Y tế cơ sở - trụ cột chống dịch nhưng vừa thiếu, vừa yếu!

08/11/2021 - 10:43

PNO - Theo nhiều ĐBQH, hệ thống y tế cơ sở dù là trụ cột chống dịch song lại vừa thiếu vừa yếu nên thời gian qua đã vô cùng vất vả.

 

ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng, hệ thống cơ sở đang vừa thiếu vừa yếu dù đóng vai trò là trụ cột trong phòng chống dịch
ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng, hệ thống cơ sở đang vừa thiếu vừa yếu dù đóng vai trò là trụ cột trong phòng chống dịch

Sáng 8/11, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, Kỳ họp thứ 2, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất Chính phủ quan tâm tới hệ thống y tế cơ sở bởi đây là trụ cột phòng chống dịch. Tuy nhiên, thời gian qua, y tế cơ sở chưa được đầu tư thích đáng, "vừa thiếu, vừa yếu" nên khi chống dịch đã rất vất vả.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) chia sẻ, dịch COVID-19 đã để lại nhiều mất mát, hy sinh. Để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, theo ĐBQH, phải chú trọng tới nguy cơ bệnh nhân chuyển sang trạng thái nặng và tử vong. Tại TPHCM, những câu chuyện và kinh nghiệm thực tế trong đợt dịch vừa qua đã trở thành “bài học xương máu”, cần thiết để xem xét và rút kinh nghiệm.

Cụ thể, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, phải xem lại thực trạng y tế cơ sở. Cụ thể, hiện đã có quy định về phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở song các địa phương thực hiện được chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vấn đề phân bổ cũng phải xem xét như thế nào để phù hợp với quy mô dân cư chứ không phải vấn đề phân chia về địa lý. Bên cạnh đó, cần có chính sách xuyên suốt, quan điểm từ Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Y tế để có chính sách cụ thể.

“Có thể nói chưa giai đoạn nào như giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo từ trên về nền pháp lý, hướng dẫn cho các địa phương mà thực sự Bộ Y tế đã vào cuộc. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề căn cơ này thì sẽ tiếp tục bị động”, bà nhấn mạnh và đề nghị, bên cạnh vấn đề về tài chính, cần có cơ chế để thu hút nhân tài, lực lượng có trình độ cao về y tế cơ sở.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, Bộ Y tế đã rất vất vả chống dịch nhưng nếu không giải quyết căn cơ, nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở thì sẽ không giải quyết
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, Bộ Y tế đã rất vất vả chống dịch nhưng nếu không giải quyết căn cơ, nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở thì sẽ tiếp tục bị động

Liên quan tới công tác điều trị, theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, đây là "phép thử" để nhìn lại năng lực thực sự của ngành y tế Việt Nam. Qua đại dịch, theo bà, các bệnh viện chưa được chuẩn bị cơ sở về pháp lý, kiến thức cần thiết để bảo đảm cung ứng được thuốc, trang thiết bị y tế, đặc biệt là cơ chế tài chính. Phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng gây khó khăn trong thanh toán. “Ví dụ xét nghiệm, nếu phân công rạch ròi bảo hiểm làm từ đầu cùng với đấu thầu chặt chẽ thì có lẽ không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra”, ĐB nói.

Đặc biệt, ĐBQH TPHCM cho rằng, trong khi hệ thống y tế còn yếu kém nhưng lại “bỏ quên” lực lượng y tế tư nhân. Lực lượng này chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế tham gia phòng chống dịch cho đúng. ĐBQH cũng đề xuất xem xét triển khai vắc xin COVID-19 dịch vụ, đây là một hình thức để xã hội cùng tham gia đóng góp.

H.Anh

 
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchinhtrivi /strCate=chinhtri