500 học sinh lớp 1 'đại náo' siêu thị, học cách xài tiền

01/04/2015 - 12:59

PNO - PN - 8g sáng 31/3, đông đảo khách hàng đang mua sắm tại siêu thị (ST) Văn Hóa Văn Lang (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã ngỡ ngàng, thích thú “né” chỗ cho gần 500 học sinh (HS) ùa vào ST cùng những tiếng reo hò phấn khích. Các em HS lớp 1 này đang tham...

edf40wrjww2tblPage:Content

500 hoc sinh lop 1 'dai nao' sieu thi, hoc cach xai tien

Các bé phân vân trước 'rừng' hàng hóa

Xài tiền không dễ!

Trước khi diễn ra buổi học kỹ năng này, nhà trường đã “luyện bài” trước bằng cách cho các em chơi trò… “hãy chọn giá đúng” để bước đầu làm quen với việc chọn sản phẩm có giá cả phù hợp túi tiền. Cô Phạm Thị Mỹ Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/9) chia sẻ: “Với HS lớp 1, đa phần các em chưa được xài tiền, chỉ một số ít được cha mẹ cho tiền lẻ mua quà vặt. Thế nên, việc các em lần đầu được cầm tiền trong tay để chi dùng theo ý mình là một trải nghiệm thú vị. Tất nhiên, các em sẽ rất lúng túng, nhưng chính những lúng túng ấy rèn luyện cho các em động não để đưa ra quyết định chi tiêu đúng”.

Theo “đề bài” của nhà trường, các em chỉ được đem theo 30.000đ. Trong một buổi đi ST, các em phải tiêu không vượt quá 31.000đ và không dưới 29.000đ. Ở thời điểm này, HS lớp 1 đã học đếm đến đơn vị 100 và phép cộng-trừ theo hàng chục. Nhưng quả thực, việc cầm từng món hàng lên để cân đối, chi vừa đúng trong khoảng 29.000 - 31.000đ thật không dễ.

Thấy em Phạm Quang Minh (lớp 1/8) cầm lên đặt xuống túi bánh quy giá 25.000đ, em Nguyễn Bảo Khang (bạn cùng lớp với Minh) bàn: “Bạn mua đi, chỉ có 25.000đ thôi mà”. Minh băn khoăn: “Nhưng mình còn định mua một cục gôm (tẩy) nữa, không biết đủ tiền không”. Khang hiến kế: “Vậy cứ để bánh đây, mình đi coi giá của cục gôm”.

Trần Tú Minh Châu mân mê con gấu bông nhỏ giá 18.000đ, bảo một bạn gái đi cùng - giọng… chững chạc: “Người ta đề “made in Việt Nam” nè, là sản xuất ở Việt Nam đó. 18.000đ mắc quá, mua con gấu này xong là gần hết tiền luôn”. Sau một hồi tần ngần, Châu quyết định bỏ lại gấu bông và tìm đến quầy bút chì.

Bàn bạc, réo gọi, hỏi han, “đoàn quân” HS lớp 1 đã làm náo loạn cả ST. Có em nhờ nhân viên bế lên để xem món hàng trên kệ cao; có em toan bóc vỏ bánh ra để… xem ruột thì được bạn đi cùng nhắc nhở; có em chạy nhảy làm rơi cả chồng nước ngọt liền hốt hoảng sắp lại, và rối rít xin lỗi. Những giáo viên đi cùng và cả nhân viên ST được một phen mướt mồ hôi để quản, nhưng ai cũng tươi cười khi trông thấy nét đáng yêu của bọn trẻ.

Xếp hàng ra quầy tính tiền, một số em ôm hàng hóa trên tay, mắt vẫn còn liếc vào những quầy hàng khác với vẻ tiếc nuối. Có em tỏ ra căng thẳng khi chưa xài hết tiền mà đã hết giờ. Có em mếu máo: “Cái gì cũng mắc hết, con không mua được gì cả”.

500 hoc sinh lop 1 'dai nao' sieu thi, hoc cach xai tien

'Mua gì cho hết 10.000đ nhỉ ! ' Mặt cu cậu cứ đăm chiêu suốt phiên mua sắm

“Vẽ” thêm việc để làm

Trẻ có thể theo phụ huynh vào ST rất nhiều lần, nhưng chỉ là “đi theo”. Với những chuyến đi cùng phụ huynh vào ST ấy, trẻ hầu như không có trải nghiệm về việc mua-bán, cũng không quan tâm nhiều đến giá cả, đặc điểm sản phẩm. Nhưng lần này, trẻ được trải nghiệm, nhiều bài học thực tế sống động đã mở ra.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy (giảng viên kỹ năng sống, Công ty TNHH Tư vấn và hỗ trợ giáo dục Điểm Tựa - đơn vị phối hợp với trường TH Kim Đồng tổ chức cho HS vào ST) nhận định: “Trước tiên, việc cầm 30.000đ để chi tiêu là một “bài tập toán” vô cùng hấp dẫn và hào hứng. Trẻ sẽ tự đưa ra những phép tính và đi tìm lời giải để số tiền ấy được tiêu theo yêu cầu. Với trẻ lớp 1, khi nghe con số 30.000đ sẽ cảm thấy rất bình thường, nhưng khi các em được toàn quyền quyết định chi tiêu, các em bắt đầu cân nhắc, tính toán và cảm thấy số tiền ấy rất giá trị. Trẻ bắt đầu hình thành khái niệm đắt-rẻ khi trực tiếp cầm từng món đồ và xem xét, so sánh giá cả. Trẻ cũng sẽ cân nhắc xem cũng giá tiền đó, mua món đồ nào sẽ được lợi hơn.

Ngoài ra, trẻ cũng được giáo viên hướng dẫn phương pháp xem xét một sản phẩm trước khi chọn mua.

Đặc biệt, trẻ còn được dạy cách tiếp xúc, ứng xử với người lạ khi rơi vào tình thế buộc phải hỏi nhân viên ST những món hàng mà mình tìm không ra hoặc khi bị lạc mất cô giáo chủ nhiệm. Trẻ cũng được dạy cách sắp xếp lại ngăn nắp hàng hóa sau khi đã xới lên, cách đặt lại giỏ xách hàng đúng vị trí sau khi sử dụng, cách xếp hàng ở quầy tính tiền. Qua đó, trẻ được học nếp sống văn minh nơi công cộng”.

Chị Hồ Phương Thùy (phụ huynh của em Dương Hồ Mỹ Duyên - lớp 1/3) đã theo vào ST để quan sát con. Chính chị cũng không ngờ, đứa con gái vốn nhút nhát của mình lại tự tin cầm tiền, nhấc lên đặt xuống từng món đồ. Chị chia sẻ: “Chương trình này rất ý nghĩa. Bình thường, tôi dẫn con đi ST nhưng cũng chẳng tâm để dạy dỗ kỹ năng gì cả. Lần đầu thấy con cầm một số tiền, lại biết cân nhắc rồi không dám mua vì sợ hết tiền, tôi rất xúc động. Bài học thực tế này sinh động quá”.

Thực tế, ở các trường tư, những giờ học ngoại khóa vẫn thường được tổ chức do số lượng HS ít, nhưng với trường công lập, việc tổ chức những buổi sinh hoạt đầy yếu tố kỹ năng như nói trên là việc làm không đơn giản, tùy vào nỗ lực của từng trường. Để đưa được gần 500 HS lớp 1 vào ST, Trường Kim Đồng phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ công nhân viên của trường.

Cô Phạm Thúy Trang (Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng) chia sẻ: “Trường Kim Đồng đã tổ chức cho HS học kỹ năng trong ST được 5 năm nay. Năm đầu tiên tổ chức, chúng tôi cũng hồi hộp, nhưng không ngờ đạt kết quả tốt và được phụ huynh ủng hộ nhiệt liệt nên đã mạnh dạn tổ chức thường xuyên".

 TRẦN TRIỀU

Đây là cách làm vừa dạy kiến thức, vừa rèn giao tiếp

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá: Đây là cách làm hay, vừa dạy kiến thức cho HS vừa rèn cho các em khả năng giao tiếp, đồng thời giáo dục kỹ năng sử dụng và quản lý tài chính cho HS. HS tham gia những hoạt động ngoại khóa thế này sẽ học được kiến thức một cách tự nhiên, đầy hứng thú. Các em sẽ biết cách chi tiêu tiền sao cho hợp lý, biết cân nhắc món đồ nào cần thiết khi mua sắm, biết ưu tiên mua dụng cụ học tập, đồ dùng hơn đồ chơi.

Mô hình học tập ngoại khóa thiết thực như trường TH Kim Đồng luôn được khuyến khích mở rộng tại các trường đủ khả năng tổ chức. Tuy nhiên, khi đưa số lượng lớn HS ra khỏi trường học, đến địa điểm công cộng như siêu thị, công viên… thì việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho HS và hiệu quả của chuyến sinh hoạt. Cách tốt nhất là nên phối hợp với phụ huynh cùng đi để phụ huynh hiểu hơn những bài học thiết thực. Khi về nhà, phụ huynh sẽ nối dài những bài học kỹ năng sống để giáo dục con em.

TIÊU HÀ ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI