Xót xa cậu bé bị lên cơn co giật 3 lần một ngày

06/09/2017 - 15:30

PNO - Đang ngồi chờ khám bệnh, Quân bất ngờ ngã từ trên ghế xuống nền nhà, giật liên tục, ai cũng hốt hoảng. Thế nhưng, Quân đã quá quen thuộc với những cơn đau. Mỗi ngày em bị giật đến 2 - 3 lần.

Nghe có đoàn y, bác sĩ ở Sài Gòn về khám bệnh, phát thuốc miễn phí; khoảng sân nhỏ của Trung tâm Y tế xã Tam Quan dường như nhộn nhịp hẳn lên.

Xot xa cau be bi len con co giat 3 lan mot ngay
Bà con xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đợi đến lượt khám miễn phí


Đang đợi khám, bất ngờ giật liên tục

Đang ngồi chờ khám bệnh, cậu bé Trần Quân (13 tuổi, ở thôn Hội Phú, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bất ngờ ngã từ trên ghế xuống nền nhà, giật liên tục, khiến ai cũng hốt hoảng. Bà Hà Thị Mót (63 tuổi, bà ngoại của Quân) nói lớn: “Nó bị động kinh, nó lại lên cơn động kinh rồi”.

Xot xa cau be bi len con co giat 3 lan mot ngay
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Bệnh viện Quận 2 cứu chữa cho bé Quân khi em đột ngột lên cơn động kinh


Cậu bé được bế ngay vào phòng khám bệnh. Nhìn đôi tay co quắp, hai hàm răng cắn chặt, gồng cứng, cơ thể gầy gò đen đúa của Quân run lên theo từng cơn co giật, ai cũng không khỏi xót xa. Bà Mót cho biết, mỗi ngày em lên cơn đau đớn đến 2, 3 lần.

Theo bà Mót, Quân bị bệnh động kinh từ năm 3 tuổi. Lúc đó, đang ngồi chơi với bạn, em bị giật ngã mạnh về phía sau, cả nhà chỉ nghĩ con nít với nhau, chuyện đùa giỡn, xô ngã rất bình thường.

Người lớn bận đi làm thuê, làm mướn, chiều về chỉ kịp thắc mắc khi thấy vết bầm tím trên người em ngày một nhiều lên, rồi mọi người lại tất bật với cơm chiều, để tranh thủ làm thêm buổi tối. Cơn động kinh của Quân cũng vì thế âm thầm tăng lên.

Xot xa cau be bi len con co giat 3 lan mot ngay
Qua khỏi cơn co giật, Quân ngồi co ro trước sự xót xa của bà ngoại mình


“Đến khi anh của nó hỏi sao thấy em bị té, giật hoài, có khi giật gần nửa tiếng mới ngồi dậy được, cả nhà tôi hoảng hốt ôm cháu đi bệnh viện. Bác sĩ nói nó bị động kinh, suy dinh dưỡng, cần ăn uống đủ chất, uống thuốc đủ cử, co giật mới ít lại.

Từ đó, đi làm được bao nhiêu, gia đình đều mua thuốc cho cháu. Đang trị bệnh cho con, mẹ nó lại bị tai biến mạch máu não, liệt người. Cháu tôi không còn thuốc, nên giật hoài”, bà Mót ngao ngán.

Nhìn qua cháu, bà Mót không khỏi xót xa nhớ lại, ba mẹ Quân ít học, tay trắng lấy nhau với mong ước có một tương lai ổn định hơn. Vài năm sau, hai anh em Quân lần lượt ra đời nhà chưa ổn định thêm phần khó khăn. 

Khoảng 5 năm trước, chị Trần Thị Nhâm (43 tuổi, mẹ ruột của Quân) bất ngờ bị tai biến rồi nằm liệt một chỗ, mọi gánh nặng đè lên vai bà Mót và con rể. Không chịu nổi cảnh nhà oằn nặng, người đàn ông bỏ gia đình ra đi. 

Té xuống mương nước cố nắm chặt cỏ vì... "Em sợ bị chết"

Xot xa cau be bi len con co giat 3 lan mot ngay
Bà Mót liên tục an ủi cháu: "Có bác sĩ về rồi, con không chết đâu, đừng lo"


Thấy con quá nhỏ, chị Nhâm cố gượng dậy nhưng cũng lê lết được vài bước chân quanh ngôi nhà xiêu vẹo. Bà Mót để ba mẹ con chị tự trông nhau, bà đi cắt lúa thuê, nhổ cỏ mướn,… thấy việc gì cũng xin làm, được khoảng 120.000 đồng/ngày.

Anh của Quân xin theo tàu đánh cá ra biển. Mỗi chuyến đi kéo dài 15-20 ngày mang về được hơn 2 triệu gửi bà ngoại mua thuốc cho mẹ. Mọi chi phí tập trung vào chữa bệnh cho chị Nhâm với mong mỏi chị sớm khỏi bệnh đi làm nuôi gia đình.

Thế nhưng, sau 5 năm chạy chữa, chị Nhâm vẫn chỉ bước được vài bước trong nhà rồi té ngã, trong khi cơn động kinh của Quân ngày một tăng lên, em giật liên tục. 

Xot xa cau be bi len con co giat 3 lan mot ngay
An ủi cháu là vậy, nhưng bà Mót chưa bao giờ ngừng lo lắng, vừa con gái tai biến, vừa cháu co giật mỗi ngày, bà cố gắng lao vào làm việc để có tiền thuốc cho cả hai


“Mỗi lần bị co giật, người ta thấy, người ta đưa em về nhà, nếu chỗ đó không có ai, em đợi giật xong rồi về. Có lần em bị té xuống mương, em không bơi được, bị uống nước nhiều lắm, sợ bị chết. Sau này em tính sẵn, vừa té xuống mương nước thì nắm chặt cỏ hay mấy cái cây ở dưới đó. Đợi hết bị giật rồi leo lên”, Quân thì thầm.

Nghe cháu nói, bà Mót ngậm ngùi: “Hai mẹ con nó bệnh, nhà nước trợ cấp 700.000 đồng/tháng (Quân được 300.000/tháng, chị Nhâm 400.000 đồng/tháng – PV). Tôi ráng lắm cũng được 120.000 đồng/ngày. Thu nhập của anh nó tùy theo đợt đi biển có nhiều cá hay không. 

Ở nhà chỉ dám cắt rau dại ăn qua ngày. Hôm nào hết gạo thì cả nhà nhịn đói, hàng xóm thương tình cho cái gì bà cháu ăn cái đó chứ không dám đụng vô tiền trợ cấp. Tôi để dành, mẹ con nó xảy ra chuyện có tiền mà cấp cứu.

Xot xa cau be bi len con co giat 3 lan mot ngay
Tuổi già cần được nghỉ ngơi, nhưng đôi tay bà Mót chưa ngày nào được ngơi nghỉ


Bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, cho biết: “Bệnh nhân bị động với tần suất, thời gian kéo dài như hiện tại rất nguy hiểm. Khi cậu bé lên cơn động kinh bất ngờ, té ngã nếu không may mắn sẽ gãy xương, chấn thương đầu. Quân vẫn gặp nhiều nguy cơ như bị đuối nước nếu ngã xuống mương, kênh. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân cũng có thể tử vong đột ngột.

Bên cạnh đó, động kinh trong thời gian dài khiến Quân bị tổn thương não ngày một nhiều. Hiện tại, em đã có nhiều dấu hiệu về sa sút trí tuệ, tâm thần không ổn định. Điều quan trọng lúc này, bệnh nhân cần phải uống thuốc thường xuyên, đúng liều để hạn chế tần suất lên cơn động kinh”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI