Truyền hình trả tiền và cuộc chơi không sòng phẳng tại Việt Nam

Bài 1: Netflix tại Việt Nam: Bất lực quản lý?

10/08/2020 - 08:02

PNO - Dù chính thức hoạt động tại Việt Nam đã nhiều năm nhưng đến nay, Netflix vẫn chưa có giấy phép. Cơ quan chức năng thấy rõ sai phạm về mặt pháp lý của Netflix nhưng ngoài công tác hậu kiểm, buộc gỡ nội dung đăng tải vi phạm đến chủ quyền lãnh thổ, lịch sử, trái thuần phong mỹ tục… những cơ quan liên quan đều “bó tay” trước hoạt động trái phép của Netflix.

Truyền hình trả tiền và cuộc chơi không sòng phẳng tại Việt Nam

Những “kẻ lạ” đến sau nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, bất tuân mọi quy định tại đất nước sở tại. Một cuộc chơi không sòng phẳng giữa các kênh truyền hình trả tiền trong nước và các kênh truyền hình trả tiền ngoại diễn ra mà chẳng cần giấu giếm. Đề xuất sửa đổi quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đi hồi cuối năm ngoái, của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam hồi cuối tháng Bảy, và Cục Điện ảnh cũng đang tham mưu sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với tình hình… tất cả nhằm mục đích tạo ra một sân chơi “fair play” hơn.

Thả nổi cho Netflix tung hoành? 

Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2016, đến tháng 10/2019, Netflix đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bằng việc thực hiện chuyển ngữ sang tiếng Việt toàn bộ phim chiếu trên hệ thống. Trước đó, các thuê bao tại Việt Nam xem phim không có phụ đề. Ngoài ra, Netflix “bắt tay” với các nhà sản xuất phim trong nước đẩy một lượng lớn phim Việt lên hệ thống, phục vụ khán giả. 

Từ sai lầm Netflix chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc, đặt ra vấn đề hậu kiểm nội dung đối với kênh truyền hình này để các vi phạm không phải là “sự đã rồi”
Từ việc Netflix chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc, đặt ra vấn đề hậu kiểm nội dung đối với kênh truyền hình này để các vi phạm không phải là “sự đã rồi”

Theo thống kê của Statista (một công ty chuyên về thống kê của Đức), tính đến nửa năm 2020, ứng dụng xem phim trả tiền lớn nhất thế giới có hơn 192 triệu thuê bao, trong đó, có gần 73 triệu thuê bao tại Mỹ, còn lại là người dùng từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, con số người dùng Netflix tại thời điểm hiện tại không được công bố. Nhưng số liệu từ tháng 10/2018, ước tính có hơn 300.000 thuê bao sử dụng với ba mức phí có thể lựa chọn từ 180.000-260.000 đồng/tháng. Người dùng trong nước trực tiếp thanh toán cước phí qua thẻ cho Netflix.

Cho đến nay, sau từng đó năm hoạt động tại Việt Nam, đánh dấu bằng buổi lễ ra mắt ứng dụng, thu tiền người dùng, truyền thông rầm rộ thì theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Cục PTTH-TTĐT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Netflix vẫn chưa có giấy phép hoạt động. 

Trong văn bản mới nhất gửi đến Netflix, Cục PTTH-TTĐT khẳng định nếu Netflix có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp thì cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Thiết nghĩ, không phải “Netflix có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam” hay không vì thực tế, đơn vị này đã và đang hoạt động trái phép. Do vậy, cơ quan chức năng không thể thả nổi Netflix như thời gian vừa qua mà phải có biện pháp bắt buộc đơn vị này thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép hoạt động.

Netflix công bố giao diện và phụ đề tiếng Việt cho người dùng tại Việt Nam tháng 10/2019
Netflix công bố giao diện và phụ đề tiếng Việt cho người dùng tại Việt Nam tháng 10/2019

Netflix đang gây ra cuộc tranh cãi lớn trên thế giới

Không riêng tại Việt Nam, Netflix đang gây ra cuộc tranh cãi lớn khi hoạt động trái phép tại nhiều lãnh thổ. 

Tại Hàn Quốc, từ năm 2018, những phản ứng về việc Netflix không đóng thuế, hoạt động trái phép đã xảy ra nhưng đến năm 2020, chính phủ Hàn Quốc mới quyết liệt hành động. Tháng 3/2020, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) tiến hành điều tra dịch vụ phát trực tuyến Netflix vì từ chối trả phí sử dụng mạng cho các nhà cung cấp dịch vụ internet địa phương (ISP).

Trước đó, dù Netflix bị phản ứng tại Hàn Quốc nhưng cơ quan quản lý chống độc quyền của xứ kim chi vẫn giữ im lặng. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng người đăng ký Netflix tăng vọt từ 400.000 người (năm 2018) lên tới 2,8 triệu người vào tháng 3/2020, dẫn đến tình trạng quá tải về lưu lượng mạng và SK Broadband, một đơn vị của nhà mạng di động hàng đầu SK Telecom, đã yêu cầu công ty trả phí mạng.

Theo nhóm Liên minh Công lý kinh tế (CCEJ), chính phủ Hàn nên yêu cầu Netflix phải trả phí mạng như các nhà cung cấp nội địa khác. Cụ thể, các công ty địa phương như Naver và Kakao đã trả phí hằng năm lần lượt là 70 tỷ won và 30 tỷ won cho các ISP trong nước. Trong khi đó, Netflix chỉ trả phí sử dụng mạng ở Mỹ và Pháp. 

Về phía Netflix, họ cho biết đã ký thỏa thuận sử dụng mạng với một số ISP trong nước và họ không có nghĩa vụ phải trả phí thêm.

Tranh cãi tiếp tục kéo dài cho đến ngày 31/7, KT (dịch vụ mạng internet tại Hàn Quốc) xác nhận đã đạt được thỏa thuận hợp tác nội dung với Netflix, nhưng các quan chức KT từ chối tiết lộ chi tiết hợp đồng. 

Chung Thu Hương 

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục PTTH-TTĐT cho biết: “Netflix là dịch vụ xuyên biên giới, mang tính chất toàn cầu. Netflix chưa khẳng định tham gia thị trường Việt Nam nên họ chưa xin giấy phép”. Ông Hà Yên không xác nhận thông tin cụ thể về thời gian Netflix hoạt động chính thức tại Việt Nam, song ông cho rằng bất cứ một dịch vụ xuyên biên giới nào nếu muốn được công nhận hoạt động đều phải căn cứ vào giấy phép, còn việc tồn tại trong bốn năm như báo chí nói, ông cho rằng thiếu cơ sở. 

Không khó để xác định Netflix đã hoạt động tại Việt Nam trong khoảng thời gian dài nhưng đến bây giờ mới chỉ cho rằng Netflix “có nhiều biểu hiện cho thấy dịch vụ này đang tham gia tại thị trường Việt Nam, cho nên, các cơ quan chức năng phải có động thái thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước” thì phải chăng quá chậm và quá muộn?

Quản lý khi sự đã rồi?

Trong công văn gửi Netflix mới đây, Cục PTTH-TTĐT khẳng định nội dung Netflix cung cấp đến người dùng Việt Nam đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Trên Netflix có nội dung xuyên tạc lịch sử trong phim tài liệu Vietnam War, xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam trong phim điện ảnh Madam Secretary, nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm trong các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình như Polar, After porn end, 365 days… Các nội dung này không được biên tập để phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Việc chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt, không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em.

Được yêu cầu gỡ từ cuối tháng 7/2020 nhưng đến ngày 9/8, trên Netflix vẫn còn các nội dung liên quan đến yếu tố khiêu dâm, bạo lực như Polar, After porn end, 365 days… Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền, Cục PTTH-TTĐT nói: “Những phim liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, chính trị, lịch sử thì Netflix đã tháo gỡ. Còn những phim có yếu tố khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, phía Netflix cho rằng đối với văn hóa Mỹ thì những cảnh quay như các phim mà cục nêu ra là bình thường. Tôn trọng ý kiến từ Netflix nhưng ở lãnh thổ Việt Nam, Netflix phải rà soát và gỡ những nội dung trái thuần phong mỹ tục”.

 Netflix đang cung cấp hàng ngàn nội dung khác nhau
Netflix đang cung cấp hàng ngàn nội dung khác nhau

Khi hỏi Cục PTTH-TTĐT có quy định về thời gian để Netflix hoàn tất rà soát, có biện pháp đối với các phim được cho là trái thuần phong mỹ tục hay không thì ông Chấn khẳng định văn bản của cục như một lời cảnh báo, yêu cầu đơn vị phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Còn về việc rà soát, thực hiện, ông Chấn nói Netflix cần thời gian. Ông thừa nhận không có quy định thời gian cụ thể nên nếu Netflix thực hiện chậm, Cục PTTH-TTĐT sẽ tiếp tục có cách xử lý khác.

Cho đến nay, chỉ khi những sai phạm của Netflix bị người xem phát hiện và phản ứng, cơ quan chức năng mới biết để xử lý. Việc hậu kiểm nội dung đối với Netflix và một số dịch vụ xem phim trực tuyến chỉ là bước đi sau của cơ quan chức năng khi “sự đã rồi”. Điều này đặc biệt nguy hiểm với các nội dung sai phạm về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nội dung có liên quan đến chính trị, lịch sử. Đã đến lúc phải có một hành lang pháp lý để đặt các nền tảng trực tuyến nước ngoài vào khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Có lẽ đây là việc cần làm ngay, không thể tiếp tục chờ đợi. 

 Diễm Mi

Bài 2: Còn bao nhiêu “ông lớn” như Netflix tại Việt Nam?

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI