App đo huyết áp: thử thôi, thiệt - dễ toi!

04/09/2019 - 07:00

PNO - Gần đây, người cao tuổi từ đô thị tới thôn quê 'rần rần' truyền tai nhau một ứng dụng kiểm soát sức khỏe là app đo huyết áp, nhịp tim bằng điện thoại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tim mạch, app này chỉ sử dụng... cho vui, còn để giảm sát sức khỏe và dựa trên đó uống thuốc hay bỏ thuốc điều trị huyết áp, tim mạch thì rất nguy hiểm. 

Ai cũng mê app

Sáng 28/8, một người đàn ông gần 70 tuổi ngồi trước phòng khám Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy chờ khám bệnh, hỏi chuyện hai người bên cạnh: “Mấy ông biết app đo huyết áp, nhịp tim trên điện thoại di động chưa?”.

Người ngồi hàng trên ra vẻ hiểu biết: “Cái này hay lắm, trước đây, mỗi lần mệt, tôi phải đến trạm y tế nhờ đo huyết áp. Còn bây giờ, tôi chỉ cần lấy điện thoại ra đo, một phút là biết kết quả. Nếu tăng thì tôi uống thuốc trị huyết áp, giảm thì uống một ly trà đường, còn êm thì thôi. Khỏe lắm. Tôi kiểm soát mấy tháng nay, khỏi đi bác sĩ thường xuyên như trước”. 

App do huyet ap: thu thoi, thiet - de toi!
Những lời bình luận cho rằng app đo huyết áp trên điện thoại không chính xác

Vừa từ quê Quảng Ngãi vào, anh Thành Vinh, ở chung cư Ehome, Q.Bình Tân, TP.HCM kể: “Ở quê tôi, hầu như ông nào cũng có app này, đo xong thì so với bảng chỉ số huyết áp theo tiêu chuẩn của WHO rồi tự kết luận huyết áp mình tăng, giảm hay bình thường và tự điều trị luôn.

Trong khi mới đây, ông hàng xóm của tôi bị tăng huyết áp, phải uống thuốc mỗi buổi sáng. Rồi bác xài app này, ngày nào thấy chỉ số cao thì uống thuốc, ngày nào chỉ số bình thường thì ngưng thuốc. Vì không biết kết quả đo không chính xác, bác ngưng thuốc nên huyết áp tăng trở lại. Hậu quả là bác bị đột quỵ, may mà cứu kịp thời, chỉ bị yếu nửa người bên trái”.

Không chỉ ở thôn quê, điều kiện tiếp cận y tế khó khăn nên phải dựa vào app sức khỏe mà ngay cả ở thành phố nhiều người cũng tin “sái cổ”. Từ ngày cha bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu, chị Trần Thị Ngọc Y., ở Q.6, TP.HCM, rất lo sợ, chị xem app này như một cách bảo vệ sức khỏe.

Vừa ngủ dậy là chị đã đo và cứ rảnh tay thì đo. Dù mỗi lần đo là ngón tay trỏ bị nóng muốn phồng rộp. Nếu thấy chỉ số huyết áp cao là chị lấy thuốc trị huyết áp của cha để uống.

Thậm chí, khi vào bệnh viện, đặc biệt là khoa tim mạch, dù đã được điều dưỡng đo huyết áp mỗi sáng, chiều, nhưng không ít bệnh nhân cứ đo huyết áp bằng điện thoại và rất tự hào vì thấy mình “hiện đại” - như anh Phạm Văn Long đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nói. Anh Long sử dụng app này được 11 tháng và còn khuyên “khỏe lắm, mọi người xài đi”.

App thần kỳ rất... kỳ

Thật ra, cũng khó để người bệnh bỏ ngoài tai những quảng cáo hấp dẫn của các app sức khỏe trên điện thoại. Trên mạng, có rất nhiều trang quảng cáo điện thoại “siêu phẩm” 2019 là điện thoại hiệu Bukcare có tính năng đo huyết áp, nhịp tim chỉ vài trăm ngàn đồng. Công dụng đo huyết áp, nhịp tim được thổi phồng hết cỡ như: quà tặng đặc biệt dành cho người già, giúp phòng ngừa đột quỵ, bệnh tim mạch… 

App do huyet ap: thu thoi, thiet - de toi!
 

Là người đang tìm hiểu thiết bị theo dõi giấc ngủ, thạc sĩ - bác sĩ Bùi Diễm Khuê, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, kể: “Tôi có thử các app Instant heart rate, Pulse by camera… đo nhịp tim và một app đo huyết áp qua camera điện thoại, đo chơi cũng thấy không đáng tin cậy.

Tôi đo hai lần liên tiếp, cách nhau vài giây có huyết áp tâm thu lần lượt là 135 và 115mmHg, chênh lệch đáng kể. Và tôi phát hiện, với app này không chạm vào ngón tay hay cơ thể cũng ra kết quả”. Bác sĩ Khuê cũng đo nhịp tim qua ba app dùng camera điện thoại thì cái nào cũng tỏa nhiệt rất nóng ở đèn flash cạnh camera, có khi muốn phỏng. Với nhiệt độ tăng như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp mạch.

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa tim mạch Đặng Huỳnh Anh Thư, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC, cũng cho biết các app sức khỏe này không chính xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các app đo huyết áp trên điện thoại không được dùng cho việc chẩn đoán hay đưa ra lời khuyên về y học. Cụ thể, một nghiên cứu thực hiện trên 140 bệnh nhân cho thấy, nếu bệnh nhân có nhịp tim bình thường thì app cũng có tương hợp với ECG (điện tâm đồ), nhưng không chính xác khi bệnh nhân có nhịp tim nhanh hay các rối loạn nhịp tim khác.

Một nghiên cứu khác, thực hiện theo dõi nhịp tim ở người sau tập luyện thể thao thì kết quả hoàn toàn không chính xác. Như vậy, app chỉ có tính chất tham khảo chứ không giúp được gì khi nhịp tim có thay đổi. Hiện nay, chỉ có ba loại máy đo huyết áp được dùng chính thống: máy đo huyết áp thủy ngân, máy đo huyết áp đồng hồ (nhân viên y tế sử dụng) và máy đo huyết áp điện tử (bệnh nhân sử dụng được). Thay vì dùng các app, người dân nên sử dụng các máy đo huyết áp này, vì vừa cho kết quả huyết áp vừa cho kết quả nhịp tim.

“Việc tin mù quáng vào app, không tuân thủ thuốc đang điều trị có nguy cơ dẫn đến các biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, mờ mắt, suy thận... Còn việc dùng thuốc không phải do bác sĩ chỉ định nguy cơ cho sức khỏe sẽ không lường trước được”, bác sĩ Anh Thư cảnh báo. 

Bác sĩ Bùi Diễm Khuê khuyến cáo: “Không nên dùng camera điện thoại để đo huyết áp và dựa theo đó để dùng thuốc; nhịp tim cũng vậy. Có thể dùng app để theo dõi vận động cơ bản (người khỏe mạnh). Nếu muốn dùng app theo dõi sức khỏe thì nên có sensor (cảm biến) riêng, các app này thường trả phí hoặc bán kèm sensor nhưng không dễ mua ở Việt Nam, giá thường cao hơn máy đo huyết áp.

Vậy thà dùng máy đo huyết áp. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là ý kiến của bác sĩ điều trị và tái khám đều đặn, app chỉ là phương tiện hỗ trợ. Các app cũng khuyến cáo như vậy nhưng nhiều người cứ thần thánh hóa và tin bất chấp, đến khi xảy ra hậu quả thì đã muộn”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI