Bác sĩ “đau đầu” vì bệnh nhân dùng mỹ phẩm trôi nổi

16/05/2025 - 06:15

PNO - Việc điều trị bệnh nhân dùng mỹ phẩm “dỏm” bị biến chứng hết sức khó khăn với các bác sĩ do không rõ thành phần của các loại mỹ phẩm trôi nổi này.

Thai phụ “nát mặt” vì kem trị mụn

Từ ngày mang thai, chị H.T.K. (ở TP Hà Nội) bị nổi nhiều mụn nhỏ trên mặt. Nghe tư vấn của một cơ sở spa, chị dùng thuốc bôi vì tin lời quảng cáo sẽ “đánh bay mụn”. Tuy nhiên, sau khi bôi, chị bị kích ứng, đỏ rát nhiều ở mặt. Quá lo lắng, chị dừng bôi loại kem này và mua 1 sản phẩm kem bôi khác để làm dịu da mặt. Hậu quả, bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì những tổn thương trầm trọng.

Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh khám da cho bệnh nhân
Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh khám da cho bệnh nhân

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho hay, khi thăm khám, bệnh nhân vô cùng hoảng sợ bởi khuôn mặt như bị “băm nát”, chảy dịch. Bệnh nhân nghi ngờ mình đã dùng phải mỹ phẩm “dỏm”.

Chị L.T.H. (ở TP Hà Nội) thì đặt hàng mỹ phẩm chăm sóc da trên nhóm mua bán online với giá chỉ bằng 1/2, hoặc 1/3 so với giá tại cửa hàng chính hãng. Thời gian đầu sử dụng, chị rất hài lòng vì da trắng nhanh, mềm mịn, căng mướt. Nhưng sau nửa năm, da chị bắt đầu nổi mụn, sẩn đỏ, có cảm giác nóng, châm chích. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện, da của bệnh nhân có tình trạng giãn mạch, không đều màu và có phần sạm loang lổ ở gò má. Đây là một trong những biểu hiện điển hình của hội chứng nghiện corticoid trên da.

Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh cho biết, thời gian qua, Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng liên tiếp nhận các trường hợp biến chứng sau khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi. Cụ thể, tuần nào cũng ghi nhận các trường hợp đến khám vì bất thường do sử dụng mỹ phẩm. Bệnh nhân tới viện trong tình trạng viêm da tiếp xúc như đỏ ửng, ngứa, chảy dịch... “Mỹ phẩm nào cũng có thể gây kích ứng. Nhưng, với sản phẩm giả, kém chất lượng, hậu quả thường nặng nề hơn do được phối trộn corticoid hay kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen)” - bác sĩ Vũ Nguyệt Minh nói.

Việc điều trị rất khó khăn

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các đường dây sản xuất mỹ phẩm giả, nhái quy mô lớn. Đầu tháng 5/2025, Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang một cơ sở sản xuất đang đóng gói gần 2.500 sản phẩm mỹ phẩm giả, từ kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn, xịt khử mùi... Ngoài ra, cơ sở này vẫn còn gần 10.000 chai, lọ; hàng triệu vỏ bao bì các loại. Việc sản xuất mỹ phẩm giả được xác định thực hiện từ cuối năm 2024. Tới thời điểm phát hiện, cơ sở này đã bán ra hơn 100.000 đơn hàng, tổng doanh thu 6 tỉ đồng.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện hơn 35.000 sản phẩm mỹ phẩm, ước lượng khoảng hơn 6 tấn, không có hóa đơn, xuất xứ hàng hóa. Trong đó chủ yếu là kem dưỡng da, son môi, phấn, kem chống nắng, kem làm trắng răng, tinh dầu...

Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, hầu hết bệnh nhân đều mang sản phẩm tới bệnh viện sau khi gặp kích ứng, nhưng các bác sĩ cũng không thể nhận định được sản phẩm là thật hay không. “Với một sản phẩm được bác sĩ da liễu kê, nếu da có kích ứng, chúng tôi nắm được các thành phần trong đó và có hướng điều trị phù hợp. Tuy nhiên, với sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần in trên bao bì có thể khác với thực tế. Lúc này, bác sĩ rất khó khăn vì không biết điều trị thế nào cho chuẩn”.

Đánh vào xu hướng làm trắng da, chống lão hóa, các sản phẩm giả, nhái, tự chế thường chứa corticoid, kim loại nặng. Ngộ độc corticoid có các biểu hiện khá điển hình, làn da bệnh nhân thường mỏng, đỏ, mụn sẩn, nóng rát... Sử dụng corticoid lâu dài có cơ chế như “gây nghiện”, chỉ cần dừng lại, da sẽ kích ứng nặng nề hơn. Do đó, bác sĩ sẽ “cai” corticoid bằng cách hạ dần liều dùng cho bệnh nhân.

Tuy vậy, với các loại mỹ phẩm có chứa kim loại nặng, hầu như da không phản ứng tức thì mà tiến triển âm thầm, lâu dài. Điều này nguy hại tới sức khỏe người dùng, đặc biệt là gây nguy cơ ung thư da. “Ví dụ, sản phẩm có chứa asen (thạch tín) thường không biểu hiện ngay, nhưng dùng 10 năm có thể gây ung thư. Biểu hiện ung thư da trong ngộ độc asen rất rõ, thường là đa ung thư - tức ung thư xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể” - bác sĩ Vũ Nguyệt Minh cảnh báo.

Ngoài ra, còn có nhiều tác nhân khác có thể gây kích ứng, biến chứng trên da như sản phẩm bị nhiễm khuẩn, chứa tạp chất, vượt quá nồng độ chất cho phép... Do đó, người dân cần cẩn trọng khi mua, dùng mỹ phẩm để giảm thiểu rủi ro.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI