho các thương binh, cầm súng đẩy lui quân địch và anh dũng hy sinh trong giao thông hào.

Ngày hôm nay, ông Lý lại cùng các cựu chiến binh về Pò Hèn thắp những nén nhang tưởng nhớ đồng đội. Đối với các cựu chiến binh, Pò Hèn là kí ức, đối với dân tộc Việt Nam, Pò Hèn mãi là bài ca bi tráng anh hùng.

Thúy Hằng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyễn Văn Liệu 18-02-2020 14:14:02

    Đọc bài này lại nhớ tới bài hát "Bông hoa hồng Chiêm" của Dân Huyền: 1- Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới
    Có bông hoa hồng chiêm thắm đẹp
    Dưới ánh nắng vàng khoe sắc bản làng
    Bông hoa hồng ấy chính là tên
    Mà tiếng thơm lưu muôn thưở
    Cô gái kiên trung
    Cuộc đời nêu sáng tấm gương
    Mang trong mình hào khí Trưng Vương
    Xinh tươi dịu dàng nhưng ngoan cường
    Vì nước non cô đã trở thành người dũng sĩ (ơ ơ)
    Gương diệt thù giữ đất Quảng Ninh
    Và hi sinh anh dũng
    Sông núi hát mãi chiến công này.

    2 - Bên hoa hồi hoa quế thơm rừng biên giới
    Có bông hoa hồng chiêm thắm đẹp
    Gió hát bướm bay bên núi Pò Hèn
    Dư âm còn mãi mãi ngợi khen
    Một chiến công nơi biên ải
    Thắng lũ xâm lăng gìn giữ sông núi mến thương
    Gương anh hùng ngời khắp quê hương
    Soi bao cuộc đời bao tâm hồn
    Càng sáng hơn tay súng vững vàng
    Cùng giữ nước (ớ ơ)
    Như nụ cười cô gái Hồng Chiêm
    Của tuổi xuân chiến thắng
    Tươi thắm đóa hoa anh hùng

    Sao dạo này không thấy đài tiếng nói Việt Nam phát bài hát này nhỉ./.

  • K Dũng 17-02-2020 10:12:39

    Chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc năm 1979-một cuốc chiến anh dũng, khốc liệt hào hùng xứng đáng ghi vào những trang vàng của lịch sử dân tộc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI