Hay là tôi mặc kệ... để con được bình yên?

30/04/2025 - 18:00

PNO - Điều quan trọng nhất không phải là cha mẹ có sống chung hay không, mà là cách cha mẹ sau ly hôn cùng nhau yêu thương, chăm sóc, đồng hành với con.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em đã nhận được lời khuyên của chị và những lời đóng góp của các độc giả. Giờ đây, điều em băn khoăn nhất là khi em ly hôn thì đến lúc trưởng thành, con lấy vợ hoặc lấy chồng sẽ bị gia đình đối phương dị nghị là con không cha, không môn đăng hộ đối. Nhiều gia đình đã gặp cảnh này.

Ngoài ra, em được chứng kiến nhiều trẻ có cha mẹ ly hôn, khi đi học cứ ngồi một chỗ. Cô giáo thấy học trò buồn, đến tâm sự thì được biết cha mẹ em ấy bỏ nhau, em ấy không được ở bên cha. Các cháu nhỏ ấy thường bị bạn bè chế giễu khiến em lo con em sẽ rơi vào tình cảnh đó.

Vì thế, em muốn duy trì cuộc hôn nhân của mình chờ đến ngày con trưởng thành. Chúng em không ở cùng nhau vì cha các cháu công tác xa, thỉnh thoảng mới về. Xin chị cho em thêm lời khuyên.

Thanh Thảo

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thanh Thảo thân mến,

Hầu như tất cả mọi người, nhất là những người mẹ, đứng trước quyết định ly hôn đều có nỗi lo lắng như em. Lo tương lai gần con cái tổn thương, mặc cảm. Lo tương lai xa khi con trưởng thành và lập gia đình sẽ bị coi thường.

Nhưng rồi, biết bao đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn vẫn hạnh phúc đúng nghĩa. Trải qua những "thử thách" đầu đời nghiệt ngã, chúng hiểu hơn giá trị của tình yêu, sự chung thủy. Chúng trân trọng, gìn giữ, biết cách dung hòa, hy sinh hơn.

Thật ra, ly hôn không phải là dấu chấm hết cho một đứa trẻ. Điều quan trọng nhất không phải là việc cha mẹ có còn sống chung một nhà, mà là cách cha mẹ sau ly hôn vẫn cùng nhau yêu thương, chăm sóc, đồng hành với con như thế nào.

Một đứa trẻ có cha mẹ ly hôn nhưng được yêu thương đủ đầy, được hỗ trợ đúng cách sẽ trưởng thành vững vàng và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những đứa trẻ sống trong một mái nhà đầy căng thẳng, lạnh nhạt, thậm chí là bạo lực im lặng giữa cha mẹ.

Chuyện gia đình đối phương đánh giá hay chê bai khi con em lập gia đình sau này là điều chúng ta không thể kiểm soát. Đúng là sẽ có những người, những gia đình mang nhiều định kiến, suy nghĩ, đánh giá sai lầm. Nhưng liệu chúng ta có cần để cho những người như vậy can thiệp vào cuộc sống của mình?

Con người đáng quý ở nhân cách chứ không chỉ ở "môn đăng hộ đối" hay hình thức gia đình. Nếu em nuôi dạy con thành một người tự trọng, bản lĩnh, sống tử tế thì mai này con sẽ tự chọn được nơi xứng đáng với bản thân.

Việc chứng kiến cảnh các cháu nhỏ mang mặc cảm vì cha mẹ ly hôn khiến em cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Nhưng, xã hội bây giờ đã thay đổi nhiều. Nếu được giải thích rõ ràng, được yêu thương, trẻ sẽ không tự ti. Chính cách cư xử và sự tự tin của cha mẹ sẽ dạy cho các con biết rằng hoàn cảnh gia đình không định nghĩa giá trị con người.

Vậy nên, nếu em cảm thấy cuộc sống hôn nhân bế tắc, không thể hàn gắn, việc duy trì một cuộc hôn nhân "vì con" đầy mệt mỏi, căng thẳng mới chính là cuộc sống gây tổn thương âm thầm và lâu dài cho con.

Nếu quyết định ly hôn, em hãy trò chuyện nghiêm túc, bình tĩnh và rõ ràng với chồng về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm nom con cái. Hãy đảm bảo với chồng rằng dù con ở với ai thì người đó cũng sẽ tôn trọng quyền làm cha/mẹ của người kia, tạo điều kiện cho người kia được gần gũi, chăm sóc con.

Hãy chuẩn bị tâm lý, giải thích cho con rằng dù cha mẹ không còn sống chung, nhưng tình yêu cả cha và mẹ dành cho các con không bao giờ thay đổi. Con sẽ lớn lên bình an, mạnh mẽ nếu em cũng mạnh mẽ và yêu con đúng cách.

Còn một vấn đề nữa Hạnh Dung thấy em vẫn băn khoăn: em phân vân trước quyết định ly hôn khi chồng ở xa. Hạnh Dung hiểu em đang nghĩ nếu chồng ở xa, thỉnh thoảng mới về thì có cần ly hôn hay cứ để "xa mặt thì cách lòng"... cũng không sao. Trong vấn đề này, có 2 điều em nên nhìn rõ và cân nhắc: liệu các vấn đề trong hôn nhân của em có xuất phát từ việc vợ chồng sống xa cách nhau?

Nếu có thể hàn gắn, sửa chữa bằng cách thay đổi hoàn cảnh sống, làm việc của chồng, 2 em vẫn nên cùng bàn bạc, tìm cách nào tốt nhất để có thể cùng sống bên nhau, nuôi dạy con...

Còn nếu vẫn thấy ly hôn là con đường sáng duy nhất cho mình, em không nên né tránh bằng khoảng cách địa lý. Bởi ly hôn không phải là việc sống xa nhau mà là xác định rõ tình trạng thực sự của mối quan hệ để mỗi người có quyền xây dựng cuộc sống mới cho bản thân và để con cái không phải lớn lên trong sự giả dối, gượng gạo của cha mẹ.

Nếu cứ kéo dài tình trạng này, em sẽ luôn cảm giác mình bị mắc kẹt, bước tới không được, lùi lại không xong. Cô đơn ngay trong hôn nhân là một sự tổn thương rất lớn. Em đừng hy vọng con cái không cảm nhận được những gì diễn ra giữa cha và mẹ.

Việc chồng em thường xuyên xa nhà chỉ làm giảm bớt sự va chạm nhưng đó chỉ là bề mặt. Nên nhớ, gia đình không còn yêu thương và chia sẻ thì không còn là gia đình. Khi không còn tình yêu, không còn hy vọng hàn gắn, rất cần sự giải thoát thực sự cho nhau để ai cũng có được sự bình an trọn vẹn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI