Truyền hình trả tiền và cuộc chơi không sòng phẳng tại Việt Nam

Bài 3: “Nếu không quản lý, các kênh xuyên quốc gia dễ thành nơi chống phá Nhà nước Việt Nam”

10/08/2020 - 19:08

PNO - Truyền hình trả tiền nước ngoài không cần cấp phép vẫn đưa được nội dung chương trình truyền hình, truyền thông vào Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung không được kiểm duyệt.

Truyền hình trả tiền và cuộc chơi không sòng phẳng tại Việt Nam

Những “kẻ lạ” đến sau nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, bất tuân mọi quy định tại đất nước sở tại. Một cuộc chơi không sòng phẳng giữa các kênh truyền hình trả tiền trong nước và các kênh truyền hình trả tiền ngoại diễn ra mà chẳng cần giấu giếm. Đề xuất sửa đổi quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đi hồi cuối năm ngoái, của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam hồi cuối tháng Bảy, và Cục Điện ảnh cũng đang tham mưu sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với tình hình… tất cả nhằm mục đích tạo ra một sân chơi “fair play” hơn.

Bài 1: Netflix tại Việt Nam: Bất lực quản lý?

Bài 2: Còn bao nhiêu “ông lớn” như Netflix tại Việt Nam?

Trong cuộc “xâm lấn” của truyền hình trả tiền (THTT) xuyên biên giới, các kênh THTT của Việt Nam đã và đang phải ứng phó một cách chật vật nhưng vẫn không giữ lại được khách hàng đã mất. Ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội THTT Việt Nam (ảnh) cho rằng, với “cuộc chiến” giành thị phần của THTT hiện nay, “cần thay đổi để tránh bảo hộ ngược”. Thậm chí, có quá nhiều mối nguy nếu ta không quản lý được nội dung của các kênh xuyên quốc gia này. 

Ông Lê Đình Cường

Phóng viên: Netflix, WeTV, iFlix… cũng như một số nền tảng THTT khác của nước ngoài đang phát triển mạnh ở Việt Nam với lượng đăng ký thuê bao ngày một tăng. Điều đó đã ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của các kênh THTT ở trong nước, thưa ông?

Ông Lê Đình Cường: THTT của Việt Nam phát triển từ hơn 20 năm nay, với thị trường rộng khắp trên cả nước. Cao điểm nhất là thời điểm từ 2008-2015, THTT phát triển khá tốt, làm được rất nhiều việc như nâng cao chất lượng chương trình, khai thác và cung cấp các kênh từ nước ngoài sau khi biên tập, biên dịch lại.

Thậm chí, từ năm 2012-2015, THTT của Việt Nam còn phổ cập đến 90% các địa bàn, kể cả vùng sâu vùng xa. Đến năm 2016, THTT của nước ngoài xuất hiện, thu hút một lượng lớn khách hàng. Năm 2016, các kênh đó đã chiếm khoảng 10-15% thị phần và tăng rất nhanh. Hiện tại rất nhiều địa bàn, truyền hình OTT của nước ngoài cạnh tranh với THTT trong nước một cách rất quyết liệt; đặc biệt ở các thành phố lớn, có thể chiếm đến 50% thị phần. 

* Nhưng trong cuộc chiến này, họ vẫn là người đến sau?

- Đến sau nhưng họ có lợi thế là không xin phép, không cần cấp phép vẫn đưa được nội dung chương trình truyền hình, truyền thông vào Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung không được kiểm duyệt và người dân chỉ phải trả phí trên các kênh đó rất thấp. Ngoài ra, các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh, cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ về phim điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, các giải thể thao, giải bóng đá hấp dẫn thế giới mà không được xem xét kiểm soát về nội dung, đặc biệt là các chương trình phát trực tiếp.

* Xin hỏi ông, các kênh THTT trong nước đang phải chịu sự kiểm duyệt ra sao?

- Các kênh THTT trong nước hoạt động theo đúng pháp luật quy định và bị quản lý bởi Nghị định 06/2016/NĐ-CP (Nghị định 06), xin cấp phép số kênh sẽ phát. Ngoài ra, trước khi đưa nội dung nước ngoài lên mạng phải thông qua một đài/đơn vị có trách nhiệm được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép thực hiện biên tập, biên dịch. Ví dụ khi tôi mua một gói kênh của Qnet - một đơn vị khai thác phim nước ngoài, muốn đưa vào Việt Nam phải thông qua thông tấn xã Việt Nam để phê duyệt, biên tập, chuyển ngữ. 

Từ sai lầm Netflix chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc, đặt ra vấn đề hậu kiểm nội dung đối với kênh truyền hình này để các vi phạm không phải là “sự đã rồi”
Từ sai lầm Netflix chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc, đặt ra vấn đề hậu kiểm nội dung đối với kênh truyền hình này để các vi phạm không phải là “sự đã rồi”

* Có vẻ đó là sự thiếu công bằng, sòng phẳng và THTT trong nước đang chịu lép vế trên chính sân nhà?

- Hoàn toàn không công bằng. Nếu tình trạng này còn kéo dài, nó sẽ trở thành sự “bảo hộ ngược” cho các kênh THTT xuyên biên giới. Trong khi các đơn vị trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt thì các đơn vị nước ngoài không những không thực hiện các quy định cần thiết mà còn vi phạm pháp luật và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam. Gần đây nhất là việc Netflix đưa vào nội dung tuyên truyền phản động, xuyên tạc lịch sử, thậm chí là không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam, tuyên truyền kích động bạo lực, khiêu dâm, ma túy… cho giới trẻ. Tôi cho rằng đây là những vi phạm không thể khoan nhượng và phải kiên quyết xử lý nghiêm.

* Suốt gần hai năm nhưng không thể xử lý và yêu cầu dừng các nội dung sai quy định của pháp luật?

- Không có cách nào ngoài việc Cục PTTH-TTĐT rà soát rồi yêu cầu họ gỡ.

* Quá nhiều mối nguy nếu chúng ta không quản lý được nội dung của các kênh xuyên quốc gia, thưa ông?

- Đây có thể là nơi để kẻ xấu lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

* Liệu có cách nào để lấy lại sự cân bằng và đảm bảo vị thế của các kênh THTT trong nước?

- Trong ba năm nay đã có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước. Nhà nước cũng đã có hơn 20 cuộc hội thảo về vấn đề sửa đổi bổ sung Nghị định 06 để làm cơ sở cấp phép, quản lý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước.

Mới đây, Hiệp hội THTT Việt Nam cũng có văn bản gửi Thủ tướng yêu cầu khẩn thiết đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý khác liên quan kiến nghị sớm hoàn thiện văn bản pháp lý là Nghị định 06 sửa đổi bổ sung; để quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới. Đồng thời quản lý, cấp phép cho tất cả các đối tượng trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật khi thực hiện cung cấp dịch vụ THTT trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong kiến nghị của hiệp hội cũng nêu rõ, nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn, chưa có công cụ quản lý hữu hiệu thì cần tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như: Netflix, iFlix, Amazon, Facebook (Mỹ), WeTV, iQIYI (Trung Quốc)…

* Xin trân trọng cảm ơn ông.

 An Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI