Bác sĩ chỉ cách phân biệt con sam với con so để tránh ngộ độc

17/03/2020 - 07:00

PNO - Liên tục trong 2 ngày, các bệnh viện tiếp nhận đến 8 bệnh nhân đưa vào cấp cứu do ăn so biển nhưng trước đó người dân tưởng mình ăn sam biển.

Độc tố cực mạnh

Bệnh nhân bị ngộ độc so biển điều trị ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh)
Bệnh nhân bị ngộ độc so biển điều trị ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh)

Tại Bệnh viện (BV) Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), bệnh nhân Đỗ Văn B. (ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng nôn mửa, lơ mơ sau khi ăn so biển. Anh B. kể, do nhà ở ven biển nên khi thấy người dân bày bán con so liền mua về chế biến ăn. Sau khi ăn khoảng 2-3 tiếng, anh bắt đầu thấy tê đầu lưỡi, toàn thân mỏi mệt, nôn mửa, lơ mơ nên được người nhà đưa đi cấp cứu. 

Hiện thế giới ghi nhận bốn loài sinh vật biển thuộc họ sam. Riêng các vùng biển Việt Nam xuất hiện phổ biến nhất là loài Tachypleus tridentatus (còn gọi con sam hay sam đuôi tam giác…) có nhiều từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận và loài Carcinoscorpius rotundicauda cực độc (còn gọi con so hay sam lông, sam đuôi tròn, một số nơi gọi là sam nhỏ…) thường sống ven biển trải dài cả nước.

Ngay khi bệnh nhân B. nhập viện ngày 7/3, các bác sĩ nhanh chóng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính kết hợp truyền dịch, dùng thuốc tăng cường chuyển hóa chất độc. Sau hai ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân B. dần ổn định.

Theo bác sĩ Vũ Công Quân, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do ăn con so biển. Nhiều ca rơi vào trạng thái hôn mê sâu, phải tiến hành thở máy, lọc máu liên tục; thậm chí có ca tử vong. Riêng bệnh nhân B. sớm hồi phục do ăn lượng ít và đã nôn ra một phần, đồng thời cấp cứu kịp thời.

Không may mắn như anh B., gia đình anh Dương Minh T. (xã Thanh An, H.Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) mãi mãi mất đi con gái tám tuổi sau khi mua so biển về ăn. Trước đó, gia đình anh du lịch Vũng Tàu. Trên đường về nhà, thấy người ta bán con so nhưng anh tưởng con sam nên mua 5 con.

Tối 9/3, vợ chồng anh, hai con (Dương Minh Tr. 14 tuổi và bé gái Dương Ngọc Tr. tám tuổi), hai người cháu và một người hàng xóm cùng ăn 5 con so nướng. Ăn xong được một lúc, cả bảy người đau bụng dữ dội nên được đưa đến BV Đa khoa Cao su Dầu Tiếng cấp cứu. Tuy nhiên, cháu Dương Ngọc Tr. đã tử vong. Những người còn lại được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi Đồng thành phố (TP.HCM), phân tích, trong con so biển có độc tố tetrodotoxin giống độc tố của cá nóc, bạch tuộc vòng xanh và cóc. Độc tố này cực mạnh, tác động vào hệ thần kinh gây liệt các chi, ứ đọng đàm nhớt không khạc ra được và liệt cơ hô hấp dẫn đến thiếu ô-xy khiến bệnh nhân sùi bọt mép và chết vì ngưng thở.

Hiện y khoa chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với độc chất tetrodotoxin. Thông thường, bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc tăng sức cơ, sử dụng than hoạt tính, lọc máu để đào thải chất độc…

Người ăn thịt con so bị ngộ độc nặng hay nhẹ phụ thuộc vào hàm lượng chất độc đã ăn từ thịt con so hoặc cân nặng của cơ thể so với độc chất ăn vào.

Với những ca bệnh nhẹ, người bệnh thường chỉ tê đầu lưỡi, nôn mửa, mệt mỏi và điều trị vài ngày có thể xuất viện. Nhưng ở ca nặng sẽ sớm rơi vào hôn mê; lúc này, bệnh nhân phải được điều trị và thở máy suốt hai tuần.

Làm sao phân biệt so biển với sam biển?

Bác sĩ Bạch Văn Cam, Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, các trường hợp ngộ độc tại Việt Nam thực tế là do ăn con so chứ không phải con sam. Y văn thế giới chưa ghi nhận ca ngộ độc do con sam. Người dân bị ngộ độc con so do hình dáng bên ngoài con sam và con so giống nhau; thậm chí một số nơi gọi con so là con sam nhỏ (do con so có kích cỡ nhỏ hơn con sam).

Đặc điểm phân biệt dễ nhất giữa con so và con sam là quan sát hình dạng đuôi. “Để dễ nhớ nhất khi phân biệt đuôi con sam hay con so, các bác sĩ thường ví von rằng, sam là tam (tam giác), so là o (chỉ hình tròn)”, bác sĩ Bạch Văn Cam chia sẻ. Trên mình con sam có nhiều khoanh tròn dọc từ đầu đến đuôi, còn khoanh tròn trên mình so biển thường cách đuôi từ 3-4cm. Đồng thời, con so có kích thước nhỏ, thường nặng chưa tới 1kg. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm, con sam thường đi một cặp, con đực có kích thước nhỏ hơn và bám trên lưng con cái nên dân gian có câu “dính như sam”; trong khi con so đi một mình hoặc đi đôi. 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, chất độc tetrodotoxin ở con so tập trung ở gan, nội tạng, da và tuyến sinh dục. Chất độc này ở con cái nhiều hơn con đực (vì nồng độ độc tố có chứa rất nhiều ở buồng trứng). Tetrodotoxin tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy khi nấu chín hay phơi khô, sấy, và hấp thu nhanh qua đường ruột, dạ dày chỉ trong vòng 5-15 phút. Do đó, tốt nhất người dân không nên ăn con so, dù nhiều người khẳng định biết cách chế biến như cá nóc cũng không nên ăn. 

Ứng phó khi có người ngộ độc so biển

Khi gặp nạn nhân bị ngộ độc so biển, người xung quanh cho nạn nhân nằm nghiêng một bên để đàm nhớt chảy ra. Ngay sau đó, chuyển nạn nhân đến BV cấp cứu. Chất độc tetrodotoxin cực mạnh, không thể dùng các biện pháp dân gian như: móc họng cho ói, cạo gió hoặc áp dụng các “chiêu” giải độc trúng thực…

Việc bệnh nhân được cứu sống hay không phụ thuộc vào thời gian nhập viện và điều trị kịp thời. Nếu nhập viện trễ, dù cứu được bệnh nhân cũng dễ rơi vào đời sống thực vật do thiếu ô-xy lên não quá lâu.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI