AI có thể cứu hoặc... kết thúc nhân loại
Với những khám phá và phát minh cơ bản khởi nguồn cho sự phát triển của ngành máy học cùng mạng neuron nhân tạo, giải Nobel Vật lý 2024 đã được trao cho 2 nhà khoa học là John J.Hopfield (Mỹ) và Geoffrey E.Hinton (Canada). Các công trình của họ đã giúp máy tính “học” gần như cách não người thực hiện.
Ngay sau đó, giải Nobel Hóa học 2024 tiếp tục được trao cho 3 nhà nghiên cứu Demis Hassabis (Anh), David Baker và John Jumper (Mỹ) - những người đã sử dụng AI để không chỉ phát minh ra protein mới mà còn tiết lộ bí mật cấu trúc của các protein hiện hữu. Đây là vấn đề khiến các nhà sinh học bối rối trong nhiều thập niên nhưng AI có thể giải quyết trong vài phút. Trong số nhà khoa học được vinh danh, chỉ có David Baker (Đại học Washington) là một nhà hóa sinh thuần túy.
 |
Ngày 13/10, SpaceX phóng thử nghiệm thành công chuyến bay thứ năm của Starship với tên lửa đẩy Super Heavy - Nguồn ảnh: UPI |
Đó là những thành tựu lớn của con người, nhưng sự vinh danh này cũng đồng thời đã nhấn mạnh một viễn cảnh đáng sợ: các nhà khoa học sắp tới có thể chỉ sẽ chế tạo ra các công cụ giúp tạo nên sự đột phá, thay vì tự mình thực hiện.
Ngày nay, rất nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực hay bệnh ung thư, mối đe dọa tuyệt chủng của một số loài… đã khiến các nhà hóa học nghiên cứu đa lĩnh vực chiếm ưu thế. Ngày càng phổ biến các nhà địa hóa học, cổ sinh vật học, lý thuyết tiến hóa tính toán, nhà sinh vật học vũ trụ... AI đang làm những ranh giới này càng chồng lấn hơn khi nó có thể liên kết và khai thác cơ sở dữ liệu của các ngành học vốn khác biệt trước đây để tạo ra “sự hợp tác” mới, tạo ra những khám phá bất ngờ.
Trong cuốn sách sắp xuất bản Genesis: Artificial Intelligence, Hope, and the Human Spirit, cố tác giả Henry Kissinger cho rằng: AI có thể cứu hoặc kết thúc nhân loại. Sự “uyên bác tối thượng” của AI chính là khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ với tốc độ khủng khiếp không bao giờ mệt mỏi. Cùng một lúc, nó có thể đánh giá các mô hình của vô số lĩnh vực. AI vượt qua những hạn chế của trí tuệ con người và có thể thành công trong việc hợp nhất nhiều ngành khác - điều mà nhà xã hội học E.O.Wilson gọi là “tân thống nhất kiến thức”.
Ngày 19/12 vừa qua, Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres đã thốt lên: “Số phận của nhân loại không thể để mặc cho các thuật toán” khi thúc giục Hội đồng Bảo an hành động quyết đoán để thiết lập các rào cản quốc tế đối với AI.
“Sự phát triển nhanh chóng của AI đang vượt quá khả năng quản lý của con người, đặt ra những câu hỏi quan trọng về trách nhiệm giải trình, bình đẳng, an toàn và sự giám sát của chúng ta trong quá trình ra quyết định. Không quốc gia nào được phép thiết kế, phát triển hoặc sử dụng các ứng dụng quân sự của AI trong xung đột vũ trang, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Điều đó bao gồm việc dựa vào AI để lựa chọn hoặc tấn công mục tiêu một cách tự động” - ông nói và nhấn mạnh cạnh tranh địa chính trị đối với các công nghệ mới nổi phải đảm bảo không được làm mất ổn định hòa bình và an ninh quốc tế.
Bước đột phá không gian
Chuyến bay thử nghiệm thứ năm của Starship do Công ty SpaceX thực hiện hoàn hảo vào ngày 13/10 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa ước mơ du hành liên hành tinh của con người.
Theo Elon Musk - cha đẻ của dự án - khi đã làm chủ công nghệ tên lửa đẩy, vào năm 2028, SpaceX có thể phóng đến 1.000 tàu mỗi năm. Ông cũng cho rằng, chuyến bay có người lái đầu tiên lên sao Hỏa của SpaceX sẽ diễn ra vào các năm 2031-2033. Kỹ sư hàng không vũ trụ nổi tiếng người Mỹ Robert Zubrin khẳng định: sao Hỏa chứa tất cả các vật liệu cần thiết để hỗ trợ không chỉ sự sống mà cả nền văn minh công nghệ.
Năm 2024 ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử khám phá không gian với hàng loạt bước tiến vượt bậc, đặc biệt là sự lớn mạnh của khu vực tư nhân. Như đã nêu, SpaceX tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong. Sứ mệnh Polaris Dawn hay chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của phi hành đoàn dân sự của họ nhằm thử nghiệm công nghệ tiên tiến và khám phá giới hạn của con người. Khoảnh khắc phi hành gia Sarah Gillis từ tàu vũ trụ Crew Dragon của Công ty SpaceX chơi vĩ cầm giữa vũ trụ là biểu tượng cho sự sáng tạo vô biên.
Các quốc gia khác cũng đạt nhiều thành tựu đáng chú ý: Nhật Bản với tàu đổ bộ SLIM; Trung Quốc cùng tàu Thường Nga 6 và kỷ lục đi bộ ngoài không gian của các phi hành gia tàu Thần Châu 19 đã đặt nền móng cho những nghiên cứu sâu hơn về Mặt trăng. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tiếp tục mở rộng tầm nhìn tới sao Thủy và Europa - mặt trăng băng giá của sao Mộc. Tất cả khơi mở tiềm năng tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.
Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) bước sang năm thứ 25, thực hiện hơn 300 thí nghiệm đột phá, mang lại những lợi ích thiết thực từ y học đến vật liệu. Năm 2024 không chỉ ghi nhận các cột mốc kỹ thuật mà còn lan tỏa nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thôi thúc con người vươn tới những vì sao.
Các công nghệ sinh học mới cũng đang nổi lên như giải pháp tiềm năng để cứu hành tinh khỏi những thách thức môi trường nghiêm trọng như tình trạng phá rừng làm mất đa dạng sinh học và thay đổi các chu trình tự nhiên. Các giải pháp kỹ thuật chỉnh sửa gen bằng công nghệ CRISPR và nhiều công cụ tương tự được sử dụng để phát triển các loại cây trồng chịu hạn, kháng sâu bệnh và ít phụ thuộc vào phân bón hóa học. Điều này giúp tăng năng suất nông nghiệp mà không gây thêm áp lực lên môi trường. Công nghệ sinh học tổng hợp (synthetic biology) cho phép tạo ra các vật liệu bền vững và thay thế nhựa truyền thống bằng các sản phẩm phân hủy sinh học. Đồng thời, công nghệ này cũng được ứng dụng để phát triển các phương pháp lưu trữ carbon hiệu quả, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển.
Nam Anh (theo New York Times, Quillette, The Atlantic)