Ba muốn viết di chúc để đất cho con...

08/04/2025 - 11:30

PNO - Tôi thầm mong, dù thương tôi đến mấy, xin ba hãy nghĩ cho bản thân trước. Chỉ khi ba mẹ khỏe mạnh, hạnh phúc, con cái mới thực sự an lòng và có thể cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Con à! Ba muốn viết di chúc. Cuộc đời ba không có gì ngoài mảnh đất để lại cho 2 đứa con gái”. Đã nhiều lần kể từ khi ba bắt đầu có dấu hiệu của những căn bệnh tuổi già, ba tôi càng sốt ruột trong việc viết di chúc. Trong những cuộc điện thoại, dẫu hỏi tôi ăn cơm chưa, gia đình nhỏ đang làm gì…, sau cùng ba đều nhắc lại nguyện vọng của ông. Tôi hiểu những lời hối thúc đó, bởi ba muốn tôi có điểm tựa kinh tế sau khi ba qua đời.

Vậy nhưng ba nào có hiểu, sâu thẳm trong lòng tôi chỉ mong những tháng ngày tuổi già của ông được thong thả. Tôi không muốn ba phải như xưa “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cũng không thể quên những bữa cơm nghèo khó, ba nhường cho tôi miếng thịt cá, còn mình chỉ với chén cơm ăn cùng xương, mỡ.

Tôi nhớ mùa nắng nóng đầu hạ hay cơn buốt lạnh mùa đông trong những ngày ba tảo tần trên đồng, trên rẫy. Những ký ức ấy khiến tôi luôn ám ảnh vì những nhọc nhằn trên tấm lưng ba. Tôi hiểu thấu những trăn trở trong lòng ba. Với ba, việc để lại gia tài như bánh xe dự phòng ba muốn trang bị cho tôi, sợ rằng đường đời gập ghềnh, tôi sẽ chới với.

Quan niệm "tấc đất tấc vàng" bao đời nay vẫn nặng trĩu trong tâm can ba. Cả đời ba mẹ đã chắt chiu, nhịn ăn, nhịn mặc cũng chỉ mong vun vén cho con. Nhưng liệu đó có thực sự là điều những đứa con mong mỏi? Hay chính những ngày tháng tuổi già của ba mẹ được bình an, khỏe mạnh, tận hưởng những niềm vui giản dị mới là ước nguyện sâu xa nhất của người làm con? Tôi thầm mong, dù thương tôi đến mấy, xin ba hãy nghĩ cho bản thân mình trước.

Tôi không thể nào quên hình ảnh người bạn gục ngã bên chiếc quan tài lạnh lẽo trong tang lễ mẹ. Giữa tiếng khóc nghẹn ngào và tiếng kèn tây ai oán, tôi cảm nhận sâu sắc nỗi đau tột cùng của bạn. Bạn kể, chỉ 6 tháng trước, sau ngày cưới, bạn và chồng vội vã trở lại thành phố làm việc. Những bộn bề cuộc sống, rồi tin vui có em bé khiến bạn ít có dịp về thăm mẹ. Vài lần gọi về, qua màn hình điện thoại, bạn thoáng thấy mẹ khẽ đặt tay lên ngực, khó nhọc thở rồi lại tỏ ra vẫn ổn.

Bạn giục mẹ lên thành phố khám, nhưng bà luôn bảo đã bác sĩ ở quê nói không sao. Đến khi nhận cuộc điện thoại của người dì, bạn mới bàng hoàng biết mẹ đã mang trong mình bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Mẹ giấu kín vì sợ bạn lo lắng, và hơn hết, mẹ muốn dành trọn vẹn những gì mình có cho bạn. Giây phút cuối đời, mẹ vẫn dặn dò về một đám tang giản dị, chiếc áo quan rẻ tiền nhất để tiết kiệm cho bạn. Những lời tâm nguyện ấy càng khiến bạn xót xa.

Với bạn, cũng như với nhiều người con khác, gia tài vô giá của ba mẹ không nằm ở những vật chất hữu hình. Đó là những bữa cơm nóng hổi, mẹ luôn cố gắng vun vén cho đủ đầy dinh dưỡng. Là đôi tay dịu dàng ru con say giấc, rồi miệt mài lao động không ngừng nghỉ. Là những đêm mẹ thao thức từ khi con còn nằm nôi đến tận lúc trưởng thành. Và gia tài của ba, đó là vòng tay ấm áp, là bờ vai vững chãi luôn sẵn sàng che chở, động viên con vượt qua khó khăn.

Tôi mạnh dạn chia sẻ với ba những suy nghĩ thật lòng, rằng số tiền ba mẹ tiết kiệm cả đời hãy cứ để làm "của để dành" cho mình, để ba mẹ có thể thoải mái thưởng thức món ngon, thực hiện những chuyến đi và có nguồn lực tài chính vững chắc để đối diện với những lúc ốm đau.

Ba nói tôi “bị Tây hóa", nhưng tôi tin rằng, dù ở nền văn hóa nào, sống cho bản thân mình trước tiên không hề ích kỷ. Chỉ khi ba mẹ khỏe mạnh, hạnh phúc, con cái mới thực sự an lòng và có thể cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI