Kính gửi cô Hạnh Dung,
Cháu 24 tuổi, hiện sống cùng gia đình. Cháu muốn chia sẻ với cô nỗi đau cháu đã mang suốt nhiều năm và đến giờ vẫn không biết làm sao để vượt qua.
Cháu có người em trai nhỏ hơn 3 tuổi. Từ nhỏ, cháu luôn cảm thấy ba mẹ dành nhiều sự quan tâm, ưu ái cho em hơn mình, thường khen em trước mặt họ hàng cô bác, thậm chí còn nói những câu như: “Chắc chắn tương lai là tôi dựa hết vào nó”.
Cháu cố gắng không ganh tị, chỉ tự nhủ rằng mình là anh, phải mạnh mẽ hơn. Nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ sau một tai nạn cách đây 6 năm. Khi chở em đi chơi bằng xe máy, cháu không làm chủ được tay lái, để xảy ra va chạm khiến em bị chấn thương cột sống, từ đó phải ngồi xe lăn.
Kể từ hôm đó, không khí trong nhà cháu thay đổi hẳn. Ba mẹ gần như không còn dịu dàng với cháu nữa. Dù cháu đã tự trách mình không biết bao nhiêu lần, đã xin lỗi và chăm sóc em suốt thời gian hồi phục nhưng ba mẹ vẫn thường xuyên nhắc lại lỗi lầm kia.
Ba mẹ hay trách móc “vì con mà em mới ra nông nỗi này.” Mỗi khi có chuyện không vừa ý, họ lại lôi tai nạn năm đó ra để nhắc lại. Cháu thấy mình như một cái bóng trong chính ngôi nhà mình sống.
Cháu thương em nhưng cháu cũng thấy bản thân đang dần trở nên trầm lặng, thậm chí có lúc rất buồn và tự ti, cảm giác mình chẳng có giá trị gì với ba mẹ.
Cô Hạnh Dung ơi, cháu nên làm gì để thoát khỏi cảm giác tội lỗi, mặc cảm và tìm lại sự bình yên trong lòng khi chính gia đình lại là nơi khiến cháu cảm thấy đau lòng nhất? Cháu rất mong nhận được lời khuyên từ cô. Cháu xin chân thành cảm ơn.
Huy Hoàng
 |
Ảnh minh họa: Internet |
Cháu Huy Hoàng thân mến,
Đầu tiên, Hạnh Dung muốn nhắc cháu một điều vô cùng quan trọng và cần thiết: cháu có thể có lỗi khi chạy xe không an toàn, không cẩn thận, gây ra tai nạn cho cháu và cho em. Nhưng, cháu không có tội. Tội và lỗi là 2 điều hoàn toàn khác nhau.
Tai nạn là điều không ai mong muốn. Cháu hoàn toàn không cố ý làm em mình bị thương. Điều đã xảy ra chỉ là một sự cố đáng buồn. Việc cháu đã chăm sóc em, xin lỗi và luôn tự trách bản thân cho thấy cháu là người có trách nhiệm và yêu thương gia đình.
Một điều nữa Hạnh Dung cũng muốn nhắn với cháu: hãy thông cảm và hiểu cho tâm trạng quá đau buồn của cha mẹ. Không nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người làm cha làm mẹ khi thấy con mình đột nhiên trở thành người tàn phế. Nỗi đau vượt quá sức chịu đựng khiến cha mẹ đôi khi lỡ lời mà buông câu trách móc làm cháu đau lòng. Họ không nhận ra rằng mỗi lần nhắc lại tai nạn đó, họ không chỉ làm tổn thương cháu mà còn khiến cả gia đình khó hàn gắn vết thương.
Không phải chỉ mình cháu, mà cả gia đình đều phải cùng nhau vượt qua nỗi đau này. Cô mong cháu sẽ mạnh mẽ, vững vàng để không chỉ giúp bản thân mà còn giúp cha mẹ, giúp em đi qua nỗi đau, hướng về cuộc sống bình yên trong sự san sẻ, nương tựa vào nhau và yêu thương nhau.
Cháu hãy đè nén nỗi mặc cảm tội lỗi để nói chuyện một cách cởi mở với cha mẹ. Cháu có thể bày tỏ: "Con biết con đã gây ra tai nạn và con vô cùng day dứt. Nhưng mỗi lần ba mẹ nhắc lại, con càng thêm đau khổ và không thể vượt qua. Con mong ba mẹ giúp con chữa lành vết thương này thay vì khiến nó sâu hơn".
Cháu hãy tìm cách kết nối với em trai. Em cháu có thể là người hiểu và tha thứ cho cháu nhiều nhất. Hỏi về cảm nhận thực sự của em, có thể cháu sẽ ngạc nhiên khi biết em không oán trách cháu như cháu tưởng.
Em cháu năm nay 21 tuổi, tuy phải ngồi xe lăn nhưng cô hy vọng những điều khiến gia đình cháu xưa kia tự hào về em vẫn không hoàn toàn mất hẳn. Cháu hãy cùng em phấn đấu, phát huy những điều tốt đẹp ở em, giúp em có được ý chí và sức mạnh bắt đầu một cuộc sống khác để có ích trước hết là cho bản thân, sau đó là mọi người và cả xã hội. "Tàn nhưng không phế" vốn là châm ngôn sống của nhiều người khuyết tật.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng giá trị của cháu nằm ở bản lĩnh, nghị lực, sức mạnh vượt qua đau khổ. Cô mong từ mặc cảm có lỗi, cháu sẽ phấn đấu để trở thành trụ cột của gia đình, là chỗ dựa cho ba mẹ và nhất là em cháu. Đó là điều tốt nhất cháu có thể làm.
Hãy kiên nhẫn với bản thân và với gia đình. Thời gian có thể không xóa đi mọi vết thương nhưng giúp chúng ta học cách sống với những vết sẹo đó một cách tốt đẹp hơn.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn