Xúc động nhìn lại bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ

02/06/2021 - 06:32

PNO - Ngày 5/6 tới là kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), lần đầu tiên, một tấm bản đồ vẽ lại "hành trình cứu nước" của Bác được phát hành.

Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ được phân chia rõ tuyến hành trình trên biển và hành trình trên bộ, với 10 chặng chính. Bắt đầu từ cảng Sài Gòn (1911), vòng quanh châu Phi, đến Pháp - châu Mỹ - Anh, Pháp - Liên Xô, Nga - Quảng Châu, Nga - Xiêm rồi sang Hồng Kông, Thượng Hải, quay lại Nga rồi đến Quế Lâm (Trung Quốc) và cuối cùng là qua cột mốc biên giới Việt Nam 108, về với Pác Pó, Cao Bằng (1941). 

Tấm bản đồ ghi dấu những chặng hành trình của Bác trong 30 năm đi tìm đường cứu nước
Tấm bản đồ ghi dấu những chặng hành trình của Bác trong 30 năm đi tìm đường cứu nước

Trên trục biểu thị thời gian, từng dấu mốc trong hành trình của Bác được ghi tóm tắt lịch trình, những công việc mà Bác từng làm ở xứ người. Ngoài làm đầu bếp, Bác còn làm vườn, làm công nhân ở bến cảng, quét tuyết ở trường học. Ngoài thời gian làm việc, Người thường xuyên đến Thư viện Bảo tàng Anh đọc các sách văn học và triết học.  

Cho đến khi chính thức gia nhập Đảng xã hội Pháp, Bác hoạt động tích cực trong cộng đồng Việt kiều ở Pháp, lập hội những người Việt Nam yêu nước, đọc luận cương của Lênin, sáng lập báo Le Paria (Người cùng khổ), bị nhà cầm quyền nước sở tại bắt giữ, rồi trả tự do... 

Tấm bản đồ được in màu trên giấy bìa cứng dày, khổ 100cmx70cm, tái hiện quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ ngày 5/6/1911 đến 28/1/1941. Tấm bản đồ này được thực hiện từ “tiền thân” là cuốn sách Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn.

Cuốn sách Hành trình theo chân Bác cũng được nhà xuất bản Trẻ tái bản dịp này
Cuốn sách Hành trình theo chân Bác cũng được Nhà xuất bản Trẻ tái bản dịp này

Khối lượng thông tin đồ sộ được chuyển tải trên một tấm bản đồ bằng cách kết hợp sơ đồ 10 chặng đường trong Hành trình theo chân Bác thành một bản đồ duy nhất để biểu thị về mặt không gian. Thời gian được thể hiện bằng đồ thị. Cách thể hiện hành trình và điểm đến được lấy cảm hứng từ bản đồ tàu điện ngầm, bản đồ xe buýt đô thị, và giải pháp ấy đã giúp giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật cho ấn phẩm độc đáo này.

Bản đồ chính trị thế giới có nhiều thay đổi trong 30 năm kể từ khi Bác ra tìm đường cứu nước đến khi Bác trở về, nhiều quốc gia đã biến mất và nhiều quốc gia đã ra đời. Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết, đơn vị sử dụng bản đồ thế giới hiện nay để độc giả dễ hình dung các điểm đến dọc theo hành trình của Bác. Tấm bản đồ thích hợp treo ở các thư viện, văn phòng đoàn, hội, phòng hội họp các cơ quan, đơn vị lẫn Phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị quân đội. Bản đồ cũng là một học liệu quý phục vụ công tác giảng dạy và học tập trong trường lớp.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI