Ba lần đi tìm Hồ Dzếnh

28/01/2017 - 07:30

PNO - Quái lạ, suốt bao nhiêu năm làm báo ở Hà Nội, bao nhiêu lần đạp xe qua phố Hòa Mã, mà sao mình không biết ở đó có nhà của thi sĩ Hồ Dzếnh?

GIỮA CHỢ … KHÔNG AI HỎI?

Đó là câu hỏi có phần ngạc nhiên và ân hận, khi tôi xin được địa chỉ của nhà ông. Lúc này đã vào năm 1991 - những năm đầu Việt Nam mở cửa, đã mấy năm bước vào Đổi mới rồi, nhưng đất nước vẫn còn nghèo. Các ký giả phương Tây tả Việt Nam, “Nơi gặp gỡ lạ lẫm giữa Đông và Tây”… “Xóm ổ chuột, phụ nữ chẻ tre, bán trái cây, làm ruột cá. Đàn ông thu gom sắt vụn, sửa nhà cửa…”.

Trời Hà Nội vừa nắng gắt đã chuyển mưa nên nhiều người bị cảm cúm thành dịch giữa mùa hè. Vợ nhà thơ cũng bị cúm nên quán sách của ông bà đóng cửa. Hồ Dzếnh đi vắng. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhật phác họa vài nét tính cách cá tính của nhà văn với vài lời ngắn gọn:

“Nghĩ đến ăn là sợ. Có lẽ một ngày bữa ăn quan trọng nhất của nhà tôi là sáng sớm, một bát phở hàng quen, cho rất ít bánh. Ông bị hen phế quản nên khó thở và yếu. Đêm không ngủ được, cứ kêu thừa thì giờ phí quá, lại ngồi viết”.

Rồi bà như giải thích: tính tình âm thầm trầm lặng ít phô phang, không bao giờ thích nói tâm tư mình. Có lẽ vì thế nó… tích thành bệnh.

Chúng tôi nhìn quanh nhà, căn phòng ấm cúng trang trí giản dị theo lối gia đình Hà Nội gốc trong căn biệt thự Pháp cũ kỹ. Một lúc sau, thi sĩ Hồ Dzếnh về. Đó là một người thanh nhã, ý nhị và rất gần gũi, rất phù hợp với mối xúc cảm mà tất cả chúng ta từng được khơi dậy từ Chân trời cũ.

Khi nói chuyện, ông hay cười, càng khơi càng thân và tâm đắc.

Khi biết đây là khách “tận trong Sài Gòn“ ra thăm chỉ vì ái mộ, thời gian eo hẹp quá nên ông tìm ra giải pháp mời chúng tôi đi ăn sáng vào hôm sau, ở hàng phở quen.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến cổng, đã thấy ông đứng chờ ngay dưới gốc cây. Thật cảm động khi thấy ”người thi sĩ trong mơ“ của mình, ăn mặc tề chỉnh giản dị, tóc chải mượt. Ông rất vui, cho biết chúng tôi đến thăm vô tình  đúng vào sinh nhật  lần thứ 75 của ông.

Hôm ấy, ông kể chuyện mình đi vào Nam và đến chùa Pháp Hoa tìm thăm nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhưng không gặp. Đó là những năm cuối đời, Nguyễn Minh Châu bệnh nặng, vào chùa Pháp Hoa lúc đó đang nổi tiếng trị được trọng bệnh theo một thứ thuốc riêng. Cho mãi sau đến lúc gặp được nhau, đã là lúc Nguyễn Minh Châu
sắp mất.

“Những người mà mình yêu mến, hình như không bao giờ  được gần”.

Nhà văn nói khẽ, không biết có phải ông đang nhớ lại những ngày gặp Thạch Lam vào năm 1941 trên chuyến xe lửa Hải Dương-Hà Nội hay không. Trên chuyến tàu đó, Hồ Dzếnh ngồi xem lại tập bản thảo của mình thì một người ngồi bên cạnh hỏi mượn xem. Lúc đó ông đâu biết người ấy chính là Thạch Lam, nhà văn nổi tiếng của Tự Lực
Văn Đoàn.

Ba lan di tim Ho Dzenh
 

Sau lần ấy, Thạch Lam phát hiện, khuyên nhủ góp ý, giúp cho tập truyện được xuất bản. Chính Thạch Lam đã viết lời tựa đầu tiên cho tập Chân trời cũ của Hồ Dzếnh. Nhưng khi sách ra được, thì Thạch Lam đã mất.

“Với Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam, nếu tính thời gian theo cả giây cả phút thì tôi cũng chỉ được gặp hai ông trong 3-4 tiếng đồng hồ là cùng”.

Dù đã đọc nhiều, chúng tôi vẫn muốn nghe từ chính ông chuyện sáng tạo. Ông sáng tác bài Chiều có mối sầu vạn cổ chất vào trong một buổi chiều ấy như thế nào… Các nhân vật được ông viết trong Chân trời cũ ám ảnh buồn thương da diết ấy là ai, có còn không…

Hồ Dzếnh kể rằng bài Chiều chỉ làm ngẫu hứng tại Lạng Sơn, khi đó ông là một chàng trai lên chơi với người anh làm hỏa xa. Ở đó, chàng đứng một mình giữa rừng biên giới, lòng buồn vô hạn vì thấy quê cha Trung Quốc, quê mẹ Việt Nam. Hai quê hương mà không có nơi chốn nào để đến, bởi cả hai đất nước đều bị xâm chiếm. Mình đứng giữa thấy một nỗi buồn lạ lùng. Và bài thơ thả vào không gian nỗi buồn đó.

“Còn những nhân vật trong Chân trời cũ có còn ai không ư, còn chị Đỏ Đương, giờ đã 80 tuổi rồi. Muốn về thăm cụ ấy…” - ông nói chậm, nhẹ, ngậm ngùi.

Tôi hỏi ông về nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học “phê bình” rằng văn chương ông có chút yếu đuối. Ông gật đầu:

”Yếu đuối và lãng mạn ư? Phải cần tới nó. Đó không phải là yếu đuối, mà là cái TÌNH luôn giữ được trong con người. Một góc nào đó, nó giúp con người kiên gan. Cháu thấy không, người mẹ chỉ có cái ruột tượng thắt bụng nuôi con, chẳng bao giờ hé răng kêu”.

MÌNH VỪA LÀ CHỊ, LÀ EM…

Lần thứ hai tôi ra Hà Nội - khoảng năm 1992, tìm đến nhà, dù biết chẳng còn gặp Hồ Dzếnh được nữa. Ông đã mất ngày 13/8/1991.

Tôi đến để thắp hương.

Bà Hồng Nhật tiếp tôi ở căn phòng lớn mặt tiền. Ở đó có một bàn thờ hiếm có: Do bà bày tất cả sách, báo viết về ông lên đó và ngày ngày thắp hương, trò chuyện trong im lặng. Bà chẳng nói được gì nhiều như lần gặp đầu tiên vui vẻ. Khách cũng khá run rẩy trong lòng nên buổi viếng đó chỉ dành để  lướt qua  những gì  tha thiết người ta viết về
Hồ Dzếnh.

Cuộc đời ông hiện ra thật khổ đau qua lời Vũ Bằng:… “Chiến tranh chạy về làng Neo Thọ Xuân Thanh Hóa - dọc bờ sông Nông Giang dạy học. Vợ bán sách cũ... Vợ bị bệnh tả chết để lại đứa con trai mới 5-6 tháng”. Tôi gập cuốn sách lại, liếc nhìn vẻ mặt bà Hồng Nhật dưới vành khăn tang còn mới. Bà bảo, ông địu con đi xin bú nhờ (gọi là bú thép. Thế nên mới hay nói câu: Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ - Con nuôi nước Việt, nhờ nước Việt nuôi con…). Bà Hồng Nhật là cô gái bán sách tiệm Bình Minh, đẹp nhất nhì Hà Nội một thời, là vợ góa của nhà thơ Trần Trung Phương. Chồng  mất, bà cũng nuôi đứa con trai nhỏ mới mấy tháng như Hồ Dzếnh và rồi hai người đã trở thành bạn đời.

Đây là lời Du Tử Lê: ”Hồ Dzếnh là người bạn thiết của những kẻ lang thang. Hồ Dzếnh đã đi vào đời tôi bằng một khung cửa buổi chiều. Hồ Dzếnh đã ở trong tôi không  như một Huy Cận cao ngất khinh mạn, không như một Nguyễn Bính ngọt ngào mật đồng nội. Hồ Dzếnh đến và ở lại trong tôi như một chiếc bóng âm thầm. Muộn phiền và tơi tả “.

Còn Mai Thảo - Hồ Dzếnh: “Một người Tàu nghèo khổ bỏ một nước Tàu nghèo khổ. Đi qua Vân Nam. Đi từ Dương Tử đi tới Hồng Hà. Đi từ Trung Hoa đi tới Việt Nam”. Khi nói tới người mẹ Việt của Hồ Dzếnh, Mai Thảo dẫn ra tác phẩm Quê ngoại - “là chiếc khay vàng hiến dâng mẹ hiền một niềm biết ơn trang trọng...”.

Bà Hồng Nhật thắp thêm ngọn nến khác thay vào ngọn đã cháy hết. Chia tay bà, tôi nhớ câu của nhà văn Nguyễn Khải: “Hiện nay, tầng dưới ngôi nhà phố Hòa Mã vẫn chỉ có hai vợ chồng. Ông luôn mỉm cười ngồi ở trên cao kia, còn bà mỗi ngày một mỏng đi”.

Tôi chợt nhớ bài thơ Hồ Dzếnh viết tặng vợ: “Mình vừa là chị, là em - Tiếng lòng người mẹ, trái tim bạn đời - Mai này tới lúc chia phôi - Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau - Xót mình đã lắm thương đau - Tôi xin là kẻ đi sau đỡ mình…”.

Hồ Dzếnh ơi, vội ra đi trước, vậy là ông đã  nuốt lời  hứa rồi sao...?

GỌI TÊN VANG GÓC PHỐ

Vào năm 2000 tôi lại có dịp ra Hà Nội và không quên ghé phố Hòa Mã để thắp hương ông và  thăm bà Hồ Dzếnh.Dự định lần này sẽ hỏi bà nhiều chuyện tâm tình mà lần trước sát ngay những ngày đau thương, tôi không tiện hỏi.

Tôi đến trước cổng nhà phía Ngô Thì Nhậm, nơi ngày đó Hồ Dzếnh ăn mặc chỉnh tề đầu chải mượt đứng chờ để đưa chúng tôi đi ăn phở, nơi xưa ”Hồ Dzếnh thường đi lặng lẽ, lủi thủi một mình trên hè phố… như bóng dáng của nhân vật từ chân trời xa vắng… (Võ Văn Trực). Tôi đập mạnh vào cái dây xích, gọi cửa. Mãi mới có một thanh niên ra tiếp. Anh giới thiệu mình là Trần Trung Cường, con trai của bà Hồng Nhật.

Anh ngậm ngùi: Chị vừa kêu tên mẹ em vang khắp phố. Mẹ em mất rồi. Mất từ năm 1998 cơ.

…Câu chuyện hôm đó đưa chúng tôi trở lại quá khứ. Chuyện về bố của Cường. Ông là nhà thơ viết về thiếu nhi nổi tiếng Trần Trung Phương. Ông hoạt động cách mạng, bị Pháp bắt và mất năm 1945, khi Cường mới 5 tháng. Mẹ Hồng Nhật nuôi con, mở tiệm sách Bình Minh và tham gia hoạt động yêu nước cách mạng. Rồi mẹ kết hôn với Hồ Dzếnh. Người đẹp Hà Thành năm xưa nay đã khuất núi ở tuổi 83.

Trước lúc mất, bà Hồng Nhật vẫn  gắng đi du lịch Trung Quốc một lần  cho biết quê chồng. Không còn dấu vết  cũng như họ hàng thân thích nào. Bà đi theo một số địa danh có tên trong các bài thơ nhớ thương bàng bạc
của chồng.

“Nát thân không nát nỗi buồn - Lẫn trong cái chết vẫn còn nỗi đau” (Tưởng chuyện ngày sau - Hồ Dzếnh). Những giọt lệ khóc cố hương “có một chút buồn Tư Mã, một chút nhớ Chiêu Quân” (Vũ Bằng). Nhưng, quê hương thật sự trong ông chính là đất Việt, quê mẹ, nơi có gió đầu mùa xa xôi, có bãi dâu vẫn đợi dòng sông vẫn chờ.

Đó là quê hương “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người trên những luống cày hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người. Vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên dải đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công trình lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu” (Chân trời cũ).

Tạm biệt Cường và căn nhà Hồ Dzếnh, tự nhiên  tôi  nhớ đến người mẹ đã khuất của tôi. Mẹ là trí thức do Pháp đào tạo và chỉ mê văn học Pháp. Có lần bà bảo tôi, “nguồn gốc cái tình căn bản làm nên áng văn chương chính là tình mẫu tử. Văn chương còn lại lâu bền chính vì nỗi buồn…”. Và tôi biết những tác phẩm bất hủ còn là những tiếng khóc. Rời nhà Hồ Dzếnh, những lời của mẹ tôi sống dậy…

Vì sao “thơ có cùng mới hay”? Vì sao dù đã “xếp ngồi một chiếu” với Thạch Lam và Thanh Tịnh, các nhà nghiên cứu  vẫn cứ tìm tòi đặt tên cho “kiểu buồn” của riêng Hồ Dzếnh? Bất chấp mọi thứ chủ nghĩa, nỗi buồn mỏng nhẹ ấy của Hồ Dzếnh vẫn còn chếnh choáng trong văn chương và trong cả chính cuộc đời này - dù thi nhân đã đi xa… 

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI