Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm can thiệp, bình ổn giá xăng dầu trong nước

30/10/2021 - 10:05

PNO - Trước giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ sớm can thiệp, bình ổn giá...

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị sớm có biện pháp bình ổn giá xăng dầu
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị sớm có biện pháp bình ổn giá xăng dầu

Hoàn thiện thể chế để thực hiện liên kết vùng hiệu quả

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, sáng 30/10, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, quá trình cơ cấu lại kinh tế Việt Nam được thực hiện nhiều năm, đặc biệt khi bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, 2009. Khi đó, kinh tế nước ta đã bị suy giảm và lạm phát rất cao. Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết liên quan tới quá trình tái cơ cấu.

Tương tự, ĐBQH khẳng định, trong bối cảnh đại dịch gây tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước và thế giới, cần thiết để cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nằm trong top cao của thế giới nên sẽ bị tác động nhiều chiều. Thế giới vừa qua tốn nhiều gói kích cầu kinh tế làm tăng tổng cầu, bên cạnh đó việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá cả leo thang, lạm phát thế giới bùng lên, trong đó có giá xăng dầu. Từ đó có thể tác động đến lạm phát ở Việt Nam. Đặc biệt, các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư của chúng ta có thể thay đổi. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô ảnh hưởng.

ĐB kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu vì hiện giá mặt hàng này tăng rất nhanh, trong khi chúng ta đang còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường…. Cần phải sử dụng các nguồn này để bình ổn khi giá xăng dầu gia tăng.

Trong vấn đề cơ cấu lại đầu tư công, thời gian qua, ĐB đánh giá đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công vẫn là điểm tắc nghẽn mà cần rà soát để chỉ rõ nguyên nhân tập trung giải quyết. ĐBQH đề nghị Chính phủ duy trì tổ hỗ trợ phản ứng nhanh giúp các tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công.

Về phân bổ vốn đầu tư, cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phân bổ vốn cho linh hoạt hơn liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số… thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, ĐB cho rằng, cần sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế để liên kết vùng thực hiện có hiệu quả. Thời gian qua, chúng ta có quy định nhưng chưa làm rõ được quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, ĐB đánh giá cao sự cải thiện của hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp Nhà nước song quá trình cổ phần hóa, thoái vốn không đạt được mục tiêu đề ra. Về thoái vốn, ĐB đề xuất nên mạnh dạn giao cho đại diện chủ doanh nghiệp quyết định thoái vốn, thời điểm thoái vốn.

Cần giải pháp đột phá để tạo lập thế đứng

ĐBQH Hoàng Văn Cường khẳng định, thật sự cần thiết để có Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025
ĐBQH Hoàng Văn Cường khẳng định, thật sự cần thiết để có Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Liên quan tới ý kiến không cần có riêng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ, đây là vấn đề thực sự cần thiết. “Cơ cấu lại nền kinh tế là sự thay đổi về quan hệ tỉ lệ để làm thay đổi quy mô, tốc độ phát triển các vùng, ngành, thành phần kinh tế”.

ĐBQH chỉ ra 3 nguyên nhân cần thiết để tái cơ cấu. Thứ nhất, hiện phân bổ nội tại của kinh tế Việt Nam đang mất cân đối. Cụ thể như vốn trong doanh nghiệp Nhà nước chiếm giữ lớn nhưng không hiệu quả trong khi tư nhân không tiếp cận được; các vùng kinh tế ven biển nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm…

Thứ hai, kinh tế Việt đang thiếu các trụ cột để phát triển tự chủ, bền vững. Kinh tế nước ta phụ thuộc chủ yếu bằng FDA, đến từ bên ngoài. “50% ta đang đi tăng trưởng hộ các nước khác dẫn tới năng suất lao động thấp… do đó cần thiết phải thay đổi phân công chuỗi giá trị này”, ĐB nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường chỉ ra, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường. Muốn vậy, cần phải vươn ra thế giới, nắm được các “yết hầu” kinh tế thế giới, có các tập đoàn hùng mạnh… Song thực tế, chúng ta vẫn chưa làm được điều này. ĐB dẫn chứng, vận tải đường sắt đô thị rất cần thiết, có nhiều đô thị lớn, trục giao thông Bắc – Nam… song Việt Nam vẫn đang phải thuê nước ngoài và nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp. Vậy, có nên chăng, chúng ta cần xây dựng những ngành nghề chủ lực như trên?

Thứ ba, tác dộng đại dịch, cách mạng 4.0 đề nghị phải thay đổi trong kinh tế. Tuy nhiên, ĐB dẫn ra trong lĩnh vực giáo dục, dù Việt Nam luôn muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 song hiện vẫn đang sử dụng các phần mềm trực tuyến của nước ngoài như Zoom, Teams, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được nếu đặt hàng từ tập đoàn, đơn vị trong nước.

“Nói như vậy để thấy rằng chúng ta rất cần phải có các cơ chế đột phá để tạo lập ra các chỗ đứng, thay đổi phương thức đầu tư chứ không phải thực hiện các biện pháp thông thường. Nếu như vậy, chúng ta đưa ra được các giải pháp thực sự đột phá mà trong các quy định luật pháp thông thường không có, trong kế hoạch bình ổn không có… thì Quốc hội cần thiết phải thông qua”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Minh Quang

 
TIN MỚI