Ai được hưởng trợ cấp thất nghiệp mùa COVID-19?

23/06/2021 - 06:49

PNO - Trong tuần qua, Báo Phụ Nữ TPHCM nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về chế độ hưu và trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - đã giải đáp về những vấn đề này.

* Tôi làm việc ở công ty nước ngoài suốt 18 năm qua, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Ngày 1/6, vì dịch bệnh, tôi đã xin thôi việc. Công ty cho biết có đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), vậy tôi sẽ làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) ở đâu? Thời gian được hưởng? Trong thời gian đó, tôi có được duy trì bảo hiểm y tế không? 

Tăng Thị Minh Loan 
(huyện Bình Chánh, TPHCM)

- Ông Trần Dũng Hà: Để hưởng TCTN, bà cần liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi bà muốn hưởng để nộp hồ sơ. Tại TPHCM, bà có thể liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tại 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh để được hướng dẫn thủ tục. 

Lưu ý: thời hạn nộp hồ sơ trong vòng ba tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. 
Thời gian hưởng TCTN tương ứng với thời gian đã đóng BHTN, cứ mỗi năm đóng BHTN được hưởng trợ cấp một tháng, nhưng thời gian hưởng tối đa là 12 tháng. Do bà không nói rõ số năm đóng BHTN nên đề nghị bà tự đối chiếu quy định trên để biết số tháng tối đa được hưởng TCTN. 

Người thất nghiệp được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT trong thời gian hưởng TCTN.

* Do dịch COVID-19, công ty tôi cho công nhân nghỉ việc không lương từ 1/7 tới đây và không hẹn chúng tôi ngày đi làm trở lại, vậy chúng tôi có được hưởng BHTN không? Thủ tục này công ty làm hay người lao động tự làm, đăng ký ở đâu? 

Nguyễn Trọng Nam (quận 10, TPHCM)

- Ông Trần Dũng Hà: Một trong những điều kiện để được hưởng TCTN quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm là người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Trường hợp của ông, được công ty cho nghỉ không lương, sẽ không thuộc đối tượng được hưởng TCTN.

* Tôi đã đóng BHXH 26 năm 6 tháng. Nay do ảnh hưởng dịch bệnh, công việc công ty không ổn định, phần nữa vì tôi lớn tuổi, công ty động viên tôi tự xin thôi việc và tôi chấp nhận. Các bạn ở công ty hướng dẫn làm thủ tục nhận TCTN. Xin hỏi, hết thời gian hưởng TCTN mà tôi chưa tìm được việc làm mới phù hợp, cũng như chưa có thu nhập ổn định để đăng ký BHXH tự nguyện, vài năm sau tôi mới đóng BHXH tự nguyện cho đến ngày đủ tuổi hưởng lương hưu có được không? 

Trần Thị Tú Minh (quận 8, TPHCM)

- Ông Trần Dũng Hà: Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc tham gia BHXH tự nguyện trên cơ sở mong muốn và khả năng tài chính của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được tự chọn lựa về mức đóng (thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng), thời gian đóng, phương thức đóng. 

Trường hợp của bà đã đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, nên bà không nhất thiết phải tham gia BHXH tự nguyện nữa. Nhưng nếu bà vẫn muốn tham gia BHXH tự nguyện thì vẫn được. Khi đã đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định, bà liên hệ với BHXH quận, huyện nơi cư trú để được hướng dẫn thủ tục đề nghị giải quyết chế độ hưu trí. 

Diễm Chi (thực hiện)

Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp mùa dịch bệnh ra sao?

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ giữa tháng 5/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tạm dừng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ xin hưởng TCTN cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể nộp hồ sơ theo đường bưu điện bằng thư đảm bảo đến các điểm tiếp nhận.

Người lao động cũng có thể truy cập vào website: 

www.vieclamhcm.net để tải mẫu số 03 (Đề nghị hưởng TCTN), mẫu số 16 (Thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng), mẫu số 23 (Thông báo có việc làm) hoặc đến các bưu điện gần nhất để nhận các biểu mẫu.

* Địa chỉ các điểm tiếp nhận hồ sơ:
1. Phòng BHTN - Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, 106/14D Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh. Điện thoại: 028.3514.7187, 028.3514.7007.
2. Cơ sở 2 Phòng BHTN, 108 đường 458, ấp Thạnh An, xã Trung An, H.Củ Chi. Điện thoại: 028.3797.5424, 028.3892.8259.
3. Chi nhánh BHTN Q.4, 249 Tôn Đản, P.15, Q.4. Điện thoại: 028.3941.5841, 028.3825.9698.
4. Chi nhánh BHTN Q.6, 743/34 Hồng Bàng, P.6, Q.6. Điện thoại: 028.3960.0050, 028.3960.8688. 
5. Chi nhánh BHTN TP.Thủ Đức, số 1 đường số 9, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức. Điện thoại: 028.3743.1373, 028.3535.1529.
6. Chi nhánh BHTN Q.12, 802 Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12. Điện thoại: 028.3715.3288, 028.3535.1528.
7. Chi nhánh BHTN Q.Tân Bình, 456 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình. Điện thoại: 028.3842.6154, 028.3812.3889.

Từ 1/7/2021, tăng chuẩn mức trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/3/2021 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, từ ngày 1/7/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng so với mức hiện hành. 

Nghị định cũng nêu rõ, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội mà cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp, bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác. Như vậy, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp để quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định này. 

Mức trợ cấp xã hội hằng tháng = Mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội x hệ số
Trong đó, hệ số tương ứng được quy định như sau:

- Đối với trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng: hệ số từ 1.5 đến 2.5, trong đó mức cao nhất dành cho trẻ dưới bốn tuổi. Với các em trong nhóm đối tượng này đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội (hệ số 1.5) cho đến khi kết thúc việc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

- Đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ, đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật, đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì hệ số là 1.0 đối với mỗi một con đang nuôi.

- Đối với người cao tuổi: hệ số từ 1.5 đến 3.0 tùy từng nhóm đối tượng.

- Đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật: hệ số từ 1.5 đến 2.5 tùy nhóm đối tượng.

Đại Dương (lược trích)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI