Ai là người khởi xướng Ngày của Mẹ?

03/05/2022 - 21:18

PNO - Ngày của Mẹ là một dịp đặc biệt để tri ân và tôn vinh những người mẹ, tình mẫu tử, sự gắn kết của mẹ và ảnh hưởng của các bà mẹ trên khắp thế giới đến sự phát triển của xã hội.

Ngày của Mẹ được khởi xướng bởi 2 người phụ nữ Mỹ

Năm 1914, Tổng thống Mỹ thứ 18 Woodrow Wilson đã ký sắc lệnh hành pháp trong đó quy định lấy ngày Chủ nhật của tuần thứ 2 trong tháng Năm làm Ngày của Mẹ (Mother’s Day) để tri ân và tôn vinh “người mẹ đáng kính nhất trên thế giới chính là mẹ của bạn”.

Tuy nhiên, ý tưởng về việc tổ chức ngày đặc biệt này lại thuộc về một người phụ nữ Mỹ tên là Ann Reeves Jarvis và cô con gái Anna M. Jarvis của mình.

Bà Ann Marie Reeves (trái) và con gái Anna Marie Jarvis (phải) - Ảnh: Gerson Institute
Bà Ann Marie Reeves (trái) và con gái của mình (phải) - Ảnh: Gerson Institute

Trong suốt giai đoạn nội chiến xảy ra giữa thế kỷ 19 ở Mỹ, bà Ann Reeves Jarvis - một phụ nữ làm nghề nội trợ ở bang West Virginia - đã tập hợp nhiều phụ nữ trong vùng thành những nhóm nhỏ để hướng dẫn họ cách chăm sóc gia đình cũng như nuôi dạy con cái vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến. Tiếp đó, bà lên kế hoạch tổ chức một ngày kỉ niệm hàng năm dành riêng cho những người mẹ, nhưng không may, bà mất vào năm 1905 trước khi biến tâm nguyện này thành hiện thực.

Tiếp nối ý tưởng của mẹ mình, Anna M. Jarvis, con gái của bà Ann Reeves Jarvis, đã tiến hành nhiều cuộc vận động kêu gọi xã hội đồng lòng tổ chức một ngày nhằm tôn vinh các bà mẹ vì những đóng góp lớn lao và ý nghĩa của họ cho cộng đồng và xã hội.

Sau nhiều nỗ lực, bà đã được nhà thờ Andrews Methodist Church ở thành phố Grafton (bang West Virginia) đồng ý tổ chức Ngày của Mẹ dành cho chính người mẹ quá cố của mình vào ngày Chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 5/1908. Ngay sau đó, hàng loạt nhà thờ trên khắp nước Mỹ đã tiếp nối ý tưởng này và tổ chức Ngày của Mẹ cho người dân ở cộng đồng nơi họ sinh sống.

Xuất phát từ ý tưởng ban đầu về việc cần có một ngày để ghi nhận và tri ân những công việc thầm lặng của người mẹ dành cho gia đình, giờ đây, Ngày của Mẹ đã trở thành một dịp để hàng triệu người trên khắp thế giới tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ với những đóa hoa tươi, món quà và tấm thiệp ghi những lời chúc ý nghĩa dành riêng cho người mẹ yêu quý của mình.

Dưới đây là cách mà người dân ở một số quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày của Mẹ.

Ấn Độ

Ảnh: NurPhoto/Getty Images
Ấn Độ tổ chức chuỗi Ngày của mẹ trong 10 ngày - Ảnh: NurPhoto/Getty Images

Ấn Độ tổ chức chuỗi Ngày của Mẹ bằng một lễ hội kéo dài 10 ngày mang tên “Durga Puja”. Diễn ra trong tháng Ashwin (tháng 10), đây vừa là một lễ hội tôn giáo, đồng thời là một sinh hoạt văn hóa của người dân Ấn Độ.

Vào những ngày này, người dân tổ chức nhiều hoạt động để tôn vinh nữ thần Durga, một vị thần đã chống lại những thế lực xấu để bảo vệ sự bình yên và đầm ấm của mỗi gia đình.

 Ba Lan

Kể từ đầu những năm 1900, Ba Lan đã tổ chức Ngày của Mẹ (hay còn được gọi là Dzień Matki) vào ngày 26/5 hàng năm. Mặc dù đây chưa phải là hoạt động được chính phủ công nhận, nhưng người dân vẫn tổ chức rộng rãi ở khắp nơi trên cả nước.

Một người mẹ Ba Lan vui vẻ nhận tấm thiệp do con mình tự tay làm - Ảnh: Jagahost Proboards
Một người mẹ Ba Lan vui vẻ nhận tấm thiệp do con mình tự tay làm - Ảnh: Jagahost Proboards

Vào những ngày này, trẻ em trong các trường học ở Ba Lan được thầy cô hướng dẫn để tự tay thiết kế và trang trí một loại thiệp có tên là “laurki” cùng những lời đề tặng dành riêng cho người mẹ của mình.

Với các gia đình thì hoa tươi, một bữa tiệc ấm cúng và món quà tặng là những điều ý nghĩa mà mọi người dành cho người phụ nữ của mình.

Câu chúc được nghe nhiều nhất trong ngày này là “Wszystkiego najlepszego w dniu matki”, có nghĩa trong tiếng Anh là “Happy Mother’s Day” và tiếng Việt là “Chúc mừng Ngày của Mẹ”.

Pháp

Người ta tin rằng, nhà lãnh đạo quân sự tài ba người Pháp Napoleon Bonaparte chính là người đã khởi xướng Ngày của Mẹ (tiếng Pháp: La Fête des Mères) vào năm 1806 như là một cách để khuyến khích các bà mẹ sinh thêm con.

Tuy nhiên, ngày này không được tổ chức rộng rãi cho đến năm 1920 khi nó được chính phủ công nhận chính thức nhằm “ghi nhận và tôn vinh những phụ nữ đã thành công trong việc nuôi dạy con cái”.

Ảnh: istock
Pháp bắt đầu tổ chức Ngày của Mẹ từ năm 1920 - Ảnh: istock

Indonesia

Trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày của Mẹ vào thời điểm mùa xuân thì Indonesia lại tổ chức vào ngày 22/12 hàng năm. Đây chính là ngày mà phụ nữ Indonesia tổ chức đại hội phụ nữ lần đầu tiên vào năm 1928.

Ban đầu, ngày này được tổ chức nhằm vận động cho quyền của người phụ nữ, nhưng dần dần, Indonesia chuyển ngày này thành ngày dành riêng cho những người mẹ với nhiều hoạt động đặc biệt, như: lễ rửa chân cho mẹ, các cuộc tranh tài thi thố nấu ăn và trình diễn thời trang kebaya truyền thống...

Trang phục truyền thống kebaya thường xuất hiện trong Ngày của Mẹ ở Indonesia - Ảnh: factsofindonesia
Trang phục truyền thống kebaya thường xuất hiện trong Ngày của Mẹ ở Indonesia - Ảnh: factsofindonesia

Đức

Đức tổ chức Ngày của Mẹ lần đầu vào năm 1922. Sau đó, chính phủ Đức từng sử dụng ngày này để trao tặng huy chương Mutterkreuz cho những người mẹ sinh hạ được từ 4 đến 8 đứa con.

Theo thống kê thì trong vòng 6 năm (từ năm 1938 đến 1944) khi chính sách này được áp dụng, đã có gần 4,7 triệu bà mẹ Đức được trao tặng huy chương này.

Huy chương Mutterkreuz trao tặng cho các bà mẹ Đức trước đây - Ảnh: stampaday
Huy chương Mutterkreuz trao tặng cho các bà mẹ Đức trước đây - Ảnh: stampaday

Ngày nay, Ngày của Mẹ được tổ chức vào Chủ nhật thứ 2 của tháng Năm và không còn mang màu sắc chính trị nữa. Thay vào đó, các gia đình tặng hoa, quà và thiệp để chúc mừng mẹ của mình cùng câu “Schönen Muttertag” (Chúc mừng ngày của Mẹ).

Mexico

Những người mẹ ở Mexico đã được tôn vinh từ thời xa xưa bởi nền văn minh cổ của nước này từng theo chế độ mẫu hệ cùng với việc thờ cúng rộng rãi các nữ thần.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1922 thì chính phủ nước này mới chính thức công nhận Ngày của Mẹ theo cách mà các quốc gia phương Tây tổ chức.

Ngày của Mẹ ở Mexico được tổ chức cố định vào ngày 10/5 hàng năm mà không quan tâm đó là ngày Chủ nhật hay là ngày bình thường.

Vào buổi sáng, các con sẽ đánh thức mẹ của mình bằng một bài hát truyền thống, sau đó tặng quà cho mẹ rồi cùng nhau ăn một bữa ăn sáng chung cùng cả gia đình.

Các  em bé chuẩn bị tặng hoa cho mẹ của mình nhân Ngày của Mẹ - Ảnh: Mexconnect
Các em bé chuẩn bị tặng hoa cho mẹ của mình nhân Ngày của Mẹ - Ảnh: Mexconnect

Thái Lan

Ngày của Mẹ được tổ chức lần đầu tiên ở Thái Lan vào năm 1950. Đến năm 1976, quốc gia này chính thức chọn ngày 12/8 hàng năm để tổ chức Ngày của Mẹ nhằm chúc mừng sinh nhật của Nữ hoàng Sirikit.

Vào ngày này, người dân Thái Lan thường mang tặng thức ăn, hoa quả biếu các nhà sư. Trong trường học, nhà trường tổ chức các hoạt động văn hóa để các em bày tỏ tình yêu thương của mình đến mẹ. Khi về nhà, các em sẽ quỳ xuống trước mẹ mình để bày tỏ lòng tôn kính.

Trẻ em Thái Lan thường quỳ trước mẹ mình trong Ngày của Mẹ - Ảnh: Cool Mate
Trẻ em Thái Lan thường quỳ trước mẹ mình trong Ngày của Mẹ - Ảnh: Cool Mate

Việt Nam

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) hoặc ngày Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm thì sự kiện Ngày của Mẹ cũng được đông đảo người dân quan tâm hưởng ứng.

Trong ngày này, nhiều người dành tặng những món quà ý nghĩa, lời chúc ngọt ngào nhất hay lẵng hoa tươi như là sự tri ân đến người mẹ kính yêu của mình.

Năm nay, Ngày của Mẹ ở Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật (8/5).

Ngày của Mẹ cũng được tổ chức phổ biến ở Việt Nam - Ảnh: Cool Mate
Ngày của Mẹ cũng được tổ chức phổ biến ở Việt Nam - Ảnh: Cool Mate

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI