Bác sĩ Cần Thơ không hiểu vì sao một số bệnh viện vẫn sử dụng thuốc tê đã được cảnh báo

23/11/2019 - 11:33

PNO - Bác sĩ Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết ngày 19/7/2019, Bộ Y tế đã có công văn nhắc nhở nhưng không hiểu sao vẫn được sử dụng ở một số bệnh viện khác.

Bác sĩ CKII Trần Huỳnh Đào - Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - cho biết, năm 2018, Sở Y tế tỉnh Cần Thơ trúng thầu thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy sản xuất ở Ba Lan.

Tuy nhiên loại thuốc gây tê tủy sống này có nhiều điểm lạ như bao bì để trần trụi chứ không được đóng gói vô trùng. Chưa kể, thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy của Ba Lan có giấy phép nhập khẩu nhưng lại sơ sài, không giống chuẩn châu Âu, phải tinh khiết, đạt vô khuẩn.

"Khi nhìn loại thuốc này, tôi đã đề xuất với giám đốc bệnh viện là không nên sử dụng. Và với cương vị Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL, tôi không đồng ý cho sử dụng loại thuốc này", bác sĩ Đào nói.

Bac si Can Tho khong hieu vi sao mot so benh vien van su dung thuoc te da duoc canh bao
Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nơi xảy ra vụ việc 2 sản phụ tử vong, một nguy kịch

Cũng theo bác sĩ Đào, sau khi dùng loại thuốc gây tê tủy sống này chỉ vài tháng, tại 2 bệnh viện ở Long An, Bến Tre đã có bệnh nhân tử vong.

Nhận thấy tính an toàn của thuốc này không đảm bảo nên sau đó, Sở Y tế Cần Thơ và các tỉnh tại ĐBSCL đã có công văn đề xuất với Công ty Dược phẩm Trung ương 1 đổi loại thuốc này sang các loại có thương hiệu mà các bệnh viện quen dùng từ nhiều năm qua.

Ngày 19/7/2019, Cục Quản lý Dược đã có công văn nhắc nhở và thu hồi 1 lô thuốc nhưng không hiểu sao hiện loại thuốc gây tê này vẫn được sử dụng ở một số bệnh viện.

Cụ thể, sau khi Sở Y tế Hà Nội gửi báo cáo về chất lượng của lô 02DB0718 - thuốc tiêm Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy, Cục Quản lý Dược gửi công văn số 12329/QLD-CL đến Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và TP.HCM cùng Công ty Cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 đề nghị công ty này phải thông báo tạm dừng ngay việc sử dụng lô thuốc tới tất cả các cơ sở kinh doanh, bệnh viện, phòng khám.

Còn 2 sản phụ tử vong ở Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng nghi do thuốc gây tê tủy sống Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy lại có số lô 01DB0619.

Trước sự cố này, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho hay sở đã báo cáo ngay cho Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan, đồng thời tiến hành tìm kiếm nguyên nhân.

Bà Yến khẳng định rất khó xảy ra tình huống sử dụng thuốc hết hạn. Trước mắt, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ tìm thuốc thay thế loại thuốc gây tê này, các loại thuốc thay thế sẽ nằm trong vòng kiểm soát đặc biệt.

Liên quan đến nghi vấn sản phụ tử vong, nguy kịch do dùng thuốc gây tê tủy sống, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay muốn quy kết do thuốc hay không phải chờ chứng cứ khoa học vì nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương dùng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy số lượng lớn vẫn thấy đảm bảo.

Như Báo Phụ Nữ đã đưa tin, trong chưa đầy một tháng có 3 sản phụ đến Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng sinh con bằng phương pháp gây tê tủy sống đã xảy ra tai biến sản khoa khiến 2 sản phụ tử vong, người còn lại nguy kịch, đang được tích cực cứu chữa.

Chủ tịch UBND Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Ngày 23/11, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản kết luận về vụ việc 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ nguy kịch nghi do thuốc gây tê tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.

Theo đó, trong vụ việc trên, Sở Y tế Đà Nẵng chưa chủ động trong việc nắm bắt thông tin từ địa phương để kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm, không để xảy ra các trường hợp tương tự; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với những ca vượt khả năng xử lý.

Sở Y tế phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Dược, chú trọng công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên lựa chọn những loại thuốc tốt nhất đặc biệt là thuốc gây tê, gây mê; làm việc với công ty cung ứng thuốc về lô thuốc gây tê Bupivacaine.

Ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị Sở Y tế nhanh chóng thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định để đánh giá và có kết luận chính thức về vụ tai biến sản khoa.

Ông cũng yêu cầu Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng rút kinh nghiệm trong việc chẩn đoán lâm sàng, kịp thời chuyển lên tuyến trên những ca vượt khả năng xử lý, điều trị. Đồng thời rà soát, xem lại quy trình, trang thiết bị và các điều kiện liên quan đến việc khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn xử lý chuyên môn theo quy định đối với các ca mổ sinh, tai biến sản khoa, cấp cứu.

Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cần tập trung chăm sóc, điều trị đặc biệt đối với sản phụ và các bé sơ sinh trong các vụ tai biến trên.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI