Đuối sức sau kỳ nghỉ dài

05/05/2025 - 18:00

PNO - Mâu thuẫn phát sinh từ sự khác biệt kỳ vọng nếu không được nói ra một cách nhẹ nhàng, đầy thấu cảm dễ biến thành lời trách móc.

Chị Hạnh Dung ơi,

Gia đình em vừa trải qua kỳ nghỉ lễ dài nhưng thay vì vui vẻ, sum vầy lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Chồng em cả ngày chỉ ôm điện thoại, không phụ em chăm con hay dọn dẹp. Con cái mê chơi game, không chịu học hành, đến bữa còn cáu gắt khi bị nhắc nhở.

Em cảm thấy mình như người “giữ nhịp” duy nhất cho cả nhà. Em một mình nấu ăn, dọn dẹp, nhắc nhở lại còn bị nói nặng nói nhẹ, vừa mệt vừa tủi thân. Khi em góp ý thì chồng bảo “lễ mà cũng bắt phải nền nếp, làm căng quá không ai muốn ở nhà”.

Chị ơi, làm sao để mỗi dịp nghỉ lễ gia đình không rơi vào cảnh mệt mỏi, căng thẳng như vậy nữa?

Thu Nga

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thu Nga thân mến,

Thật tiếc vì em không có được một kỳ nghỉ đúng nghĩa như nhiều người đã có và như chính em mong muốn. Nhưng nhắc đến điều này - "như chính em mong muốn", đành phải nói với em một điều: rõ ràng là có sự khác nhau giữa em, chồng và các con trong việc hình dung về một kỳ nghỉ.

Chồng em có lẽ đã quá mệt mỏi sau một thời gian dài gánh vác công việc kiếm tiền, trụ cột gia đình... Kỳ nghỉ với anh ấy là được nằm dài thư giãn, nghỉ ngơi, lướt điện thoại. Các con em tranh thủ thời gian nghỉ sau những ngày học tập, thi cử mà chơi game, giải trí.

Riêng với nhiều phụ nữ nội trợ, kỳ nghỉ dài ngày là dịp để tranh thủ sắp xếp, dọn dẹp, vợ chồng cùng nhau chăm con cái và... nghỉ ngơi một chút.

Mâu thuẫn phát sinh từ sự khác biệt kỳ vọng đó nếu không được nói ra một cách nhẹ nhàng, đầy thấu cảm dễ biến thành lời trách móc. Nó khiến người nghe cảm thấy bị kiểm soát hay phán xét.

Để thay đổi được những điều này, em cần làm 2 điều cơ bản. Điều thứ nhất là thay đổi trong chính em. Đừng quá kỳ vọng vào những mong muốn hoàn hảo mà mình đặt ra. Hãy tôn trọng mong muốn của người khác. Đừng đòi hỏi bản thân và người khác phải luôn hoàn hảo.

Điều thứ hai là em cần trò chuyện với chồng để cùng anh ấy nhìn lại và thống nhất về những điều cần làm trong những khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Em có thể lấy kỳ nghỉ này của gia đình làm ví dụ để chồng hiểu điều em muốn nói, rằng em thấy mệt mỏi và cô độc, rằng em mong muốn gia đình dù không đi chơi xa nhưng vẫn có những hoạt động chung gắn bó với nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm... Tâm sự, chia sẻ, nhưng tránh sa vào trách móc, đổ lỗi...

Với con cái, hãy nói rõ cho con hiểu nghỉ lễ không có nghĩa là bỏ hết mọi sinh hoạt điều độ. Em có thể cùng chồng đặt ra vài nguyên tắc nhẹ nhàng nhưng rõ ràng với con: quy định thời gian chơi - học - phụ giúp việc nhà (dưới dạng hoạt động gia đình như nấu ăn chung, dọn nhà, đi chơi...). Giờ ăn uống, giờ ngủ không đảo lộn quá đà

Cả nhà nên cùng ngồi lại để thống nhất. Khi đó, mọi người sẽ có trách nhiệm hơn, không cảm thấy bị ép buộc. Có thể tổ chức một buổi xem phim chung, dọn nhà cùng nhau rồi đi chơi để “kỷ luật” không gây cảm giác ép buộc mà trở thành gắn kết.

Đôi khi, nếu quá mệt mỏi, em có thể buông để bản thân thư giãn, ra ngoài gặp gỡ bạn bè với lời nhờ cậy chồng. Vui vẻ nhờ cậy chứ đừng cau có, khó chịu, cằn nhằn...

Sắp tới sẽ còn những kỳ nghỉ lễ dài, em hãy thử bắt đầu bàn bạc, lên kế hoạch thay đổi từ sớm để gia đình có những ngày vui.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI