"Ăn sim bỏ tai"!??

30/09/2020 - 07:15

PNO - Trẻ nhỏ cả tin, nghe người lớn dặn "ăn sim bỏ tai/cọp nhai bỏ đầu", lần nào lên rừng hái trái, khi ăn,đều chừa tai lại.

Khoảng tuần trước, chúng tôi tranh cãi về album của một ca sĩ, chuyện bài hát về hoa sim nhưng hình ảnh trong MV, loại hoa mà ca sĩ ấy cầm là cây và hoa mua - một loại cây cùng họ với sim nhưng hình dáng lá, hoa, cây và trái đều khác hẳn.

Mỗi người một ý kiến. Người bảo như vậy "phá hoại tác phẩm"; người nhận định đó là tình thế bắt buộc vì "thời này làm gì còn hoa sim". Tôi phản đối, bởi non tháng trước, tôi đã có dịp hái sim ở Phú Quốc. Một vườn sim rất rộng để thu hoạch trái làm rượu và mật sim, đặc sản của đảo ngọc và vì trong ký ức của tôi: "trái sim có hình dáng, vị ngon khác hẳn trái mua".

Hoa sim khi nở có màu trắng, chuyển dần sang màu tím rồi tàn.
Hoa sim khi nở có màu trắng, chuyển dần sang màu tím rồi tàn

Tôi thuộc nhóm 8X đời đầu. Thời đó, quanh nhà là rừng và vườn nên tuổi thơ của tôi là những buổi xuống suối bắt cá, bắt tôm; lên đồi hái trái rừng. Đất rộng, người thưa, cây rừng nhiều lắm.

Tôi còn nhớ, trái muối nhỏ xíu, trái chi chít, trắng xóa cành có vị nhạt nhạt, thơm thơm; trái trường đỏ thẫm, nhỏ xíu, chua lét; chôm chôm rừng có thịt vàng ươm, chua đến mức chỉ cần một đứa nhắc là cả đám nuốt nước miếng... Dễ ăn, dễ hái và mỗi lần hái được khá nhiều là sim.

Nếu hoa phù dung khi nở có màu trắng, chuyển dần sang màu hồng rồi tàn thì hoa sim khi nở có màu trắng, khi tàn có màu tím. Chu kỳ nở tàn của hoa sim cũng dài hơn. Trái sim khi sống có màu xanh, phần "tai" trông như ngai vàng của một ông vua nào đó, phần bụng (sim) tròn xoe. Khi chín, trái sim chuyển sang màu tím đậm, đẹp mắt. 

hoa sim

Sim hái buổi nào cũng được nên lũ chúng tôi cứ rảnh là kéo nhau lên đồi, lục từng gốc sim, bứt trái. Tùy độ tuổi mà cây sim cũng cao thấp khác nhau, có cây thấp ngang đầu đứa nhỏ nhất đám, cũng có cây đứa cao nhất phải vừa nhón chân vừa với tay mới hái được trái. Đầu mùa và cuối mùa, sim hơi ít trái chín, nhưng vào giữa mùa thì sau khi ăn no bụng, còn có phần mang về.

Cây rừng, không phân không thuốc, sạch chuẩn "o-ga-nic" nên sim hái xong, không cần rửa, cứ cầm phần tai (sim), cho phần bụng (sim) vào miệng. Sau tiếng "bụp" nhỏ xíu, thịt sim, hạt sim và thứ nước ngọt dễ chịu trong bụng sim tràn ra miệng, ngọt ngọt, thanh thanh. Ăn hết phần ruột sim thì nhả vỏ.

Trái sim nhỏ tí, ăn một trái chẳng bỏ bẽn gì nên ăn đến chán vì phải nhả vỏ chứ ít khi ăn đến no. Đó là lúc hái được nhiều sim chứ lúc ít trái, khi ăn, phải ăn chầm chậm mới đã thèm. Mà dù hái được ít hay nhiều trái, dù thèm đến bao nhiêu, khi ăn, cả đám đều bỏ lại phần tai vì: "Ăn sim bỏ tai/cọp nhai bỏ đầu".

Tôi nhớ khi được dặn như vậy, tôi đã hỏi lại và được má tôi phân tích rằng khi tôi ăn sim mà chừa lại phần tai, con cọp đến nó ăn phần tai ấy, thì sẽ không ăn thịt tôi nữa. Trẻ con, dễ tin, sợ cọp ăn thịt nên cả đám làm theo răm rắp.

Nhưng thỉnh thoảng, tôi lớn gan ăn thử phần lẽ ra nên chừa lại rồi hồi hộp, lo lắng "chờ" cọp xuất hiện. Tất nhiên, không lần nào tôi gặp ông ba mươi. Sau lớn lên, tôi hỏi lại thì má bảo "dặn vậy để tụi bây khỏi tham ăn, ăn nhiều, đau bụng chứ chi".

ghtjtjt
Những trái sim có phần bụng tròn xoe, căng mọng.

Sim sau khi ăn xong, khoang miệng hay lưỡi sẽ đọng lại màu tím, tuy nhiên, màu tím đó không đậm như khi ăn trái mua. Trái mua cũng có tai nhưng tai của trái mua không đẹp bằng trái sim; bụng trái mua cũng không no tròn như trái sim. Khi chín, da ở phần bụng của trái mua tự bật ra, để lộ những múi thịt tím đẹp mắt. Không như sim, ăn nhiều mới để lại màu trên lưỡi, trái mua thì chỉ một trái cũng đủ tố cáo với mọi người, bạn vừa ăn xong.

Tôi còn nhớ, đến khi đã là sinh viên năm 3, khi về quê, tôi vẫn rủ em gái lên rừng hái sim. Giờ, khu đồi hoang ấy không còn nữa. Tôi cứ tưởng sẽ không còn được lang thang hái sim nữa cho đến khi đến chạm vào vườn sim ở Phú Quốc. Trước loại cây ấy, hoa ấy, hương vị ấy, ký ức ùa về. Ngọt ngào và dễ chịu đến lạ.

Uyên Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI