Ám ảnh... nghi có bệnh

20/04/2018 - 14:00

PNO - Nếu sự lo lắng, nghi mình mắc bệnh vượt khỏi sự lo sợ thông thường và tình trạng kéo dài hơn 6 tháng, người nhà có thể nghĩ đến việc người thân đang mắc bệnh tâm thần - cụ thể là rối loạn lo âu, hoang tưởng.

Khám 4 bệnh viện vẫn không yên tâm 

Mới đây, chị Trần Ngọc Thu (Q.Bình Tân, TP.HCM), chia sẻ: “Hơn một năm nay, gia đình tôi bấn loạn vì cứ vài hôm là má tôi đòi đi bệnh viện vì nghĩ mình sắp chết vì bệnh lao. Mặc dù được các bác sĩ chẩn đoán không có bệnh nhưng má vẫn đi bốn bệnh viện trong một tháng để kiểm tra”. 

Chị Thu cho biết, má chị (hiện 73 tuổi), từng bị bệnh lao và đã chữa hết cách đây hơn 30 năm. Nhưng gần đây, bà liên tục đi các bệnh viện để chữa trị vì cho rằng, lao tái phát khi bị mất ngủ, rát ngực và thỉnh thoảng ho đêm.

Bác sĩ khám và cho chụp phim phổi, kết quả bà chỉ bị viêm họng. Thế nhưng, bà nằng nặc đòi con chở đi bệnh viện lớn vì nghĩ chắc chắn mình bị viêm phổi hay bệnh lao. Lần này, kết quả vẫn như cũ thì bà lại cho rằng, “bác sĩ dở, không tìm ra bệnh” và đòi đi khám tiếp. 

Am anh... nghi co benh

Chưa có cách hóa giải thì mới đây bà bị huyết áp cao và được con chở đến Bệnh viện An Bình khám. Bác sĩ nói không sao vì người già hay gặp tình trạng này, chỉ cần theo dõi huyết áp, tránh ăn mặn, tránh làm việc quá sức. Vậy mà bà cho rằng, mình bị bệnh tim và đòi vô Viện Tim TP.HCM khám.

Bác sĩ cũng chẩn đoán giống Bệnh viện An Bình. Bà không tin, nghe ngóng huyết áp cao gây đột quỵ nên bà ám ảnh ngủ rồi “đi” luôn. Từ đó, cứ một tiếng, bà đo huyết áp một lần và ăn không ngon, ngủ không yên, sức khỏe ngày càng xuống dốc. Có khi nửa đêm, bà kêu con cháu dậy và cho biết bà bị đột quỵ. Con cháu lật đật đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ siêu âm tim, đo điện tim đều bình thường và khẳng định do lo lắng thái quá, ăn ngủ không điều độ nên bà không khỏe, đi đứng không vững. 

Không chỉ riêng má chị Thu, nhiều bác sĩ cho biết, rất nhiều gia đình khổ sở vì ông, bà mắc bệnh này. Nhưng không chỉ người già, mà người trẻ cũng có thể mắc hội chứng sống trong sợ hãi, nghĩ mình bệnh nặng, sắp chết. Sự lo âu, ám ảnh về sức khỏe thôi thúc họ phải liên tục đi khám bệnh và yêu cầu thực hiện các xét nghiệm: thử máu, siêu âm, chụp X-quang, MRI… 

Thường gặp ở người lớn tuổi

Phòng khám Tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc chứng “nghi có bệnh”. Chỉ đến khi được tham vấn tâm lý và chữa trị về tâm thần thì tình trạng mới tốt hơn và khi đó, họ cho rằng “gặp bác sĩ giỏi”. 

Khi mắc phải chứng “nghi có bệnh”, người đó thường tin hoặc bị ám ảnh rằng, mọi biểu hiện trên cơ thể đều là dấu hiệu của bệnh tật. Kể cả những điều bình thường như: tim đập, đổ mồ hôi… cũng được quy kết là triệu chứng của một hay nhiều loại bệnh nào đó.

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hội chứng nghi có bệnh (nghi bệnh - hypochondria) thường gặp ở người lớn tuổi - là nhóm tuổi có sự biến động lớn về tâm lý khi nghĩ mình không còn giá trị (nghỉ hưu, ở nhà buồn, không còn là trụ cột gia đình, tâm lý sắp chạm cái chết… và những cụ sống một mình có tâm lý con cháu thiếu quan tâm, bị bỏ rơi). Nếu sự lo lắng, nghi mình mắc bệnh vượt khỏi sự lo sợ thông thường và tình trạng kéo dài hơn 6 tháng, người nhà có thể nghĩ đến việc người thân đang mắc bệnh tâm thần - cụ thể là rối loạn lo âu, hoang tưởng. 

Hội chứng nghi bệnh này dẫn đến rất nhiều hệ lụy như: đầu độc cảm xúc, môi trường sống của chính mình và người thân, từ đó chất lượng sống của các thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng. Một hệ lụy khác là sự tốn kém tiền bạc. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề nhất là sự lo lắng quá mức sẽ gây căng thẳng, stress và ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày, thần kinh.

Do vậy, từ bệnh ảo có thể thành bệnh thật khi những cơn đau dạ dày hành hạ, thậm chí sự căng thẳng, stress có thể dẫn đến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Chưa kể, khi mắc bệnh ảo, người bệnh thường xuyên đến bệnh viện tìm bệnh, nên nguy cơ lây chéo bệnh khá cao. Từ người lành, họ có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người mắc bệnh lao, mắt đỏ, da liễu… 

Do đó, khi các cụ vừa chớm có dấu hiệu của sự lo sợ bệnh quá mức, gia đình phải thường xuyên trò chuyện cho các cụ và trấn an, ví dụ người trẻ bị lãng tai, nhìn kém có thể là bệnh, còn người già đó là quá trình lão hóa tự nhiên… Hãy giúp cho bệnh nhân thấy mình có ý nghĩa với con cháu, không để nỗi sợ hãi lấn át, biến mình thành kẻ tự kỷ ám thị, dẫn đến hoang tưởng. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI