Chuyên gia hiến kế cách “mở khóa” thị trường Mỹ

09/05/2025 - 14:54

PNO - Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam” ngày 9/5, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt “mở khóa” xuất khẩu vào thị trường này.

Theo tiến sĩ Sơn Trần - Trợ lý giáo sư Kinh doanh tại Đại học SUNY Cobleskill và Cố vấn Phát triển Kinh doanh cho Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt Nam, Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong chiến lược “Trung Quốc +1”, nhưng cũng đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Mỹ về các vấn đề như chuyển tải hàng hóa, chống bán phá giá, tiêu chuẩn lao động, nhãn mác và quy tắc xuất xứ.

Ông khẳng định thuế quan của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì, đòi hỏi Việt Nam phải có cách tiếp cận chủ động và chiến lược.

Các chuyên gia cho rằng việc không ngừng tập trung vào chất lượng sản phẩm là giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu bền vững
Các chuyên gia cho rằng việc không ngừng tập trung vào chất lượng sản phẩm là giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu bền vững

Để đối phó hiệu quả, ông cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét 3 hướng chiến lược chính.

Thứ nhất là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bao gồm việc củng cố tài liệu chuỗi cung ứng, đảm bảo ghi nhãn xuất xứ minh bạch và sớm áp dụng các tiêu chuẩn của Mỹ và EU.

Thứ hai là nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất gia công (OEM) sang mô hình nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM), đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đổi mới và sở hữu cơ sở khách hàng.

Thứ ba là tăng cường sự tham gia, chủ động làm việc với các hiệp hội thương mại và nhà hoạch định chính sách, tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và chứng tỏ Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy.

Song song đó, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia và ngành mạnh mẽ. “Việc này rất quan trọng vì bối cảnh thuế quan và giám sát quốc tế hiện tại đòi hỏi mức độ tin cậy và truy xuất nguồn gốc cao hơn. Chiến lược thương hiệu cần chuyển đổi hình ảnh từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang một nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy, có khả năng cung cấp các mặt hàng đặc sản độc đáo có giá trị cao như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản và thủy sản” - ông nói.

Ông Mohammed Selia - giám đốc điều hành của Công ty FulfillPlus - lưu ý rằng, mặt hàng quần áo và may mặc đối mặt với thuế suất dao động từ 10% đến 30% và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ghi nhãn của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), đồng thời đảm bảo phân loại sản phẩm chính xác để tránh gây chậm trễ không đáng có.

Ngành nội thất, đặc biệt là sản phẩm gỗ, cần lưu tâm đến rủi ro thuế chống bán phá giá và phải tuân thủ Đạo luật Lacey; một số tiểu bang như California còn có các yêu cầu riêng về chất chống cháy.

Với nông sản và thủy sản, việc đăng ký với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)/ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và khai báo trước khi nhập khẩu là bắt buộc, và trong nhiều trường hợp, cần đảm bảo được việc lưu trữ trong chuỗi cung ứng lạnh.

Ngược lại, hàng thủ công mỹ nghệ thường được hưởng mức thuế thấp hoặc miễn thuế, tuy nhiên cần tránh sử dụng các vật liệu có nguồn gốc từ động vật bị cấm và rất phù hợp để kinh doanh trên các nền tảng như Etsy, Amazon Handmade và kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC).

Riêng mặt hàng giày dép thường có mức thuế suất cao, có thể trên 30%, với việc phân loại dựa trên vật liệu và thiết kế, đòi hỏi sự cẩn trọng trong khâu chuẩn bị hồ sơ. Các nhà nhập khẩu cũng nên tìm hiểu về Quy tắc De Minimis - Mục 321, một yếu tố cho phép nhập khẩu các lô hàng có giá trị bằng hoặc dưới 800 USD.

Đặc biệt, để đạt được thành công bền vững tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp duy trì hàng tồn kho tại địa phương để giao hàng nhanh hơn và nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Song song đó, việc không ngừng tập trung vào chất lượng sản phẩm, đầu tư vào xây dựng thương hiệu và thiết kế bao bì hấp dẫn là những yếu tố không thể thiếu.

Cuối cùng, việc hợp tác với các đối tác kho vận uy tín ngay tại Mỹ sẽ là một lợi thế chiến lược quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI