Xoè Thái được công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại

15/12/2021 - 21:36

PNO - Quyết định này được UNESCO đưa ra trong kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.

Cuộc họp diễn ra vào chiều 15/12 (theo giờ Việt Nam) tại Paris, Pháp. Hồ sơ của nghệ thuật xoè Thái được ghi danh cùng với 35 hồ sơ  khác trên toàn thế giới. Như vậy, hiện Việt Nam đã có 14 di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại do UNESCO công nhận. Trước đó, các loại hình nghệ thuật được công nhận gồm: quan họ Bắc Ninh, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ...

Chủ thể của nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng người Thái, sinh sống chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Xoè phổ biến ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Người thực hành bộ môn nghệ thuật này là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp.

Xòe nghĩa là nhảy múa trong tiếng Thái. Xòe thường được sử dụng trong nghi lễ, đám cưới, lễ hội, các hoạt động văn hóa cộng đồng. 

Xoè Thái gắn liền với lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng của  người Thái
Xòe Thái gắn liền với lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng của người Thái. Trong ảnh là Hoa hậu Hoàn cầu Khánh Ngân giao lưu, học hỏi xòe Thái với người dân bản địa trong chuyến công tác tại vùng Tây Bắc.

Trong quá trình di cư từ phương Bắc xuống phương Nam, người Thái từ xa xưa đã mang theo những điệu xòe sơ khai, múa tương tự hoặc mô phỏng các hoạt động trong công cuộc lao động săn bắt, hái lượm hay những biện pháp chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú để vừa phải tự vệ vừa kiếm sống. Sau đó, người Thái đã sáng tạo ra những nhịp xòe, những động tác nhảy múa kèm theo các dụng cụ lao động và sinh hoạt cá nhân như nón, gậy, khăn, quạt, đàn tính.

Xòe có 3 loại chính: xòe tín ngưỡng, xòe giải trí và xòe biểu diễn. Sau này, một số điệu xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt... Xòe vòng phổ cập trong các sự kiện văn hóa quan trọng của cộng đồng và gia đình với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu xòe có những động tác cơ bản là: vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. 

Sự phát triển của xòe cũng gắn liền với lịch sử của người Thái. Từ 1945 trở về trước, xã hội bị phân hóa, tầng lớp thống trị nắm quyền. Vì vậy, trong sinh hoạt cộng đồng cũng có sự phân biệt, dân xòe với dân, quan xòe với quan.

Nhạc cụ đệm cho xòe gồm: trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, tính tẩu, quả nhạc, kèn, chũm choẹ. Âm điệu phổ biến được thể hiện ở quãng hai trưởng, quãng ba, quãng bốn trưởng và thứ, quãng năm đúng. Nhịp điệu thường nhấn mạnh ở khuôn nhạc 2/4, 4/4, phù hợp với động tác bước tiến, ký, bước lùi, ký, tay vung lên xuống đều đặn.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI