“A lô” để được tư vấn sức khỏe

24/05/2022 - 06:23

PNO - Dù hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện đã trở lại bình thường nhưng nhu cầu được tư vấn từ xa của bệnh nhân vẫn rất cao. Kênh kết nối của người dân với bác sĩ trong bối cảnh dịch COVID-19 này hiện vẫn được nhiều bệnh viện duy trì.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), cho biết, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ vừa qua, BV đã nhận thấy nhu cầu được tư vấn từ xa của bệnh nhân rất cao, với cả trăm cuộc điện thoại một ngày. Hiện, dù hoạt động khám chữa bệnh của BV đã trở lại như trước nhưng mỗi ngày tổng đài đường dây nóng vẫn nhận được trên 20 cuộc gọi của người dân. Nội dung không chỉ các vấn đề liên quan tới COVID-19 mà còn cả về bệnh mạn tính. 

Ê-kíp khám bệnh tại nhà cho người dân của Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: T.H
Ê-kíp khám bệnh tại nhà cho người dân của Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: T.H

Theo ông Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội của BV, khi người dân gọi điện vào đường dây nóng của BV, tổng đài viên sẽ tiếp nhận, phân loại bệnh rồi chuyển thông tin đến chuyên khoa phù hợp. Tiếp đến, bác sĩ chuyên khoa đó sẽ gọi lại cho bệnh nhân để tư vấn. Toàn bộ quá trình từ lúc bệnh nhân gọi vào đường dây nóng đến lúc được bác sĩ liên lạc mất khoảng 15 - 20 phút. Theo chị Lê Thị Hồng Gấm, tổng đài viên, thường bệnh nhân muốn được tư vấn về bệnh tình trước khi đi khám, và hỏi thêm về dịch vụ khám bệnh tại nhà.

Tại hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 15 của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới đây, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trần Minh Thắng, cho biết, TPHCM đã có những công trình được lập ra để giúp bệnh nhân kết nối dễ dàng hơn với nhân viên y tế trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như: tư vấn F0 từ xa, tổ y tế từ xa của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trên Zalo, Viber.

Sau khi TPHCM hết giãn cách, hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường nhưng đơn vị vẫn ghi nhận hết quý I/2022, nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn từ xa của bệnh nhân tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều. Số lượng người được tư vấn từ xa do đơn vị tiếp nhận là 321 trường hợp. Trong đó, 31% liên quan đến da liễu, 28,7% liên quan tới tâm lý, còn lại là tai mũi họng, mắt, sản phụ khoa, chấn thương chỉnh hình, nhi… Gần 20% trong số các bệnh nhân này có nhu cầu đăng ký tư vấn từ xa lần thứ hai trong vòng 1 - 2 tuần sau đó, cho thấy người dân có nhu cầu tái sử dụng dịch vụ này. 

Để phù hợp với tình hình mới, hình thức tư vấn từ xa và tổ y tế từ xa do Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức đã chuyển đổi thành tổng đài 1022, duy trì kết nối từ xa cho người dân với nhân viên y tế ở quy mô rộng lớn hơn, với mạng lưới cơ sở y tế trên toàn thành phố (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM quản lý). Thông qua đó, khi gọi đến tổng đài 1022, bệnh nhân sẽ được tổng đài viên kết nối với bác sĩ tại cơ sở y tế gần nơi mình ở nhất, để hỏi không chỉ riêng các vấn đề về COVID-19 mà còn tất cả bệnh lý khác.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da BV Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, chỉ nên tư vấn từ xa cho nhóm bệnh nhân mạn tính khi bác sĩ, bệnh nhân đều hiểu rõ bệnh của người đó, và bệnh nhân đang được điều trị ổn định trên hai tháng. Trong tương lai, để phát triển hình thức tư vấn từ xa và khám bệnh từ xa, theo bác sĩ Vân Thanh, cần có quy định về chứng chỉ hành nghề, khung giờ, sự bảo vệ về luật pháp đối với bác sĩ qua lời nói và các hình ảnh, đơn thuốc.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trần Minh Thắng, để phát triển mô hình tư vấn từ xa, các cơ sở y tế cần trang bị quy mô hơn về công nghệ. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, mọi thứ xảy ra quá đột ngột, nhiều bác sĩ chưa được tập huấn nên đôi khi quá trình sử dụng thiết bị công nghệ gặp khó khăn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI